You are here

Làn sóng tự do hay làn sóng dân chủ cuối cùng

Ảnh của nguyenvubinh

     I/ Các làn sóng dân chủ trong lịch sử và sự thăng trầm của dân chủ

     1/ Các làn sóng dân chủ trong lich sử

          Làn sóng dân chủ là khái niệm về sự lan truyền của phong trào dân chủ hóa từ nơi này đến nơi khác. Trong lịch sử nhân loại, đã có ba làn sóng dân chủ được biết đến. Làn sóng dân chủ đầu tiên diễn ra cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở châu Âu và châu Mỹ. Theo nhà nghiên cứu Huntington thì làn sóng này kéo dài 100 năm (từ 1828 -1926) đưa tới việc ra đời của 33 nhà nước dân chủ. Làn sóng dân chủ hóa đầu tiên gắn liền với các cuộc cách mạng  ở Anh, Mỹ và Pháp sau đó lan sang các nước như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Canada, và một số quốc gia Mỹ Latin như Argentina, Brazil, Uruguay.  

          Làn sóng dân chủ thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian từ 1943-1962 với các nền dân chủ tăng lên từ 11 đến 52 quốc gia. Làn sóng dân chủ thứ hai gắn liền với việc kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, với sự thất bại của Phát xít Đức, Ý và Nhật, các nước Đồng minh đã thúc đẩy thể chế dân chủ ở các nước mà nó chiếm đóng như Tây Đức, Ý, Áo, Nhật, và Hàn Quốc. Nền dân chủ cũng được tái lập hoặc ra đời ở nhiều nước Mỹ latin như Argentina, Uruguay, Colombia, Peru, và Venezuela. Bên cạnh đó, sau chiến tranh, chủ nghĩa thực dân cũng sụp đổ (chủ yếu Châu Á), dẫn đến một loạt quốc gia mới ra đời và nhiều trong số đó đã áp dụng thể chế dân chủ như Ấn Độ, Philippines, Sri lanka.

     Làn sóng dân chủ thứ ba diễn ra trong khoảng thời gian 1974 - 2005. Trong giai đoạn này, số lượng các quốc gia dân chủ tăng từ 30 lên 121. Làn sóng dân chủ này bắt đầu với cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ độc tài của Marcello Caetano tại Bồ Đào Nha năm 1974. Sau Bồ Đào Nha, chế độ dân chủ lần lượt được thiết lập lại tại các quốc gia Nam Âu khác như Hi lạp (1974) sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự, và Tây Ban Nha (1977) sau cái chết của nhà độc tài Franco. Sau đó làn sóng dân chủ hóa lan rộng sang các quốc gia ở Mỹ Latin, Châu Á, và Đông Âu. Tại Mỹ latin, một loạt quốc gia chịu chế độ độc tài quân sự trong làn sóng đảo ngược thứ hai đã quay trở lại với chế độ dân chủ như Peru(1979), Bolivia (1982), Argentina (1983), Uruguay (1984). Tại Châu Á, năm 1986, người dân đã nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Marcos; trong khi đó phong trào dân chủ mạnh mẽ của người dân Hàn Quốc những năm 1980 đã buộc chính quyền quân sự cải cách và chấp nhận chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987; điều tương tự với Đài Loan. Đỉnh điểm của làn sóng dân chủ hóa thứ ba là sự sụp đổ của Liên Xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu, các quốc gia này sau đó áp dụng thể chế dân chủ.

     Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các nền dân chủ được xây dựng lên trong lịch sử cũng chứa đựng nhiều yếu tố mong manh, và đã có nhiều nền dân chủ không đứng vững trước các biến cố thời cuộc, đã quay trở lại thiết chế chuyên chế chỉ sau một thời gian. Ngay sau các làn sóng dân chủ, là các đợt thoái trào hay còn gọi là các làn sóng đảo ngược đã từng diễn ra.

     2/ Sự thăng trầm của dân chủ

     Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất được theo sau bởi một làn sóng đảo ngược kéo dài trong khoảng thời gian 1922 - 1942. Trong làn sóng đảo ngược này, số lượng các quốc gia dân chủ tụt giảm từ 33 trước đó xuống còn 11. Làn sóng đảo ngược này bắt đầu vào năm 1922, với việc Mussolini lên nắm quyền ở Ý, xóa bỏ chế độ dân chủ và thiết lập chế độ Phát xít. Do tác động của Đại suy thoái (1929  - 1933), cũng như sự nổi lên của các khuynh hướng Phát xít, Cộng sản và quân phiệt, một loạt các nền dân chủ bị sụp đổ.

          Làn sóng đảo ngược thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian 1958 - 1975. Trong khoảng thời gian này, số lượng các quốc gia dân chủ giảm từ 52 xuống còn 30. Do những xung đột về lợi ích kinh tế, một loạt cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Mỹ Latin như Peru (1962), Brazil, Bolivia (1964), Argentina (1966), Ecuador (1972). Vào năm 1960, 9 trong số 10 nước Mỹ latin là dân chủ, song đến năm 1973, chỉ còn lại hai quốc gia là Venezuela và Colombia. Tại Châu Á, các chế độ dân chủ non trẻ tại các quốc gia mới giành được độc lập cũng nhanh chóng được thay thế bởi các chế độ độc tài quân sự như Pakistan (1958) với cuộc đảo chính của tướng Ayub Khan, Hàn Quốc (1961) với cuộc đảo chính của tướng Park Chung Hee, Indonesia (1965) với sự lên nắm quyền của tướng Suharto, Philippines (1972) với việc thiết quân luật của tổng thống Marcos. Trong khi đó, trong những năm 1960 tại Châu Phi, một loạt các quốc gia giành được độc lập, một số nước áp dụng dân chủ như Jamaica (1962), Malta (1962), Mauritius (1968). Tuy nhiên, đa số trong số đó, 33 nước, đã áp dụng các chế độ chuyên chế, khiến cho đây là giai đoạn gia tăng nhiều nhất số lượng các chế độ chuyên chế trong lịch sử nhân loại.

     Theo ông Larry Diamond, học giả đương đại hàng đầu về nghiên cứu dân chủ, dù trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 2008 từ thời kỳ Đại suy thoái (1929-1933), thế giới vẫn chưa phải chứng kiến một làn sóng đảo ngược thứ ba. Mặc dù có một số lượng các quốc gia quay trở lại độc tài, chuyên chế nhưng cũng đã có một số quốc gia thoát khỏi độc tài và sự chênh lệch, hao hụt về số lượng các quốc gia dân chủ chưa trở thành trào lưu. Đây là giai đoạn mà sự giằng co tương đối quyết liệt giữa xu hướng dân chủ và độc tài, nhưng số lượng các quốc gia dân chủ đã chiếm tỷ lệ áp đảo…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/12/2019

N.V.B