You are here

Tại sao người Việt bất chấp mọi nguy hiểm, rủi ro để tới Anh Quốc?

Ảnh của nguyenvandai

Khi tôi tới nước Anh, thấy những người Việt tị nạn chưa có giấy tờ mà vẫn tự do đi lại, thuê nhà ở, rất dễ dàng tìm kiếm việc làm với thu nhập cao,... Khi tôi hỏi họ thì nhiều người cho biết có người đã tới nước Anh 8 năm, người thì 10 năm, người thì 14 năm,... nhưng chưa bao giờ họ bị cảnh sát kiểm tra hỏi giấy tờ. Có một số ít trường hợp không may bị cảnh sát bắt do đi trồng cần sa, hay bị bắt khi cảnh sát kiểm tra các cơ sở kinh doanh do làm chui.


Những người bị bắt do đi làm chui thì cảnh sát sẽ nhanh chóng trả tự do khi có sự can thiệp của luật sư.

Nói chung người tị nạn chưa có giấy tờ nhưng vẫn có cuộc sống khá an toàn và thoả mái ở nước Anh. Hơn hẳn xứ thiên đường cộng sản ở Việt Nam mà các công dân thường xuyên bị sách nhiễu của cảnh sát khu vực đòi kiểm tra hộ khẩu.   

Vương Quốc Anh vẫn luôn là thiên đường mơ ước của rất nhiều người Việt Nam bởi:

Thứ nhất, đất nước tự do và quyền con người được tôn trọng, bảo vệ.

Tất cả mọi người, không phân biệt nguồn gốc, quốc tịch, tôn giáo,... khi sinh sống, lao động và học tập trên nước Anh đều bình đẳng và được pháp luật bảo vệ.

Người Việt Nam sau khi tới nước Anh bằng con đường bất hợp pháp. Họ có nhiều cách để xin ở lại nước Anh. Có người thì lựa chọn việc kết hôn với những người đã có giấy tờ hoặc người bản xứ; những phụ nữ có thể chọn cách có con và nhờ người có giấy tờ nhận con giúp và người phụ nữ sẽ được ở lại theo con của mình. Với những cách này thì chi phí khoảng 60 tới 80 ngàn Bảng;

Nhiều người tham gia các hoạt động tôn giáo, hoạt động chính trị, tham gia các tổ chức, đảng chính trị của người Việt. Sau đó họ cho rằng khi trở về Việt Nam sẽ bị sách nhiễu, phân biệt đối xử, bị bắt, bị đe dọa về sức khỏe, tính mạng,... vì lý do tôn giáo, bất đồng chính kiến, hoạt động chính trị,... và họ đệ đơn xin tị nạn chính trị, tôn giáo lên Bộ nội vụ của Anh.

Chính phủ và Tòa án của Vương Quốc Anh luôn tôn trọng các họat động tôn giáo, chính trị của người Việt tại Anh nếu những người này chứng minh được những hoạt động thực sự của họ.

Thời gian xét đơn của Bộ nội vụ Anh từ 6 tháng đến trên 2 năm.

Nếu không may mà bị Bộ nội vụ từ chối thì họ có quyền kiện ra Tòa án. Và Tòa án ở Anh hoàn toàn độc lập với chính phủ. Và người xin tị nạn được quyền kiện rất nhiều lần, thời gian cho mỗi vụ kiện kéo dài nhiều tháng, thậm trí nhiều năm.

Tôi đã gặp những người Việt ở Anh tới 14, 16 năm mới ra Tòa lần cuối. Phần lớn người Việt đều thắng kiện tại Tòa án để được tị nạn ở lại Anh. Vì họ được quyền liên tục cập nhật, bổ sung chứng cứ về những hoạt động của họ cho tới ngày ra Tòa.

Phải nói là thủ tục xin tị nạn ở Anh là đơn giản và dễ hơn các nước khác trong EU.

Khi đã được nhận qui chế tị nạn, người Việt sẽ được hưởng mọi quyền lợi như công dân Anh, kể cả thành lập và tham gia các đảng, tổ chức chính trị tại Anh Quốc. Nguyễn Văn Thôi, đại diện của Hội Anh Em Dân Chủ tại UK, sau khi được qui chế tị nạn năm 2016, đã tham gia và là đảng viên đảng Bảo Thủ Anh.

Ở xứ thiên đường cộng sản, công dân Việt Nam mà thành lập hay tham gia các đảng chính trị phi cộng sản sẽ bị qui tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Thứ hai, phúc lợi xã hội tuyệt vời.

Những người tị nạn hay thất nghệp được chính phủ lo cho nhà ở, khám chữa bệnh, học tập miễn phí, con cái được chính phủ trợ cấp.

