Blogger Nhân Hoà (3.11.2019)
Về vụ 39 người Việt chết ở Anh, chính quyền Việt Nam đã nói một đằng làm một nẻo. Một mặt, ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Hà Nội tuyên bố, họ hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này.
Nhưng mặt khác, trước đó, chính quyền các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chặn ô tô của một phái bộ Anh quốc đi xuống các địa phương để liên hệ với các gia đình nạn nhân. Công an còn bắt các xe ấy đi vào Uỷ ban xã để kiểm tra, sau đó đã “trục xuất” phái bộ ra khỏi địa phương mà họ muốn liên lạc.
Ngay cả các nhà báo trong nước cũng bị hạn chế khi đi xuống các xã, huyện để tiếp xúc với những cư dân ở những nơi có các thân nhân người bị nạn. Cơ quan công an Việt Nam đã “rỉ tai” các gia đình nạn nhân chỉ được tiếp xúc với những nhà báo “có giấy giới thiệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam”.
Về mặt chính thức và công khai, hai cơ quan báo chí ở Việt Nam là “Tuổi Trẻ” và “Nhân Dân” đã lập tức tung ra các bài phân tích nghe rất rổn rảng để rũ bỏ sự liên đới khi khẳng định, trách nhiệm hiện nay thuộc về chính phủ nước Anh, còn chính phủ Việt Nam đã làm hết sức mình (?)
“Nhân Dân online” – trang tin được cho là tiếng nói của ĐCSVN – hôm 1/11 viết: “Đừng cứ lúc nào cũng gán ghép trách nhiệm cho Nhà nước Việt Nam”. Bài báo còn hù doạ: “… Một số tổ chức, cá nhân lại tìm cách lợi dụng sự hoang mang, lo lắng, thậm chí là nỗi đau để cố đẩy vấn đề theo hướng tiêu cực, coi đó như là cơ hội để vu cáo Nhà nước Việt Nam”.
Liều lĩnh hơn, tờ “Tuổi Trẻ” hôm 2/11 nhận định thảm kịch 39 người nhập cư trái phép chết ở Anh “không phải là trách nhiệm của chính phủ mà từ đó công dân di cư lậu xuất phát, cũng không phải của những nạn nhân đó và gia đình họ, thậm chí không phải của bọn buôn người” (!?) “Vấn đề chính là chính sách nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu”.
Thái độ “ăn vạ quốc tế” nói trên là nhằm che đậy trách nhiệm của chính quyền. Mặc dầu trước đó, tờ “Nhân Dân” từng lu loa lên rằng, ngay sau khi có tin về vụ việc, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban các tỉnh… khẩn trường làm rõ nội vụ để có biện pháp xử lý phù hợp với pháp luật Việt Nam và quốc tế (!?)
Vẫn theo mạch viết trên, các “bút nô” còn tố cáo bài giảng của linh mục Ngô Văn Khả tại Thánh lễ ngày 27/10/2019 ở nhà thờ Thái Hà (Hà Nội) là sai phạm về tuyên truyền khi dám phê phán Nhà nước. Quyết đoán hơn, bài viết cho biết nước có người di cư nhiều nhất thế giới không phải là Việt Nam, mà đó là một nước phát triển có thu nhập bình quân theo đầu người trên 30 ngàn USD (Nước nào thì bài báo lại không chỉ ra được!)
Không tưởng tượng nổi truyền thông Việt Nam đã đổi trắng thay đen như thế nào khi lập luận, chính việc ngăn trở mong muốn nhập cư một cách bất hợp lý là gốc rễ của những bi kịch Essex. Khi người ta không thể ra đi theo dòng chảy tự nhiên của nhu cầu lao động và thị trường một cách hợp pháp, đó sẽ là nơi các băng đảng buôn người lấp vào chỗ trống (!)
Bài báo nhận định tiếp: “Những cái chết ở Essex không phải là tai nạn hay chỉ diễn ra một lần. Chúng là sản phẩm trước hết của một nền chính trị và chính sách nhập cư phi nhân tính, đối xử với con người và việc họ di cư (một quyền cơ bản) như những trục trặc xã hội”.
Trong khi đó, từ 28/10, tại hạt Essex, Thủ tướng Boris Johnson cho biết nước Anh thật sự bị sốc trước vụ 39 người chết và đã ghi vào sổ tang: “Cả quốc gia và thế giới sốc trước thảm kịch này, cũng như số phận tàn nhẫn xẩy đến với những người vô tội đang hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi thương tiếc… và chia buồn với gia đình của họ”.
Còn ở Việt Nam, phải chờ đến một tuần lễ sau, mãi cho tới hôm 2/11, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh mới “tuýt” mấy dòng chia buồn với “nạn nhân người Việt trong số 39 người mất ở Essex” nhạt như nước ốc (Ông Minh vẫn chưa thừa nhận tất cả số người chết trong container là người Việt). Và đương nhiên, cả Chủ tịch nước, Thủ tướng lẫn tuyệt đại đa số 500 Nghị sỹ quốc hội đang họp ở Ba Đình vẫn “im như thóc” trước bi kịch mà nếu xẩy ra ở những nơi khác thì đã được coi là thảm hoạ quốc gia.
Cả Ngoại trưởng lẫn phát ngôn viên BNG đều né tránh nói đến trách nhiệm của nhà cầm quyền CSVN trong việc khuyến khích chính sách “xuất khẩu lao động” đem ngoại tệ về nước. Trong lúc đó Nhà nươc cộng sản đã để mặc hàng ngàn người dân mỗi năm phải tìm đường mưu sinh ở nước ngoài bằng mọi giá, kể cả chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của họ.
Đáng ra, qua vụ 39 người này, chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương phải chủ động lôi ra ánh sáng tất cả các đường dây buôn người. Tất cả các quan chức, kể cả ở địa phương hay trung ương, dính líu phải bị trừng trị, truy tố các thủ phạm và tịch thu các tài sản bất minh của họ để bồi thường cho các nạn nhân đã chết.
Đằng này, một chính quyền tự nhận là “của dân, do dân và vì dân” nhưng trên thực tế chỉ nhỏ những giọt nước mắt cá sấu muộn màng, còn lại thì công khai chối bỏ sự liên đới, đùn đẩy trách nhiệm của chính mình cho quốc tế, cản trở các phái bộ và các nhà báo đến các địa phương để gặp gỡ những gia đình nạn nhân./.
Bài bình luận gần đây