You are here

Quy định mới về dâm ô: Một thành công của công luận

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Nguyễn Hữu Linh (Nguồn: Internet)

Kể từ hôm nay, 5/11/2019, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao[1] có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong nghị quyết này là khoản 3, điều 3 hướng dẫn áp dụng Điều 146 Bộ luật Hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Khoản này giải thích thế nào là dâm ô. Theo đó, "dâm ô là hành vi của hững người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục", bao gồm:

  1. Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
  2. Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
  3. Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
  4. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
  5. Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

Như vậy, ngoài các hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm trong 4 trường hợp đầu, các hành vi nhẹ hơn được quy định trong trường hợp 5 cũng là dâm ô.

So với Thông tư 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV,[2] vốn chỉ nói đến các hành vi "sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục", nghị quyết này giải thích về dâm ô chi tiết hơn, đầy đủ hơn và phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.

Quy định trên đây là kết quả của việc giải quyết một đòi hỏi bức thiết mà công luận đặt ra sau vụ Nguyễn Hữu Linh cưỡng hôn bé gái trong thang máy của một chung cư tại quận 4 Sài Gòn vào tháng 4 năm nay.

Hành vi cưỡng hôn của Linh, theo đa số ý kiến trong công luận, bao gồm cả ý kiến của nhiều người có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật, phải được xem là dâm ô.

Sự ra đời của nghị quyết với quy định về dâm ô, một mặt, có ý nghĩa như một bước tiến, dù nhỏ, của hệ thống pháp luật Việt Nam, và đặt trong bối cảnh hiện tại là đáng hoan nghênh.

Mặt khác, nó cũng có ý nghĩa như một thành công của công luận, cho thấy công luận có khả năng tạo ra những thay đổi tích cực đối với pháp luật nói riêng và mọi mặt của đời sống nói chung.

Nếu công luận sau vụ cưỡng hôn vừa nêu không đủ mạnh mẽ, quy định trên đây hầu chắc sẽ không ra đời, chưa kể khả năng cao là thủ phạm – nguyên là viện phó Viện kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng – sẽ không phải chịu hình phạt tù về tội dâm ô trẻ em.

Vì công luận lại là tập hợp của những ý kiến của các cá nhân, các hội nhóm và các tổ chức, nên thành công này của công luận có ý nghĩa như một động lực để các chủ thể này, đặc biệt là các cá nhân – vốn là thành tố cơ bản của xã hội dân sự – tiếp tục góp tiếng nói của mình cho sự đi lên của xã hội.

Chú thích:

[1] Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/thu-tuc-to-tung/Nghi-quyet-huong-dan-...

[2] Thông tư 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Thong-tu-lien-tic...