You are here

Làn sóng tự do hay làn sóng dân chủ cuối cùng (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     - Quyết tâm của các chính phủ dân chủ và các định chế quốc tế trong việc ủng hộ đòi hỏi dân chủ của người dân ở các quốc gia độc tài. Đối với việc dân chủ hóa đất nước hay thay đổi chế độ độc tài bằng một chế độ dân chủ ở mỗi quốc gia, chỉ riêng quyết tâm của người dân vùng lên đòi tự do là không đủ. Cần có sự ủng hộ, giúp sức của các quốc gia dân chủ, các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Lịch sử đã từng chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân chính là sự khủng hoảng của cấu trúc toàn trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thì yếu tố không thể thiếu được là một chiến lược giải thể cộng sản được Hoa Kỳ và các nước dân chủ thúc đẩy quyết liệt mới dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản đó. Ngay sau khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta không còn thấy một quyết tâm của Hoa Kỳ và các nước dân chủ trong việc ủng hộ và hỗ trợ người dân ở các nước cộng sản còn lại, cũng như các nước độc tài khác. Vấn đề là thế giới tự do vẫn có sự ủng hộ và hỗ trợ phong trào dân chủ trên thế giới nhưng sự ủng hộ và hỗ trợ đó không trở thành một chiến lược chung giải thể các quốc gia độc tài như đã từng được thực hiện cuối thời kỳ chiến tranh lạnh. Thật may mắn là gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong việc đe dọa trực tiếp vị thế siêu cường số một thế giới của Mỹ, cũng như đe dọa toàn bộ các nền dân chủ, thế giới tự do mà Mỹ đã thức tỉnh và đưa ra chiến lược ngăn chặn toàn diện với Trung Cộng, đồng thời vận động các quốc gia dân chủ cùng chung tay đối phó. Nếu như ngài D.Trump tiếp tục đắc cử một nhiệm kỳ nữa ở Hoa Kỳ, hi vọng về một sự sụp đổ, hoặc giải thể toàn diện chế độ cộng sản toàn trị ở Trung Quốc là rất khả quan. Khi chế độ cộng sản toàn trị có đủ khả năng làm thành lũy cuối cùng của phe độc tài sụp đổ, hi vọng về làn sóng dân chủ bùng phát mới trở thành hiện thực.

      Điều kiện đủ

     Những câu hỏi được đặt ra ở phần trên chính là điều kiện đủ cho làn sóng dân chủ cuối cùng của nhân loại đi tới thành công. Chúng ta cần trả lời được, tại sao các nền dân chủ đã được thành lập, các thể chế dân chủ đã được xây dựng khi gặp các biến cố, sự cố lại có thể đảo ngược để trở lại thành độc tài, chuyên chế? Chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi và phải trả lời bằng được, tại sao các nước xây dựng thể chế dân chủ, nền dân chủ lại khó khăn và chật vật như vậy? Câu trả lời thường xuyên xuất hiện, rằng dân chủ là rất quý báu, là rất khó khăn để đạt được nhưng sau đó cũng không ai chỉ ra được, khó như thế nào, cuối cùng cần những tiêu chí gì để có được nền dân chủ, để người dân đạt được tự do. Tất cả là một sự mập mờ, khó hiểu và không ai giải thích nổi! Ngay những tiêu chí mà tạp chí dân chủ (Economist) của nước Anh, và tổ chức Freedom House đưa ra để đánh giá và xếp hạng các nền dân chủ cũng vô cùng mơ hồ và khó hiểu.

     Thêm một câu hỏi được đặt ra, thế giới đã có định nghĩa, khái niệm thống nhất về dân chủ hay chưa? Theo như hiểu biết của người viết bài này, thì thế giới chưa thống nhất được định nghĩa về dân chủ (Có tài liệu cho biết, đến những năm 60 của thế kỷ XX, thế giới có hơn 500 định nghĩa về dân chủ). Như vậy, theo logic thông thường, chưa định nghĩa được dân chủ là gì, chưa thống nhất được thế nào là dân chủ thì chưa thể thống nhất được bản chất, cốt lõi của dân chủ. Chưa thống nhất được bản chất, cốt lõi của dân chủ nên sự thành công của các nền dân chủ không có mẫu số chung, không ai chỉ ra được yếu tố nào, định chế nào quyết định, bảo đảm tự do của con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực trạng xây dựng và vận hành thể chế dân chủ và các nền dân chủ trên thế giới.

     Khi nền dân chủ xuất hiện và đã được xây dựng vài trăm năm, khi mà đã có hàng trăm quốc gia thực hiện xây dựng thể chế dân chủ ở tất cả các châu lục, với các điều kiện địa lý, kinh tế xã hội và văn hóa đa dạng, phong phú nhưng cuối cùng cũng chỉ có hơn 20 nước có được dân chủ đầy đủ, người dân thực sự tự do (chỉ chiếm chưa đầy 1/5) thì phải đặt ra câu hỏi về chính thể chế dân chủ đang được xây dựng và vận hành. Tức là cách thức xây dựng, và bản thân thể chế dân chủ hiện hành có khiếm khuyết cốt tử. Hầu như không có một ai đặt ra câu hỏi đó, mà cứ mặc nhiên coi thể chế dân chủ hiện nay đang được xây dựng và vận hành trên thế giới là đúng, là chuẩn mực, là đương nhiên và coi những quốc gia có thể chế dân chủ mà người dân chưa được tự do là do các nước đó chưa thực hiện đúng những yếu tố mập mờ, không rõ ràng và không định lượng được.

     Tôi cho rằng, thể chế dân chủ hiện hành trên thế giới đang có khiếm khuyết cốt tử, đó là chưa có định chế dân chủ cốt lõi, bảo đảm tự do trực tiếp của con người. Theo quan điểm của cá nhân tôi, thể chế dân chủ bao gồm nhiều định chế như hiến pháp dân chủ, đa nguyên đã đảng, tam quyền phân lập, bầu cử và ứng cử tự do, tự do hội họp và tự do biểu tình, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí… nhưng thiếu mất định chế dân chủ cốt lõi: đó là định chế Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp. Chính vì thiếu định chế cốt lõi tòa án nhân quyền mà các nền dân chủ trên thế giới chưa có định chế nào trực tiếp bảo đảm và bảo vệ tự do của con người, dẫn tới tình trạng các định chế khác không có một cơ sở, một chỗ dựa chắc chắn là các quyền cơ bản và các quyền dân sự của con người, cuối cùng dẫn tới sự mong manh và yếu kém của bản thân các định chế và thể chế dân chủ. Chỉ khi có một định chế trực tiếp bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, hay bảo vệ tự do thì một nền dân chủ mới có thể đứng vững và đưa tới tự do của con người (toàn bộ vấn đề này đã được trình bày trong Dự án xây dựng thể chế dân chủ, và các bài viết liên quan của tôi).

     Như vậy, xem xét và bổ sung thêm định chế dân chủ cốt lõi (Tòa án Nhân quyền) cũng như thay đổi cách thức, tiến trình xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia chính là điều kiện đủ, không thể thiếu để các nền dân chủ bảo đảm tự do của con người. Trên cơ sở tự do của con người ở các quốc gia, cách thức thúc đẩy toàn cầu hóa chính là việc mở rộng không gian tự do của con người trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này góp phần thúc đẩy làn sóng dân chủ và đưa tới thành công cho các nền dân chủ cũng như dân chủ hóa toàn cầu./.

Hà Nội, ngày 27/12/2019

N.V.B