Đang có một luồng ý kiến bênh vực và đề nghị khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ.
Việc bênh vực cho một bị cáo nào đó, âu cũng là lẽ thường, vì chẳng có ai bị toàn xã hội ghét bỏ cả. Nhưng bênh vực cách gì thì cũng phải dựa vào đạo lý, pháp lý và cuối cùng là phải nghe được.
Nhưng đến bài viết “Vụ AVG: Mọi người trách mắng đủ chưa?”của tác giả Tâm Đức đăng trên Kiến Thức thì tôi buộc phải có lời.
Tựu trung, Tâm Đức xoay quanh việc Vũ có nhiều việc làm thiện nguyện, tích cực khắc phục hậu quả và có và có hơn 2.000 tổ chức, cá nhân làm đơn xin khoan hồng cho Vũ.
Những lý do mà tác giả nêu ra để bảo vệ cho Vũ, tôi đã phân tích ở bài Khôi hài căn cứ hạ khung án cho Phạm Nhật Vũ nên miễn nói lại. Riêng chuyện Tâm Đức chỉ trích mọi người không tin có 2000 chữ ký thì cứ trưng các chữ ký ra, hà tất phải dài dòng.
Trong bài, có một số ý kiến Tâm Đức dẫn lời, nói là của nhà báo Đỗ Minh Tuấn nào đó. Tôi mới biết đến nhà báo Đỗ Minh Tuấn - Trưởng phòng Phóng viên Báo Pháp luật & Xã hội. Nhưng những câu Tâm Đức nói là của Đỗ Minh Tuấn có phải nhà báo này không thì không xác minh được. Tôi cố dùng công cụ tìm kiếm để tìm xuất xứ những câu mà Tâm Đức cho là của nhà báo Đỗ Minh Tuấn, nếu có thì nói trong hoàn cảnh nào? có phải nói về trường hợp Pham Nhật Vũ hay không nhưng không thể tìm được.
Nhưng điều đó không quan trọng lắm. Tâm Đức đã dẫn ra trong bài viết bênh vực cho Phạm Nhật Vũ thì ắt là Tâm Đức cũng bênh vực Vũ bằng nội dung đã trích.
Xúc phạm người khác
Điều cần nói trước hết là việc qui chụp người lên án Vũ một cách bừa bãi và đầy hằn học:
“Cứ thấy người giàu là ghét, nhìn thấy ai giàu lên, đều nghĩ làm ăn bất chính dù chẳng có bằng chứng gì. Tâm lí này có “nguồn cơn” vừa là thành kiến, vừa vì không hài lòng với hoàn cảnh kinh tế cá nhân mình sinh ra ghét lây và cũng có thể không thích người khác hơn mình. Sống như vậy bất hạnh lắm. Mọi người trách mắng đủ chưa?!
Dẫn câu này trong bài viết, Tâm Đức cho những người lên án Phạm Nhật Vũ chẳng qua là ghét người giàu, tự ti với thân phận nghèo khó của mình, không muốn ai hơn mình. Đây là sự xúc phạm đến những ai đòi xử nghiêm khắc Phạm Nhật Vũ.
Với ai không nói, nhưng với tôi, tôi không bao giờ muốn có cái “tâm đức” hoặc vị trí, tiền của của Phạm Nhật Vũ như Tâm Đức ca ngợi. Nói thế để thấy rằng, Phạm Nhật Vũ là gì mà người đời phải ghen tị.
Vũ là người làm ăn chân chính?
“Cứ thấy người giàu là ghét, nhìn thấy ai giàu lên, đều nghĩ làm ăn bất chính dù chẳng có bằng chứng gì...”
Dẫn câu nói trên, Tâm Đức cho rằng, Phạm Nhật Vũ không phải là kẻ “làm ăn bất chính”? Một kẻ móc ngoặc, gây thiệt hại cho nhà nước tới 6500 tỉ đồng, đem 6,2 triệu đô la đi hối lộ hàng loạt cán bộ công chức, trong đó có cả bộ trưởng thì là người tử tế chắc? Trong thương vụ này, riêng Vũ hưởng lợi từ tiền nhà nước 5850 tỉ đồng. Xin hỏi Tâm Đức, số tiền này là tiền làm ăn chân chính chắc?
