Mấy ngày qua hai câu chuyện thời sự đáng chú ý trong lúc chính phủ Việt Nam hô hào trở thành một chính phủ kiến tạo cho phù hợp với thời đại 4.0. Hai câu chuyện là hai vấn đề được người dân quan tâm bất kể nồi cơm của họ còn chưa biết sáng mai có đầy hay không.
Câu chuyện thứ nhất nói về một cán bộ tòa án Đinh Lâm Xướng - Chánh án TAND huyện Minh Hóa (Quảng Bình), người bị lộ clip “nóng” khi quan hệ tình dục với nữ kế toán tại cơ quan trong giờ hành chính. Ngày 10-12, Tỉnh ủy Quảng Bình thông báo cách hết các chức vụ về mặt Đảng đối với ông Đinh Lâm Xướng, Huyện ủy viên, Chánh án TAND huyện Minh Hóa, vì vi phạm kỷ luật đạo đức lối sống.
Thế nhưng chuyện kỳ lạ lại xảy ra, ba ngày sau khi bị cách hết các chức vụ thì vào 13 giờ 30 phút ngày 13-12, TAND huyện Minh Hóa mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Cao Việt Hùng liên quan đến một vụ án hiếp dâm trên địa bàn. Người được phân công chủ tọa phiên tòa là ông Đinh Lâm Xướng - Chánh án TAND huyện.
Dư luận cười cợt trước hành vi quái lạ này của Tòa án Huyện Minh Hòa với câu “Một thằng thông dâm xử án một thằng hiếp dâm”.
Khi kẻ hiếp dâm chưa bị phán quyết là có tội hắn toàn quyền chỉ mặt kẻ đang xử hắn là một tên tha hóa đạo đức, một kẻ có hành vi dâm đãng ngay trong văn phòng làm việc của tòa án, tức là nơi công lý được tôn trọng tuyệt đối, một kẻ thông dâm với nhân viên dưới quyền nay ngồi chễm chệ cầm cân nảy mực phân xử chuyện hiếp dâm như vậy chằng phải là trò cười cho cả nền tư pháp của đất nước này hay sao?
Chánh án TAND tối cao là người bổ nhiệm ông Đinh Lâm Xướng phải chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức của ông ta bằng các quyết định chế tài hay hình phạt tương xứng đối với hành vi mà ông Xướng vi phạm. Thế nhưng ông Nguyễn Thanh Xuân, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình, cho biết trường hợp của ông Đinh Lâm Xướng như sau: "Về lý thì hiện ông Xướng mới bị cách chức về mặt Đảng chứ chưa có quyết định cách chức về mặt chính quyền nên ông vẫn được làm nhiệm vụ xử án.”
Kiểu làm việc “về lý” rất hợp quy trình như trường hợp này điển hình cho khuôn mặt tư pháp Việt Nam, nó cho thấy Đảng đã bao trùm lên tất cả và Đảng lại không chịu trách nhiệm gì trước sai trái mà đảng viên của nó vi phạm. Có chăng là hai chữ “kỷ luật” rất à uôm và rất hài hước.
Tính cách xem thường pháp luật xảy ra phổ biến trong mọi ngóc ngách của mọi tòa án tại Việt Nam. Vụ án Hồ Duy Hải là một thí dụ sinh động về việc này. Khi Tòa án chấp nhận hung khí tức bằng chứng gây án không phải là vật xuất hiện tại hiện trường mà chúng được mua lại ngoài chợ để nộp cho tòa làm tang chứng để buộc tội nghi phạm thì tòa án không khác gì xã hội đen được thuê xử tử hình một nạn nhân mà chúng chưa biết mặt. Tòa án như vậy đầy dẫy từ thành thị tới nông thôn Việt Nam và người dân khi nghe nói tới tòa án là tâm thần thất sắc, trí khôn biến mất, co rúm người lại khi nghe một chánh án hay thẩm phán nhắc tới tên mình.
