You are here

Phần Lan: Tân thủ tướng và bình đẳng giới

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Sanna Marin, tân thủ tướng Phần Lan (Nguồn: Internet)

Sanna Marin, Bộ trưởng Bộ Giao thông Phần Lan, thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội, đã trở thành thủ tướng thứ 46 của quốc gia này vào ngày 10/12. 

34 tuổi, Marin là thủ tướng trẻ nhất thế giới, đứng đầu liên minh 5 đảng đều do phụ nữ lãnh đạo (4 trong số đó dưới 40), và đứng đầu nội các với 13/19 bộ trưởng là phụ nữ.

Giới tính, tuổi tác cùng nội các mà nữ giới chiếm đa số của Marin đã khiến cô trở thành điểm thu hút của truyền thông thế giới tuần qua.

Và một trong các đề tài có liên quan mà báo chí đề cập là bình đẳng giới tại Phần Lan và sự tham gia của nữ giới vào chính trị tại quốc gia Bắc Âu xinh đẹp này.

Cách đây hơn một thế kỷ, Phần Lan đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự tiến bộ của phụ nữ. Đó là năm 1906, khi phụ nữ Phần Lan được trao quyền bầu cử và ứng cử.

Kể từ đó, Phần Lan đã có 2 nữ thủ tướng giữ chức vụ trong các nhiệm kỳ ngắn và một nữ tổng thống giữ chức vụ trong 12 năm (2000 – 2012).

Các phong trào nữ quyền vào những năm 70 đã mang đến cho phụ nữ nhiều quyền lợi hơn, trong đó có quyền thai sản cho cả họ lẫn nam giới.

Ngày nay, người Phần Lan được hưởng kỳ nghỉ thai sản kéo dài 105 ngày làm việc đối với nữ và 54 ngày làm việc đối với nam,[1] và phân biệt đối xử trên cơ sở về giới là bất hợp pháp.[2]

Các chính sách hào phóng về thai sản và chăm sóc con cái, cùng cam kết cân bằng giữa cuộc sống và công việc đã khiến sự hiện diện của những người mẹ trẻ nơi công sở trở nên thường xuyên. Cùng với đó, hình ảnh những người cha bên cạnh con cái ở nhà hay nơi công cộng cũng trở nên phổ biến. 

Thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development, OECD) cho thấy Phần Lan là quốc gia duy nhất mà các ông bố dành nhiều thời gian với con cái ở độ tuổi đi học hơn là các bà mẹ.[3]

Theo Báo cáo Khoảng cách Giới Toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phần Lan đứng thứ tư về mức độ bình đẳng giới, sau 3 quốc gia Bắc Âu khác là Iceland, Na Uy và Thụy Điển.[4]

Tuy nhiên, những điểm tươi sáng trên đây không có nghĩa là Phần Lan không còn việc gì phải làm với bình đẳng giới.

Ngày nay, một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất liên quan đến giới tại Phần Lan là bạo lực gia đình, với tỷ lệ lạm dụng và giết hại bạn đời/đối tác thân mật thuộc hàng cao nhất châu Âu.[5]

Đất nước này đã phải mất hàng thập kỷ để các hình thức tấn công được xem là tội phạm, và mãi gần đây, người ta mới chuẩn bị làm luật để sự thiếu đồng thuận – thay vì vũ lực – trở thành yếu tố xác định tội hiếp dâm.[6]

Mặc dù phụ nữ Phần Lan tham gia thị trường lao động ở mức cao, và nam giới được nghỉ thai sản, song tỷ lệ nam giới sử dụng quyền này chỉ chiếm 10%, và vì vậy, nữ giới vẫn là người chăm sóc chính cho con cái trong năm đầu đời.[7]

Một điều đáng nói nữa là khoảng cách về lương giữa hai giới. Phụ nữ có thu nhập thấp hơn nam giới 17,7%, theo dữ liệu năm 2017 của OECD,[8] và họ tập trung ở các ngành nghề khác với nam giới.

Và có một điều dường như tất nhiên là: dù ở đâu, kể cả ở Phần Lan, luôn có một bộ phận nam giới không muốn thấy sự tiến bộ của nữ giới.

Khi nội các với đa số phụ nữ của Marin hình thành, Jukka Maarianvaara, giám sát viên về bình đẳng giới đã nhận được 3 đơn khiếu nại và 1 cuộc gọi điện thoại phàn nàn về sự mất cân bằng giới, dù trước đây, với nội các mà phụ nữ chỉ chiếm 26%, chẳng có khiếu nại hay phàn nào nào như vậy cả.[9]

Nhưng rồi theo thời gian, những người phàn nàn sẽ quen. Và dù thế nào, nữ giới Phần Lan sẽ còn hiện diện nhiều hơn trong chính trị và trong các lĩnh vực khác mà họ còn thiếu vắng. Khi họ làm tốt, đó là sự khẳng định cho thấy họ xứng đáng được đối xử bình đẳng, và đó cũng là sự khẳng định cho thấy sự bình đẳng không chỉ tốt cho họ, mà còn cho cả quốc gia.

Chú thích:

[1] Maternity, paternity and parental leave 
https://tem.fi/en/maternity-paternity-and-parental-leave

[2] Equality and non-discrimination 
https://www.infofinland.fi/en/information-about-finland/finnish-society/...

[3] Feminism comes of age in Finland as female coalition takes the reins
https://www.theguardian.com/world/2019/dec/14/feminism-finland-gender-eq...

[4] The Global Gender Gap Report 2018
https://www.weforum.org/reports/the-global-gender-gap-report-2018

[5][6][7] Như [3]

[8] Gender wage gap 
https://data.oecd.org/earnwage/gender-wage-gap.htm

[9] Như [3]