Còn Tâm Đức dẫn “dù không có bằng chứng gì”. Vậy việc Vũ khai nhận hối lộ 6,2 triệu đô là Mỹ đã đủ gọi là bằng chứng chưa hỡi tác giả xưng là Tâm Đức?
Vũ “phát tâm thiện nguyện?
Nói về những chữ ký xin khoan hồng cho Phạm Nhật Vũ, Tâm Đức cũng dẫn lời của người mà tác giả cho là của nhà báo Đỗ Minh Tuấn:
"Đây là kết quả của một quá trình phát tâm thiện nguyện, sống không chỉ cho bản thân mình mà còn sống cho người khác của cựu Chủ tịch AVG...”
Trời đất! Một kẻ toan cướp của nhà nước gần 6500 tỉ đồng, trong đó riêng phần mình tới 5850 tỉ thì chỉ có kẻ thần kinh không bình thường mới cho là “phát tâm thiện nguyện”, “sống cho người khác”
“Con đường rộng mở” của Vũ là gì?
Cũng theo Tâm Đức, Đỗ Minh Tuấn còn ca người Phạm Nhật Vũ tình nghĩa với bạn bè:
“Điều này rất đúng với câu nói: Khi con đường của bạn rộng mở, bạn bè biết bạn là ai. Khi bạn rơi vào nghịch cảnh, bạn sẽ biết ai là bạn bè”
Có thể Vũ tốt với bạn bè, có thể Vũ có những người bạn yêu quí Vũ, điều đó cũng là bình thường đối với bất cứ ai. Nhưng“rộng mở” quá mà dắt nhau vào vòng tù tội thì đấy có phải là người bạn tốt? Vụ án AVG là một ví dụ.
Còn “con đường rộng mở” của Vũ là gì thì ai cũng biết, đó là con đường đưa Vũ và bạn bè vào vòng lao lý.
Chưa hết, Tâm Đức còn đề cập đến cả chuyện “Phạm Nhật Vũ có nhiều đóng góp cho nước nhà, đóng góp cho ngoại giao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, duy trì phát triển quan hệ của Việt Nam với Nga…”
Vì bảo vệ nhau mà đại ngôn đến mức này thì hết biết.
Ngoài ra, Tâm Đức còn đưa những thông tin bị cáo này, bị cáo nọ xin giảm án cho Vũ. Bè đảng, đồng bọn xin giảm án cho nhau có gì lạ mà cũng phải nêu ra để mong tăng tính thuyết phục.
*
Khung hình phạt của Vũ có mức từ 12 đến 20 năm tù. Với việc hối lộ tới 6,2 triệu đô la, nếu phạt Vũ kịch khung thì cũng chẳng oan chút nào. Thế nhưng, việc Viện kiểm sát đề nghị cho Vũ mức án 3 - 4 năm tù có vẻ như làm cho Tâm Đức chưa hài lòng. Tâm Đức còn muốn tha bổng cho Vũ chắc?
Bài viết của Tâm Đức có thể coi là một bài bào chữa. Nhưng bào chữa như thế này thì cần xem lại trình độ của “luật sư”.
Có lẽ vì nhiệt tình quá mà Tâm Đức đưa ra những lý lẽ không thể chấp nhận nổi. Không ai thừa nhận tiền ăn cắp đem ra làm thiện nguyện, hoặc làm thiện nguyện rồi đi ăn cắp bù lại là hành vi tử tế.
Tôi của Phạm Nhật Vũ là rất nghiêm trọng. Suýt nữa, y đã bỏ gọn vào túi 5850 tỉ đồng của Nhà nước, đồng nghĩa với tiền mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa của nhân dân. Dù Tâm Đức ca ngợi Phạm Nhật Vũ như thế nào chăng nữa thì y nhất định không phải là người thiện lương.
25/12/2019
Bài bình luận gần đây