You are here

MẤY ĐIỀU VỚI DÂN OAN

Ảnh của nguyenlanthang

Hôm trước tôi có một người bạn trên Facebook nhắn tin. Tin nhắn đến lúc đầu giờ sáng, rất gấp gáp: "Anh ơi, người xứ đạo quê em đang cầu cứu, công an đông quá. Anh của em muốn gọi cho anh đc ko a? E nhắn tin cho mấy anh chị xxx rồi mà chưa reply ạ. E đang ở bên Mỹ, lại đang ngồi trong lớp học nên ko giúp gì được..."

Tôi lặng đi ít phút rồi buồn bã trả lời: "Nước đến chân mới nhảy thì mình chịu. Mình xin lỗi bây giờ không giúp được gì..."

Là một người hoạt động xã hội, một người từng nằm gai nếm mật với nông dân để chống cướp đất, tôi đã nhận được những lời cầu cứu như vậy rất nhiều trong suốt những năm qua. Những chuyện như thế ngày một nhiều lên, nghiêm trọng hơn, diễn ra trên khắp cả nước. Nếu ai có dịp quan sát những đoàn dân oan đóng đô quanh văn phòng tiếp công dân ở Ngô Thì Nhậm - Hà Đông, hay cảnh các bác dân oan chầu trực trước cửa nhà anh Lê Dũng Vova mỗi buổi sáng thì sẽ thấy nhận định của tôi đúng như thế nào. Chính vì lẽ đó, dù bây giờ có rất nhiều người hoạt động xã hội như tôi, nhưng chúng tôi bị quá tải khi phải chịu áp lực dồn dập của nhiều sự vụ nhỏ như thế này.

Nhận thức được điều đó, tôi muốn có mấy lời bàn với các bác là dân oan, và cả các bác nông dân chưa là dân oan trên đất nước này.

Trước hết, tôi đánh giá rất cao nhận thức và thái độ của các bác. Nếu như trước đây dân oan chỉ biết kêu cầu chính quyền, kêu cầu báo chí, kêu cầu luật sư... rồi mọi việc chạy lòng vòng hết năm này sang năm khác, đến tận lúc kẻ có trách nhiệm đã về hưu, thì ngày nay dân oan đã biết kêu cầu đến những người hoạt động xã hội, kêu cầu truyền thông quốc tế... mà không hề e sợ bị vu cho là giao thiệp với các thế lực thù địch.

Nhưng thưa các bác, điều thứ hai tôi muốn nói là, những người hoạt động xã hội chỉ là số ít. Các hãng truyền thông quốc tế quan tâm đến Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho dù chúng tôi có đồng lòng kêu gào lên thì cũng chỉ là những tiếng nói lẻ loi trong một đất nước gần 100 triệu dân này. Ngoài những đài báo quốc tế, những người hoạt động xã hội, ai sẽ là người lên tiếng cùng chúng ta về các bất công này? Chúng ta đâu có súng ống, và cũng không nên dùng bạo lực, vì bạo lực là thế mạnh lớn nhất của những tên kẻ cướp. Vũ khí mạnh nhất, duy nhất mà chúng ta có thể trang bị đó là truyền thông, để huy động lòng người đứng về phía chúng ta.

Một vụ án oan sai sẽ có cơ may giải quyết khi và chỉ khi áp lực đến từ dư luận đủ lớn. Vì thế, điều thứ ba tôi muốn nói là người dân oan cần có chiến thuật truyền thông. Khi nguồn lực còn nhỏ, chúng ta cần suy nghĩ làm cách nào để kêu gọi sự quan tâm rộng lớn của các thành phần xã hội khác. Làm thế nào để học hỏi những người cùng cảnh trong cuộc đấu tranh này. Làm thế nào để liên kết thành lực lượng đủ đông, đủ mạnh, nhằm đối chọi được với phe cướp đất.

Có người từng than thở với tôi: dân oan bạc lắm anh ạ, chỗ nào căng quá, chính quyền tìm cách thoả hiệp với một số người trong nhóm thủ lĩnh, thế là hỏng việc. Tất nhiên là không phải ở đâu cũng vậy, nhưng tôi đã từng chứng kiến những việc như thế, rất đau lòng. Khi có những chuyện này xảy ra, lập tức sự nghi kị nổi lên, lòng người không thống nhất, nội bộ xào xáo, và những người từng ủng hộ cảm thấy bị phản bội, thậm chí có người còn có thái độ tẩy chay mọi hoạt động liên quan đến dân oan. Chính vì thế điều thứ tư tôi muốn nói đó là lòng kiên định và sự đoàn kết. Hãy nhìn vụ Đồng Tâm. Hãy nhìn vụ phản đối BOT Cai Lậy... Ở đâu có sự đoàn kết và kiên định, ở đó sẽ có thành công.

Tôi biết các bác dân oan vô cùng vất vả. Không ai trong chúng ta trước khi gặp phải việc bất công lại có thể hình dung ra sự khốn nạn này. Không ai có sự chuẩn bị nào về mặt kiến thức, quan hệ, tài chính, sức khoẻ... để đối đầu với muôn vàn áp bức từ những tên kẻ cướp. Nhưng tôi xin hỏi rằng nếu bỏ cuộc thì tương lai của các bác sẽ thế nào? Vì vậy điều thứ năm tôi muốn nói là hãy cứ lao vào tìm hiểu và tham gia cuộc đấu tranh này kể cả khi chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết. Đừng chờ mọi thứ đầy đủ mới hành động, mà cứ hành động đi, mọi thứ xung quanh sẽ đến với ta khi ta có đủ nỗ lực và quyết tâm đeo bám lấy mục tiêu của mình.

Ngày xưa Nguyễn Thái Học đứng lên chống thực dân Pháp, ông có một câu nói rất nổi tiếng là: "Không thành công cũng thành nhân". Khi đối mặt với những tên kẻ cướp có cả nhà tù trong tay, xác xuất mình có thể thành công là không cao. Nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ lấy đất đai, lấy nhà cửa ruộng vườn cho con cháu mai sau là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Ai sinh ra rồi cũng chỉ có một lần sống trên đời. Nếu gặp cảnh tù đày hay phải chết vì bảo vệ đất đai thì cũng là sống một cuộc đời có ý nghĩa. Ta sẽ không phải hổ thẹn với tiền nhân hay con cháu trong nhà, vì ta đã sống một cuộc đời không bỏ cuộc.

Cầu cho hồn thiêng sông núi nước Nam, cầu cho anh linh các vị tiền bối đất nước luôn về phù hộ độ trì cho dân ta thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.

Yêu thương tất cả!


Ảnh chụp cùng anh hùng giữ đất Đoàn Văn Vươn trong buổi lễ đón chào anh hùng giữ đất Cấn Thị Thêu đi tù lần thứ hai về