Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-04-26
Một cuộc tập họp trước sứ quán Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan để phản đối kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Ninh Thuận, khởi công vào năm 2014.
Photo by Đỗ Hiếu
Người Việt và Thái cùng biểu tình tại ĐSQ VN tại Bangkok sáng 26/4/2011 phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Đoàn biểu tình gồm có người Thái và người Việt kéo đến trước sứ quán Việt Nam lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ 3, 26 tháng 4 năm 2011 với các khẩu hiệu mang nội dung phản đối việc Hà Nội lập dự án xây 8 nhà máy điện hạt nhân, trong vòng 20 năm tới. Nhà máy Ninh Thuận 1 dự trù được xây dựng vào năm 2014 và sẽ đi vào hoạt động năm 2020.
Hướng dẫn đoàn biểu tình là nữ giáo sư tiến sĩ Chompunoot Morachat thuộc Viện đại học Ubon Rajabhat. Lên tiếng trước đại diện cơ quan truyền thông báo chí bà nhấn mạnh đến sự quan ngại sâu xa của người dân Thái Lan trước hiểm họa bị nhiễm chất phóng xạ nguyên tử mà dân chúng Xứ Phù Tang đang phải đối mặt, sau khi nhà máy hạt nhân Fukushima bị trận sóng thần gây hư hại nặng, cách đây hơn một tháng.
Nếu Việt Nam xây dựng nhà máy điện này thì sẽ ảnh hưởng đến cả nhân dân Thái, vì nó gần biên giới nước Thái. Xin yêu cầu chính phủ, nhân dân Việt Nam phải ngừng xây nhà máy điện này.”
Ông Trần Văn Đạo, người Thái gốc Việt
Việt Nam đã không quan tâm đến sự việc đó, nên cứ tiếp tục tiến hành các đồ án cho thiết lập các nhà máy điện hạt nhân. Bởi lý do vừa kể, nhiều tổ chức văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường của các cộng đồng người Thái, người Việt, người Mỹ đã cùng thảo thỉnh nguyện thư và tập họp trước sứ quán của Hà Nội hôm nay để bày tỏ nguyện vọng chung với mong ước được phía Việt Nam lắng nghe và cộng đồng thế giới ủng hộ. Được biết, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận chỉ cách tỉnh Ubon Ratchathani của Thái có 800 km, nếu tai họa bất ngờ xảy ra như tại Chernobyl hay Fukushima thì thiệt hại về nhân mạng và vật chất sẽ khó lường trước được.
Mối nguy cho các nước lân cận
Giải thích với phóng viên RFA bà cho biết là không hy vọng thỉnh cầu mà bà trao đến tận tay đại diện ngoại giao của Hà Nội ở Bangkok sẽ được lưu ý, tuy nhiên bằng mọi giá, người dân Thái cần phải nhắn gởi với lãnh đạo Việt Nam rằng, hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân không những có thể gây tai họa cho riêng nhân dân Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong khu vực và trên toàn cầu.
Dân Việt và Thái biểu tình trước ĐSQ VN ở Bangkok hôm 26/4/2011. Photo by Đỗ Hiếu
Bà cũng sẽ gởi thỉnh nguyện thư này đến cấp lãnh đạo ASEAN và hội nghị thượng đỉnh của APEC, tức Diễn đàn hợp tác kinh tế Á Châu Thái Bình Dương nhóm họp tại Vancouver, Canada vào tháng 5 tới.
Tham gia đoàn biểu tình có ông Trần Văn Đạo, người Thái gốc Việt, ông cho biết vì sao ông cần phải lên tiếng và ủng hộ mạnh mẽ thỉnh nguyện thư được chuyển đến lãnh đạo Việt Nam:
“Chúng tôi đến chỉ để yêu cầu chính phủ Việt Nam không được xây nhà máy điện (hạt nhân) ở Việt Nam, sẽ gây tai hại đến nhân dân, rồi như ở Fukushima, Nhật Bản, cũng đã xảy ra và mình biết là gây nhiều tai nạn lắm, như bom nguyên tử Mỹ ném bom ở Hiroshima gây tai hại đến bây giờ, người ta vẫn còn có bệnh.
Nếu Việt Nam xây dựng nhà máy điện này thì sẽ ảnh hưởng đến cả nhân dân Thái, vì nó gần biên giới nước Thái, xa tỉnh Ubon 800 cây số, nên sẽ ảnh hưởng đến con cháu. Xin yêu cầu chính phủ, nhân dân Việt Nam phải ngừng xây nhà máy điện này.”
Kế đó, bà Đồng Thị Ỏi cũng bày tỏ những suy nghĩ của mình:
“Em ở gần nhất nên sợ ảnh hưởng đến đời con cháu, mình biết là ảnh hưởng của không khí như xem trong phim chiến tranh bị chất độc như thế nào. Bây giờ em sợ Việt Nam mình bị chất độc nhiều…”
Thỉnh nguyện thư được tuyên đọc bằng tiếng Thái và tiếng Anh, sau đó đã được giáo sư tiến sĩ Chompunoot Morachat trao cho một đại diện của sứ quán Việt Nam, khi cánh cửa sắt nhỏ hẹp bên hông tòa đại sứ hé mở chớp nhoáng, rồi đóng sập lại ngay.
Đoàn người biểu tình đã giải tán trong vòng trật tự lúc 11 giờ sáng thứ ba. Số người tham dự ước tính, lúc đông nhất chừng 50 người, trong khi lực lượng an ninh Thái có thể là gấp hơn hai lần, tính cả vòng trong lẫn vòng ngoài.
Đỗ Hiếu tường trình từ Bangkok, Thái Lan.
Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/petition-protest-nuke-vn-dh-04262...
Bài bình luận gần đây