You are here

Tôn giáo trong chế độ cộng sản Việt Nam

Ảnh của nguyenvubinh

     Tôn giáo là con đường và cầu nối dẫn tới một thế giới khác, thế giới tâm linh. Tôn giáo xuất hiện từ rất lâu trong thế giới loài người. Các tôn giáo có nhiều sự khác nhau về niềm tin, giáo lý, tổ chức, sinh hoạt… nhưng đều có chung những nền tảng như: rao giảng tình yêu thương của con người, hướng con người yêu thương con người; khuyến khích con người làm điều thiện, tránh điều ác; đề cao và phát huy các đức tính tốt đẹp của con người...

     Chủ nghĩa Cộng sản, mà đại diện là các chế độ cộng sản, hay các nước Xã hội Chủ nghĩa đã và đang tồn tại có mục đích thống trị nhân dân, người dân ở các nước. Mục đích cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản là thống trị nhân loại, nhưng loài người đã may mắn tránh được họa cộng sản trên phạm vi toàn cầu. Không những thế, các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã bị sụp đổ vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Với mục đích thống trị nhân loại, thống trị nhân dân ở các quốc gia, các chế độ cộng sản đã sử dụng các chiến lược gieo rắc sự sợ hãi, tạo lập sự lệ thuộc của người dân vào nhà nước, kiểm soát tư tưởng của người dân để thiết lập một hệ thống độc tài toàn trị cộng sản. Để duy trì sự thống trị, các chế độ cộng sản phân chia các giai cấp, và kích động những bản tính xấu xa của con người như lòng tham, sự độc ác, tính vô cảm, hận thù. Đặc biệt, các chế độ cộng sản muốn người dân bị chia rẽ, cô lập và không muốn người dân yêu thương nhau. Đó là các điều kiện để duy trì sự thống trị của các đảng cộng sản đối với nhân dân.

     Khi các chế độ cộng sản được thiết lập ở các quốc gia, với bản chất và phương thức cai trị như trên, hoàn toàn đối ngược với truyền thống của các tôn giáo. Chính vì vậy, tôn giáo là mục tiêu đầu tiên, quan trọng nhất để các chế độ cộng sản tiêu diệt và đánh phá. Bởi vì tôn giáo bao hàm niềm tin, các tổ chức tôn giáo (có tổ chức chặt chẽ, có tổ chức lỏng lẻo…), lực lượng giáo dân, tín đồ vô cùng đông đảo, đức tin tôn giáo được bồi đắp từ nhiều năm, nhiều thế hệ không dễ phá hủy nên các chế độ cộng sản đã phải sử dụng tất cả các biện pháp, các lực lượng, phương tiện và thủ đoạn để triệt phá và vô hiệu hóa các tôn giáo. Nghiên cứu về phương thức, chính sách, âm mưu và thủ đoạn của nhà cầm quyền cộng sản triệt phá các tôn giáo, chúng ta sẽ hoàn thiện bức tranh về chế độ độc tài toàn trị cộng sản hiện hữu ở Việt Nam.

     Trước khi đi vào tìm hiểu âm mưu và phương thức của nhà cầm quyền đối với tôn giáo, chúng ta cần hiểu qua về đặc điểm tôn giáo ở Việt Nam. Có hai đặc điểm cần lưu ý. Thứ nhất, Công giáo ở Việt Nam có giáo hội tổ chức rất chặt chẽ, là chi nhánh của giáo hội La mã, có sự liên thông với Công giáo toàn thế giới. Nhưng nhiều tôn giáo khác, tổ chức không được chặt chẽ như Công giáo, và không có mối liên hệ trực tiếp, chặt chẽ với nước ngoài như Công giáo. Thứ hai, chỉ sau năm 1975, Việt Nam mới có nhiều tôn giáo rơi vào vòng kiểm soát của cộng sản, và đó là các tôn giáo không khuất phục trước nhà cầm quyền cộng sản như Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài…

     Có thể nói, chiến lược, chính sách của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo được chia thành hai giai đoạn, tương ứng với hai giai đoạn cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam. Giai đoạn mới cướp được quyền lực, thực hiện các cuộc chiến tranh và còn được bảo trợ từ phe Xã hội Chủ nghĩa và giai đoạn hội nhập sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Khi mới cướp được chính quyền, lợi dụng thời kỳ chiến tranh, và phe Xã hội Chủ nghĩa còn hùng mạnh, nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện chiến lược tiêu diệt, triệt hạ, cấm đoán và vô hiệu hóa hoạt động của các tôn giáo. Thời kỳ hội nhập, khi cần giữ quan hệ ngoại giao và phe Xã hội Chủ nghĩa không còn nữa, nhà cầm quyền thực hiện chiến lược làm biến chất các tôn giáo, biến các tôn giáo thành tay sai, công cụ và thành tổ chức ngoại vi phục vụ chế độ. Thời kỳ này kéo dài từ khoảng năm 1997, 1998 là thời điểm nhà nước hậu thuẫn lập ra và cho phép hai tôn giáo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo (được nhà nước công nhận) hoạt động cho đến nay.

     I/ Chiến lược tiêu diệt, triệt hạ, cấm đoán và vô hiệu hóa hoạt động của các tôn giáo

     Chiến lược tiêu diệt, triệt hạ và cấm đoán các tôn giáo được thực hiện ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1945 và mục tiêu được nhắm vào chủ yếu là Phật Giáo và Công Giáo. Sau năm 1975, các tôn giáo như Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài cũng là mục tiêu triệt hạ, cấm đoán cho đến tận những năm 1997, 1998. Để thực hiện chiến lược này, nhà cầm quyền đã thực hiện các biện pháp sau.

     1/ Gieo rắc sự sợ hãi

     Gieo rắc sự sợ hãi là biện pháp đầu tiên, số một được dùng của các đảng cộng sản từ khi được thành lập, cũng như khi đã cướp được quyền lực. Gieo rắc sự sợ hãi được nhắm tới toàn thể nhân dân và nhằm mục đích làm cơ sở để áp dụng các sách lược khác, cho đến khi xây dựng được hệ thống độc tài toàn trị. Chính vì vậy, nó cũng được sử dụng trong việc tiêu diệt và vô hiệu hóa tôn giáo. Gieo rắc sự sợ hãi mà đảng cộng sản sử dụng bao gồm các việc như giết người, thủ tiêu, ám sát, bắt bớ, giam cầm, đánh đập. Việc giết người, giết những người tu hành ở các tôn giáo như linh mục, nhà sư, các hàng giáo phẩm được thực hiện tùy tiện, đôi khi chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, vô lý và đôi khi không cần lý do. Trong thời kỳ mới cướp được chính quyền, cũng như giai đoạn chiến tranh sau đó, có các lý do mà đảng cộng sản đưa ra để xử tử những người tu hành, đại diện các tôn giáo, đó là tuyên truyền mê tín dị đoan, chống lại đường lối chính sách của đảng, và làm việc cho địch. Tất cả những lý do này đều không cần chứng minh, không cần bằng chứng, mà chỉ có tuyên án và xử tội, có thể là thủ tiêu, có thể là bắt bớ, đánh đập, giam cầm…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 20/01/2020

N.V.B