You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bác Tài Vũ Huy Hoàng

Ảnh của tuongnangtien

Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.

Tài Xế Taxi Vũ Huy Hoàng

Tôi thường dùng taxi khi đến những quốc gia Á Châu, kề cận với Việt Nam: Lào, Mã, Miên, Miến, Tầu, Thái … Phnom Penh là nơi mà loại xe này (thường) chỉ tụ tập tại phi trường. Khách khứa không bao nhiêu nhưng taxi lại quá nhiều nên tiếng chào mời của những bác tài (ghe) khẩn thiết như những lời năn nỉ, khó thể chối từ.

Cũng như ở Lào và ở Miến, taxi ở Miên không có máy tính tiền (odometer) như bên Phi hay Thái. Tuy thế, một cuốc xe từ sân bay Pochentong về trung tâm thủ đô luôn được tính đúng gía 15 Mỹ Kim, 10 lần như chục. Không bác tài nào đòi thêm một cắc, và tất cả đều tử tế/ân cần quá mức cần thiết – dù có chút trở ngại về ngôn ngữ. Lúc trả tiền, nếu khách hào phóng đưa tờ bạc 20 USA dollar (và mỉm cười lắc đầu không nhận khoản tiền thừa) thì sáng hôm sau vừa bước chân ra khỏi khách sạn – bất kể giờ nào – sẽ thấy ông taxi chiều qua, đang ngồi chờ sẵn, với một nụ cười tươi tắn. Trông mà thương muốn ứa nước mắt luôn. Sao chuyện mưu sinh, ở xứ sở này, lại khó khăn và tủi cực đến vậy – hả Trời!

Phi trường Changi thì khác hẳn. Đông đúc, tấp nập gấp chục ngàn lần. Khách phải xếp hàng rồng rắn, đôi khi gần cả tiếng, mới bắt được taxi. Tài xế không vồ vập nhưng cũng không lạnh nhạt. Họ nói tiếng Anh rất lưu loát và hào hứng trò chuyện về mọi thể tài, nhất là chính trị hay thời sự – đại loại như: “They have ruined everything. We d’ont like them at all. They are very bad people!” They (ở đây) là những người Tầu đến từ Trung Hoa Lục Địa – với một túi tiền đầy – và đang làm cho nhà đất, cùng mọi thứ vật giá, ở Singapore leo thang khiến người dân địa phương phẫn nộ.

Thế còn những bác tài ở Việt Nam?

Xin thưa là tôi không rõ lắm (vì rời xa đất nước đã lâu, và chưa bao giờ có dịp trở lại cố hương) chỉ được nghe qua lời kể của T.S  Mạc Văn Trang:

“Mỗi lần mình đi taxi hay gợi chuyện để anh tài nói cho nghe nhiều chuyện thực tế thú vị. Lần này, anh tài toàn nói lý lẽ…

– Cơ chế này tạo ra cho người lãnh đạo như vua, chức bé thì vua bé, chức to thì vua to; từ HT, chủ tịch phường, xã trở lên, ‘vua’ tất! Chủ trương, quyết định thì từ trên xuống, nhưng tiền bao giờ cũng chảy ngược từ dưới lên, bác biết không? Trên không cho chủ trương, không duyệt sao dưới dám làm? Bác nhìn 2 bên đường xem, nhà mấy chục tầng xây liền nhau san sát thế kia, có quy hoạch thành phố nào như vậy không? Nhưng trên vẫn ký cho dưới làm liều, và tiền chảy ngược lên. Bây giờ xử bắn mấy anh ở Vinashine, Vinaline hay kỷ luật mấy anh liên quan Formosa… chỉ là cái ngọn, để an dân thôi. Cái gốc là người ký chủ trương từ trên cao chứ. Và tiền cũng chảy ngược lên, càng cao càng chảy mạnh chứ… Cho nên nó dột từ nóc dột xuống…

– Cậu phân tích hay thật. Nhưng liệu dân ta có nhiều người biết được như cậu không?

– Biết hết chứ bác! Dân ta ai chẳng biết chế độ này thối nát thế nào, nhưng không muốn nói ra. Nhất là dân Hà Nội, hèn lắm bác ạ. Cái gì họ cũng biết, nhưng họ sợ, họ ngại không dám thể hiện. Họ muốn thay đổi nhưng chờ ai đó làm giúp, chứ bản thân lại hãi! Dân miền Trung hay miền Nam họ bộc trực hơn, dũng cảm hơn và cũng đoàn kết, có tổ chức hơn.”