Nhiều người tị nạn thường lợi dụng vừa nhận trợ cấp của chính phủ, vừa tranh thủ đi làm thêm với thu nhập cao. Nhưng phần lớn họ không nhận trợ cấp mà tự đi làm.

Hệ thống bảo hiểm y tế của nước Anh là tự động miễn phí cho tất cả mọi người sinh sống hợp pháp trên nước Anh, tức là người tị nạn khi có đăng ký xin tị nạn với chính phủ Anh thì đương nhiên được bảo hiểm y tế miễn phí. Mọi người không cần mua bảo hiểm y tế.

Tại thiên đường cộng sản Việt Nam, không đi làm thì chết đói, không có tiền thì chết bệnh,...

Thứ ba, công việc kiếm tiền rất dễ dàng và thuận lợi với người Việt tại Anh.

Người Việt Nam ở Vương Quốc Anh tập trung vào những công việc đơn giản nhưng có thu nhập cao như nghề làm 'nails', nhà hàng, xây dựng,...

Người tị nạn chưa có giấy tờ, nhưng dễ dàng để kiếm việc làm trong nhà hàng hoặc làm 'nails' với thu nhập cao.

Ví dụ: Một người tị nạn chưa có giấy tờ, khi làm n'ails', được người chủ nuôi ăn, ở và có thu nhập từ 700 tới 800 Bảng/tuần tức là 2.800 đến 3.200 Bảng/tháng. Với thu nhập như vậy thì chỉ sau một năm, người tị nạn có thể gửi về gia đình để trả hết nợ cho chi phí chuyến sang Anh khoảng 35.000 Bảng.

Sau hai năm thì người tị nạn có thể tiết kiệm đủ tiền để tiếp tục đưa người nhà của mình từ Việt Nam sang Anh theo con đường tương tự.

Vậy nên ở bên Anh đa số những người tị nạn có đầy đủ vợ chồng, con cái, anh chị em,... Thậm chí có gia đình 4,5,6 người mà không ai có giấy tờ hợp pháp.

Trong khi đó tại thiên đường cộng sản ở Việt Nam, những người công nhân lao động kiệt sức từ 8-10 giờ/1 ngày và 6 ngày/1 tuần. Nhưng thu nhập cũng chỉ từ 7 đến 8 triệu đồng hàng tháng. Ráo mồ hôi thì cũng hết tiền. Trong khi họ phải lo nhà ở, học hành của con cái, ăn uống, y tế..., cố gắng tiết kiệm mỗi năm về thăm quê được một lần.

Thứ tư, người Việt dễ dàng hội nhập về ngôn ngữ, văn hóa với người bản địa;

Thứ năm, giao thông công cộng ở Vương Quốc Anh vô cùng thuận lợi, đi lại dễ dàng; môi trường trong lành; hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm chất lượng cao và an toàn hàng đầu thế giới.

Không như xứ thiên đường cộng sản Việt Nam, tham gia giao thông trên đường là tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, bởi không biết tai nạn ập xuống mình bất kể khi nào; môi trường thì ô nhiễm từ không khí tới nước sinh hoạt đều ở mức có thể giết hại con người; hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm bẩn, nhiễm độc, thuốc chữa bệnh giả tràn lan tới mức người dân không thể nhận biết,...

Những mảng tối của người Việt tị nạn tại Vương Quốc Anh.

Ở Vương Quốc Anh, việc trồng và buôn bán cần sa đem lại lợi nhuận khổng lồ nếu không bị cảnh sát phát hiện và bắt giữ. Những người trồng và buôn bán cần sa có thể có thu nhập từ vài trăm ngàn Bảng tới cả triệu Bảng mỗi năm.

Bởi vậy nghề làm 'nails', nhà hàng, xây dựng có thu nhập tốt, an toàn và ổn định. Nhưng rất nhiều người Việt vẫn liều mình trồng cần sa.

Cảnh sát Anh đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ, nhưng lợi tức quá lớn nên khiến nhiều người Việt mờ mắt. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự và vị thế của cộng đồng người Việt tại Vương Quốc Anh.

Như vậy hành trình của người Việt sang Anh là thiên đường hay địa ngục thì phụ thuộc vào sự may mắn của mỗi người.

Tôi được biết, trước ngày tai nạn thảm khốc của 39 người xấu số, đã có khoảng 100 người khác tới được nước Anh an toàn bằng công ten nơ.

Và dòng người Việt vẫn sẽ tiếp tục tới Vương Quốc Anh bằng mọi giá cho tới khi nào Việt Nam có được tự do, dân chủ và phú cường.

Bức ảnh trong bài viết là tôi chụp chung với Lê Mai Tuấn Linh, người đã sang Anh bằng công ten nơ chở hoa từ Hà Lan. Tuấn Linh đã cùng 6 người khác cùng chuyến sang Anh an toàn cách đây vài năm.