You are here

‘Nghiên cứu tự do’ ở Hồng Kông: Vì sao phe thân Bắc Kinh muốn bãi bỏ?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Người biểu tình Hồng Kông trong phong trào dù vàng năm 2014 (Nguồn: Pasu Au Yeung/Flickr)

Khi phong trào dù vàng của 5 năm trước diễn ra tại Hồng Kông, trong nỗ lực giải thích nguyên nhân của các cuộc biểu tình, một số người ở phe thân Bắc Kinh đã chộp được một chương trình trung học có tên là "nghiên cứu tự do" (liberal studies).[1]

Chương trình được đề xuất lần đầu vào năm 1992 và trở thành bắt buộc tại các trường trung học ở Hồng Kông từ tháng 9 năm 2009, như một phần của cải cách giáo dục.

Chương trình gồm 6 mô-đun: (1) phát triển cá nhân và quan hệ giữa các cá nhân, (2) Hồng Kông đương đại, (3) Trung Quốc hiện đại, (4) toàn cầu hóa, (5) công nghệ năng lượng và môi trường, và (6) y tế công cộng.[2]

Trong 6 mô-đun, Hồng Kông đương đại là mô-đun gây tranh cãi nhất vì đề cập đến các chủ đề như tham gia chính trị và pháp trị. Với mô-đun này, học sinh được yêu cầu phải hoàn thành một dự án cá nhân, bao gồm nghiên cứu chuyên sâu và báo cáo từ 1.500 đến 4.000 từ.[3] 

Trước cải cách, học vẹt đã thành tiêu chuẩn trong hệ thống trường học của Hồng Kông, và nghiên cứu tự do đã được giới thiệu để nuôi dưỡng kỹ năng tư duy phản biện và nâng cao nhận thức của học sinh về các vấn đề ảnh hưởng đến Hồng Kông, Trung Quốc và thế giới.[4]

Theo một khảo sát của Phòng Giáo dục Hồng Kông năm 2014, 82% học sinh tốt nghiệp lớp 6 đồng ý rằng nghiên cứu tự do đã nâng cao khả năng tư duy đa chiều, trong khi 80% cho biết chương trình này làm tăng nhận thức của mình về xã hội.[5]

Mặc dù khó để nói rằng có quan hệ nhân quả rõ rệt giữa chương trình và các cuộc biểu tình, song không khó để thấy rằng có sự liên kết giữa chúng, chẳng hạn, nhiều giáo viên trung học ủng hộ các cuộc biểu tình,[6] và nhiều ngươi biểu tình là người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên cũng là những người ở tuyến đầu trong việc đưa ra các đề nghị, hay xa hơn là các yêu sách đối với chính quyền Hồng Kông. Họ cũng đi tiên phong trong việc ứng cử vào vị trí dân biểu nhằm thúc đẩy cải cách chính trị.

Khi chương trình được cho là một phần nguyên nhân, chính quyền Hồng Kông đã tìm cách kiểm soát. Phòng Giáo dục Hồng Kông đã đưa ra một loạt đề xuất thay đổi, bao gồm giảm bớt chương trình thảo luận chính trị địa phương, tăng cường tập trung vào điều chỉnh Luật Cơ bản của Hồng Kông và các khái niệm về "một quốc gia", và chuyển chương trình từ bắt buộc thành tự chọn.[7]

Các đề xuất này, một phần hay toàn bộ, cho đến nay, chưa được chấp thuận. Vì vậy mà nghiên cứu tự do lại trở thành chủ đề gây tranh cãi mấy tháng qua khi các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ diễn ra.

Phe thân Bắc Kinh một lần nữa tấn công chương trình này, xem nó là hạt giống của sự nổi loạn và tình cảm chống chính phủ trong giới trẻ, và đòi hỏi nó phải được đại tu, thâm chí, bị bãi bỏ.[8]

Áp lực lại dồn lên Phòng Giáo dục Hồng Kông. Vào tháng 9 vừa qua, phòng giáo dục Hồng Kông đã tuyên bố sẽ tư vấn cho các nhà xuất bản về nội dung sách giáo khoa của chương trình, có thể yêu cầu các nhà xuất bản trình tài liệu học tập để xem xét lâu dài.[9]

Tin vui là một số nhà giáo dục đã phản đối vì e ngại rằng điều này có thể dẫn đến sự kiểm duyệt chính trị đối với chương trình học. Trước đó, vào cuối tháng 6, một lực lượng đặc nhiệm trong chính phủ cho rằng chương trình vẫn nên là bắt buộc.[10]

Dù vậy, những người mến chuộng dân chủ ở Hồng Kông chắc hẳn sẽ không đơn thuần ngồi yên và chờ đợi để biết chính quyền Hồng Kông sẽ ứng xử ra sao. Và họ có thể sẽ xuống đường nếu nguy cơ chương trình bị bãi bỏ hiện rõ.

Chú thích:

[1][2][3][4][6] Did ‘Liberal Studies’ Enable Hong Kong’s Youth Awakening?
https://foreignpolicy.com/2014/11/18/did-liberal-studies-enable-hong-kon...

[5][7][8][9][10] Cause of Hong Kong protests or essential tool to teach the young? Row over liberal studies rumbles on
https://www.todayonline.com/world/cause-hong-kong-protests-or-essential-...