Nói rằng “dân miền Trung hay miền Nam … đoàn kết, có tổ chức hơn” e hơi bị chủ quan nhưng “họ bộc trực” thì chắc là không trật lắm. Xin xem qua đôi (ba) lời “bộc trực” của một bác tài ở trong Nam, và cái giá mà ông phải trả:

Công an HCM hãy chấm dứt việc khủng bố gia đình tôi. Tôi là Vũ Huy Hoàng, một tài xế taxi sinh sống tại Sài Gòn. Vì đặc thù công việc, hàng ngày tôi phải chứng kiến vô số những bất công, oan khiên diễn ra trong xã hội mà mình đang sống. Tôi nhận thức được rằng, chỉ khi nào quyền con người được bảo đảm và tôn trọng thì đất nước mới trường thịnh. Do đó, nhiều năm qua tôi đã trở thành một người tham gia vào các hoạt động xã hội, cổ suý cho các quyền tự do, dân chủ tại Việt Nam. Chính vì thế, giống như nhiều người đấu tranh khác, tôi cũng là mục tiêu bách hại của nhà cầm quyền.

Tôi từng bị mời lên trụ sở công an nhiều lần chỉ để bị hạch hỏi về các quan điểm chính trị. Bị gây khó khăn trong công việc mưu sinh. Tôi từng bị bắt, bị đánh, bị ném gạch đá chất bẩn vào nhà nhiều lần chỉ vì tham gia biểu tình ôn hoà bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự xâm lấn của Tàu cộng. Lần bị đánh nặng nhất xảy ra vào ngày 8/5/2016 khi tôi tham gia biểu tình ôn hoà phản đối Formosa gây ô nhiễm môi trường biển Việt Nam. Tôi bị bắt cóc về đồn công an, trong thời gian bị bắt cóc và giam giữ trái phép tôi bị tra tấn, đánh đập và xúc phạm danh dự vì không chịu ký vào biên bản “gây rối trật tự công cộng”. Sau lần đó, tôi liên tục đi tiểu ra máu và hậu quả vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay, sức khoẻ tôi giảm sút trông thấy.

Trái: Bác tài Vũ Huy Hoàng cầm bảng ghi: “Tăng giá xăng là cướp của dân nghèo.” Phải: giấy mời bà Hoàng, nhũ danh Nguyễn Thuý Hoàng Oanh, lên đồn công an xã Tân Hiệp “để trao đổi một số việc về an ninh trật tự.” Ảnh: FB VHH

Tôi không muốn kể lể về mình vì so với nhiều người khác, những đóng góp của tôi vô cùng nhỏ bé. Tôi cũng không muốn kể về những khó khăn, hiểm nguy mà mình đã, đang gặp phải vì nhiều anh chị em khác còn đang khốn khó hơn tôi. Tôi chấp nhận một cách vui vẻ và hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, phía sau tôi là một gia đình với vợ và hai đứa con nhỏ. Ngày 15/10/2019 tôi bị bắt vào công an phường 6 quận 3. Tôi bị đánh, bị câu lưu suốt 12 tiếng đồng hồ. Nhận thấy sự chẳng lành sẽ xảy đến với gia đình mình nên sau đó tôi đã rời khỏi nhà, tạm gọi là đi “lánh nạn” với hy vọng vợ con ở nhà sẽ được yên thân...

Nhưng tôi đã nhầm. Công an liên tục khủng bố, gây sức ép với vợ con tôi. Hiện vợ tôi rất lo sợ. Cô ấy luôn có cảm giác bị ai đó bám theo, rình rập nhất là lúc đưa đón con đi học hoặc đi khám bệnh. Tôi hoàn toàn có lý do chính đáng để lo lắng về sự an toàn cho vợ con tôi. Đã có nhiều người đấu tranh dân chủ gặp những “tai nạn” đầy nghi vấn như tông xe, bị kẻ lạ mặt hành hung, đánh đập… Bản thân tôi không hề có bất cứ mâu thuẫn cá nhân về tình cảm cũng như tiền bạc với ai. Nếu vợ con tôi gặp chuyện gì như tai nạn, va quệt, đánh đập, gây sự, lừa đảo… tôi có quyền đặt nghi vấn về sự can dự của công an.

Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.

Tiếng kêu cứu khẩn thiết của ông Vũ Huy Hoàng – tất nhiên – không khiến cho lực lượng công an phải chùn tay, và (xem ra) cũng không được công luận quan tâm gì lắm. Cứ  tưởng chừng như là vừa có kẻ vứt một viên sỏi nhỏ xuống cái ao bèo, thế thôi.

Đạo diễn Đỗ Cao Cường ta thán: “Khi một người Hồng Kông đứng lên, cả triệu người Hồng Kông che chắn, nhưng khi một người Việt Nam đứng lên, họ phải xác định không gia đình, không sự nghiệp, không bạn bè…” FB Lucy Lu tiếp lời: “Đã có biết bao tiếng kêu cứu như tiếng hú trong đêm dài rồi tan đi trong vô vọng! Đêm nay, đến lượt Vũ Huy Hoàng, rồi lần lượt sẽ đến với mọi người dân Việt, vì đêm Việt Nam vẫn như dài vô tận.”