Câu chuyện thứ hai cũng liên quan tới việc bổ nhiệm, tuy nhẹ nhàng hơn nhưng hậu quả không kém câu chuyện thứ nhất. Đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Kiên làm Tổ trưởng tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Thông thường không ai chú ý việc bổ nhiệm một ông quan dù có to cách mấy vào làm việc cho chính phủ bởi người dân hiểu rằng họ không là cái đinh gì để nói mà Thủ tướng lắng tai nghe. Vậy mà lần này mạng xã hội nóng lên với cái tên Nguyễn Đức Kiên bởi cái tên này từng khiến dư luận tốn rất nhiều giấy mực để nói về nó.
Là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIV. Ông Kiên cũng là đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII và XIV thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Sóc Trăng. Tuy nhiên tư duy của ông Kiên về kinh tế cần phải xem xét lại khi ông liên tục có những phát biểu đi ngược với mọi quy luật kinh tế với mục đích rõ ràng là bênh vực cho các chủ đầu tư trong cũng như ngoài nước bất kể những bênh vực ấy thiếu khôn ngoan và đi ngược lại lợi ích của quốc gia.
Doanh nghiệp trong nước được ông bênh vực là chủ đầu tư các BOT. Những phát biểu của ông giống như một kẻ đang chơi ma túy đá, Là một kinh tế gia ông bất kể nguyên tắc sơ đẳng kinh tế, là một đại biểu Quốc hội ông bất kể lòng dân, bất kể sự sai lầm của chính sách khi Bộ GTVT giao cho những kẻ bóc lột nhân dân lãnh thầu những BOT béo bở. Ông không ngần ngại cho rằng: “Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì” Khi dư luận lên án sự mập mờ gian lận của BOT ông bênh vực thẳng thừng: “BOT “tù mù, rủi ro” là Thứ trưởng Đông đã trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới và IMF về BOT trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam.” Khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lập lờ qua mặt Quốc hội bằng cách lươn lẹo giữa hai chữ Thu phí và thu giá, trong vai trò một Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội ông không phân biệt được sự trong sáng của tiếng Việt bị ông Bộ trưởng Thể làm cong vẹo như thế nào. Mạnh miệng và cả vú lấp miệng em là bản chất của Nguyễn Đức Kiên: “Chúng ta sống và làm việc theo luật. Luật đã quy định nó là “thu giá” thì ta gọi nó là “thu giá”.
Nếu bênh vực cho doanh nghiệp trong nước chỉ có một thì bênh vực cho doanh nghiệp Trung Quốc lên đến 10. Nguyễn Đức Kiên không hề mệt mỏi khi bỏ ra tâm tư trí tuệ của một TS kinh tế để hô hào chính phủ, Quốc hội nên rộng mở những chương trình đầu tư có yếu tố Trung Quốc.
Ngày 25.5.2019, nói về khả năng xây đường cao tốc, ông Kiên cho biết, hiện nay, trên thế giới, không nhà thầu nước nào có kinh nghiệm thi công đường cao tốc nhiều như các doanh nghiệp của Trung Quốc. Với các tiêu chí mời thầu như hiện nay, chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mới đáp ứng được.
Bênh vực dự luật cho thuê đất 99 năm trong luật đặc khu ông Kiên mạnh miệng: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ... đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?”
Qua những lập luận, tư duy như thế dư luận cho rằng nếu ông Kiên ngồi vào vị trí Tổ trưởng tư vấn kinh tế của Thủ tướng thì không những làm hại cho Thủ tướng mà nền kinh tế này sẽ sớm trở thành con nợ của Trung Quốc và bọn tư bản thân hữu mặc sức nâng ly chúc mừng trên mọi hồ sơ do Nguyễn Đức Kiên tư vấn.
Hai câu chuyện, hai vấn đề nhưng chung một vấn nạn: thể chế toàn trị làm nảy sinh những khuôn mặt mà chế độ dân chủ tự do có muốn cũng không tài nào có được.
Bài bình luận gần đây