You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Kẻ Sỹ Nam Kỳ & Ván Bài Lật Ngửa

Ảnh của tuongnangtien

Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo.

Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi.

Trần Tế Xương

Nguyên Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn, Trần Bạch Đằng, qua đời vào năm 2007. Tuy thế, hơn 10 năm sau nhiều vị trí thức ở Thành Phố Hồ Chí Minh (Quang Vinh) vẫn nhất định tụ tập nhau lại để vinh danh ông là Kẻ Sĩ Nam Bộ bằng một tác phẩm cùng tên – dầy đến 400 trang. Báo Lao Động cho biết thêm chi tiết: “Nhóm chủ biên đã nhận được sự cộng tác của hơn 50 người từng có thời gian gắn bó với ông Trần Bạch Đằng để hình thành nên cuốn sách này.”

Thiệt là tình nghĩa và trang trọng hết biết luôn. Chỉ có điều đáng tiếc là công trình trước tác đồ sộ này không có người mua, và cũng không được bao cấp (như Tuyển Tập Nông Đức Mạnh hay Tuyển Tập Nguyễn Phú Trọng) nên “các tác giả có bài viết trong tác phẩm sẽ được trả nhuận bút bằng sách ” –  theo như nguyên văn lời tâm sự của T.S Quách Thu Nguyệt (thành viên của ban biên tâp) trên báo Phụ Nữ, đọc được vào hôm 22 tháng 7 vừa qua.

Thiệt là một “tâm sự” não lòng. Ấy thế mà vẫn còn có chuyện não nề hơn, cũng liên quan đến Trần Bạch Đằng và một “kẻ sĩ” khác (cùng gốc gác Nam Kỳ) theo lời kể của nhà báo Lê Đức Dục:

Năm 1997, trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (nay là Tuổi Trẻ cuối tuần) có đăng bài báo của ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh), có tựa “Kẻ sĩ Gia Định”. Tôi nhớ mãi bài báo ấy vì ông Trần Bạch Đằng có kể câu chuyện về một kẻ sĩ của Sài Gòn bấy giờ là cụ Lưu Văn Lang – kỹ sư bản xứ đầu tiên của người Việt (các bạn cứ “gúc” Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước).

Ông Tư Ánh kể năm 1967, nghe tin cụ Lang mệt nặng, khu ủy Sài Gòn cử ông Đặng Xuân Phong (sau này là thượng tá – đã mất) đến thăm vào báo cáo tình hình kháng chiến với cụ Lưu Văn Lang và xin ý kiến của cụ về thời cuộc. Vì hoạt động bí mật, gặp từ khuya, xong còn tìm đường lên cứ, nên anh Phong kể xong hỏi cụ chỉ giáo gì không, nghe xong cụ nói “Mấy anh làm tốt rồi, nhưng coi chừng Trung Cộng”.

Thế là dù đã đến giờ giao liên đón, nhưng anh Phong vẫn ngồi lại giải thích cho cụ là TQ đang giúp cho cuộc chiến chúng ta này nọ, viện trợ này kia, bla bla… Mong cụ Lang hiểu được tình hình hữu nghị, vì biết tiếng nói của một trí thức lớn như cụ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào… Và sau một hồi giải thích, người giao liên phát tín hiệu phải lên đường, không thể muộn hơn, anh Phong nghĩ chắc cụ Lang đã “thấm nhuần” nên chào từ biệt cụ. Bước ra tới cửa, anh quay lui bên cụ lễ phép: Dạ cụ chỉ giáo gì thêm không ạ. Cụ Lang chỉ buông đúng cái câu lúc nãy: “Coi chừng Trung Cộng”! Anh cán bộ Phong, chắc nói theo kiểu chừ là bó tay, nhưng ông Trần Bạch Đằng cực kỳ đắc ý với chi tiết này và cảm khái: Kẻ sĩ Gia Định là như thế đó!

Tôi thiệt không hiểu rõ “như thế đó” là “như làm sao” nên làm theo lời khuyên của tác giả Lê Đức Dục (“các bạn cứ ‘gúc’ Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước”) và biết thêm được ba điều bốn chuyện, cũng hơi thú vị:

Lưu Văn Lang (1880- 1969) là kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ông là một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20…Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật…

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội… Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958. Thời gian sau đó cho đến tận cuối đời, tuy không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn…

Té ra ông kỹ sư là một cán bộ cộng sản nằm vùng nên tuy suốt đời người sống ở miền Nam nhưng luôn hướng vọng về một ông “Bác Kính Yêu,” ở tuốt luốt bên kia vỹ tuyến:

“Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu ‘lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam’, điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông v.v… Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai. (Trần Đĩnh. Đèn Cù I. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Lưu Văn Lang cương quyết theo bác Hồ. Bác lại “nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc” rồi “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam,” và chưa bao giờ dấu giếm bất cứ ai về ý nguyện của mình. Thế mà đến lúc lâm chung ông kỹ sư miền Nam lại trăn trối lại rằng: “Coi chừng Trung Cộng.”

Thế nà thế lào?

Suốt đời Lưu Văn Lang và Trần Bạch Đằng đều quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào để dọn đường cho Tầu vào đất Việt. Đến khi “nhiệm vụ hoàn thành một cách vẻ vang” rồi thì ông này lại vô cùng “cực kỳ đắc ý” và  “cảm khái” về sự “đốn ngộ” của ông kia, vào phút lâm chung: “Coi chừng Trung Cộng.”

Sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời!

Đến ngay cả một người ngoại quốc (Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper) vừa chân ướt chân ráo đến VN mà còn biết chuyện Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán từ vài ngàn năm trước, vậy mà hai “kẻ sỹ” của đất Nam Kỳ mãi cho đến cuối đời mới ngộ ra cái chuyện phải … “coi chừng Trung Cộng.” Tui thiệt đến là bó tay.com luôn với cả hai cha. Cỡ thường dân Nam Bộ (như tui) cũng không đến nỗi ngu kỹ và ngu lâu tới vậy!