You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Quẻ Bói Đầu Năm

Ảnh của tuongnangtien

Nguyễn Trọng Tín đánh xe tới nhà tui, nói, tui nói với ông một câu rồi tui dzề: Dzụ Đồng Tâm cho biết điều quan trọng này: Thực sự chính quyền này không phải của dân. Dzậy thôi!

Nguyễn Quang Lập

Tôi vẫn thường nghe nhiều người bất đồng chính kiến ở VN than phiền là họ bị theo dõi, trông chừng, hay canh giữ tại nhà. Tưởng sao chớ chỉ có “bị” thế thôi thì cũng đâu có phiền phức gì cho lắm. Ấy thế mà không ít vị liền công khai bầy tỏ sự phẫn nộ với chính phủ vì đã biến tư thất thành lao thất, khiến họ trở nên những tù nhân ngoại trú, xâm phạm vào quyền tự do căn bản của người dân, bất chấp nhân quyền hay luật pháp …

Những tố giác thượng dẫn dù không sai nhưng, xem ra, có hơi quá đáng. Khách quan mà nói thì nhà nước hiện hành chỉ trấn áp (qua loa) cỡ đó thôi là … tử tế lắm rồi. Chứ cứ theo như tôi biết, cách đây chưa lâu (lắm) thì sự việc còn tồi tệ hơn rất nhiều mà có thằng dân nào dám ho he, hó hé hay than van gì đâu. Quá lắm thì cũng chỉ dám than thở với vợ là cùng:

 “Hôm ấy là ngày 24-12 hôm trước của Nô-en 1967. Từ sớm đã có báo động máy bay. Trẻ con nhà tôi đã đi sơ tán cả, ở nhà chỉ còn có hai vợ chồng. Hai chúng tôi nhảy xuống cái hố cá nhân ở mảnh sân con trước cửa nhà. Đứng nép hai người dưới cái hố cá nhân chật chội, nghe tiếng bom nổ, tôi nói:

– Ước gì một quả bom rơi xuống trúng hố cho chúng mình chết luôn. Có đôi.

Nghe tôi nói, vợ tôi mỉm cười buồn rầu. Vợ tôi hiểu tâm trạng của tôi là tâm trạng của một con thú bị săn đuổi không có đường chạy tháo thân. (Trần Thư. Tử Tù Xử Lí Nội Bộ. Văn Nghệ, Westminster, CA:1995).

Trần Thư, tất nhiên, không phải là “con thú bị săn đuổi” duy nhất vào thời điểm ấy:

“Bình bàng hoàng khi biết mình có ‘đuôi’…. Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù. … Đó là đòn đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là cuộc đời nữa. Trời đất đảo lộn. Cuộc sống dù sao cũng là cuộc sống. Vẫn có trời. Có gió. Có mây. Có cánh đồng, có đường phố. Có lúc giận vợ. Có lúc nô đùa với các con. Và viết. Nay sắp mất tất cả... Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).

Trần Thư và Bùi Ngọc Tấn – chung cuộc – đều đã lần lượt vào tù, rồi được phóng thích, và đã lìa trần ráo trọi. Tuy thế, công tác theo dõi/trông chừng/ canh giữ người dân thì vẫn nằm trong đường lối và chính sách (xuyên suốt) của chế độ hiện hành. Chỉ có mỗi sự khác biệt là thái độ của những đối tượng nằm trong tầm ngắm của Công An thì hoàn toàn đã khác. Họ coi đám lính cứ loẵng ngoẵng theo đuôi này chả còn ra cái đinh gì sất cả:

  • Phạm Xuân Nguyên: “Nhà mình là một căn hộ ở tầng 5 của một chung cư năm tầng, gọi là khu tập thể của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (phòng 503, nhà H1, ngõ 37, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội). Các anh lính đến ngồi ở quán nước cạnh chân cầu thang và canh chừng mình đi xuống để đi theo.
  • Trịnh Bá Phương: “Sáng nay đội an ninh quận Hà Đông lại đến canh nhà tôi. Tôi đi đón bưởi họ cũng đi theo. Vừa đến Nam an ninh quận hỏi.

          -Bọn anh đến hỏi thăm về cái đơn bên Đồng Tâm em gửi đi khắp nơi, gửi cả Liên Hiêp Quốc.
          - Uh, đúng rồi, tôi còn gửi đi nhiều nữa. Có sao ko?


          - Thôi mấy ngày này em cứ ở nhà nhé, phải lo cho vợ con nữa chứ.
          - Gặp ông hôm nay, tôi nói rõ để các ông biết …  tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để cho cái chế độ cộng sản này sớm sụp đổ. Các ông đừng bao giờ nghĩ có thể thuyết phục tôi cái gì nhé.”

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, Phạm Xuân Nguyên 1959, và Trịnh Bá Phương chào đời năm 1984. Khoảng cách giữa ba nhân vật này là nửa thế kỷ, vừa vặn cho ba thế hệ người. Thời gian và thời đại đều không đứng về phe cộng sản nên “bạo lực cách mạng” CHXHCNVN đã dần biến thành một cái dao cùn. Nó cùn lụt đến độ mà cả đám cán bộ an đứng nghe những lời thách thức (“Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để cho cái chế độ cộng sản này sớm sụp đổ.”) mà chả ai có phản ứng nào cả!

Sự cùn mằn này còn được thể hiện rất rõ qua trận đánh vừa qua ở Đồng Tâm. Nhà cầm quyền đã huy động mấy ngàn chiến sỹ, được trang bị đến tận răng chỉ để tập kích một thôn làng, và tận diệt gia đình của một lão nông nhưng bị tổn thất nặng nề. Không chỉ thảm bại trong việc xử dụng “bạo lực cách mạng,” Đảng và nhà nước VN còn phơi bầy sự thảm hại trong mặt trận truyền thông. Tất cả những thông tin lập lờ, lấp liếm, giả trá, bất nhất đều bị lột trần trước công luận. Mọi kịch bản, mưu mẹo, lươn lẹo đều bị bóc mẽ tức thì và khiến công luận trở nên sôi sục:

                   Ảnh: Facebook La Viet Dung

FB Nguyễn Doãn Đôn phê phán: “Trang sử cùa đảng vốn đã đen, mà mới đầu năm các vị đã đổ thêm mực Tầu vào!”

FB Đỗ Thị Thanh Vân tóm gọn: “Không cái ngu nào bằng cái ngu này.”

T.S Hà Sỹ Phu kết luận:

  • Đem đại binh chống một ông già, lo sợ quá bởi Lòng không đại nghĩa!
  • Dựng tiểu tiết như bày con nít, mưu mô thừa vì Chí chẳng công minh!

Khi bạo lực bạo lực sắt máu không còn làm cho người dân run sợ, tuyên truyền dối trá không còn lừa gạt được ai, và tính chính danh lại hết sức mù mờ thì sinh mệnh của một chế độ độ tài coi như đã hết. Vào thập niên trước nhà văn Nguyên Ngọc  đã tiên đoán rằng: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào?”

Nay thì “kịch bản” này đã rõ. Nó “sụp đổ” vì đã đi đến tận cùng của sự rệu rã và thối nát. Tuy đây là một điều vui nhưng chưa chắn đã là một chuyện thật đáng mừng, sau đó. Nó đổ rồi sao?

What’s next?

Tự do và dân chủ, nói theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay đâu. Mà ngay cả đến chuyện lo chụm củi nấu nước sôi (e) cũng chưa có ai nghĩ đến!