Mấy hôm nay chuyến đi tử thần của 39 con người trong chiếc xe container là một chủ đề gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng xã hội Việt Nam. Người thì xót xa và tiếc thương cho những ai xấu số. Người thì lại hả hê vì trong số người chết có một nạn nhân từng chia sẻ status tỏ ý đồng tình với hình ảnh lực lượng cảnh sát cơ động giáp khiên đầy đủ đi đàn áp người dân. Tôi cho rằng đây là một sự kiện rất đáng buồn, nhưng chỉ dừng lại ở việc tiếc thương là không đủ. Tôi cũng đồng ý rằng có nhiều ai đó đã có những hành vi không tốt, nhưng chỉ dừng lại ở việc phê phán người khác mà không rút ra bài học cho mình là không đủ. Vì thế tôi muốn bàn sâu sự việc này theo góc nhìn của tôi, để nghe thêm những ý kiến thảo luận, và để tự rút ra bài học cho chính mình.
Đi và đến là một hành vi rất bình thường của con người trong đời sống. Có khi là để đến nơi họ muốn. Có khi là để rời bỏ khỏi nơi mà họ không muốn ở lại. Dẫu cho chủ đích của hành vi này được xác định như thế nào thì đi và đến là một sự kiện có thể cho ta nhiều bài học.
Nếu chỉ bằng sự phán xét đơn thuần thì ai cũng thấy chuyến đi của 39 con người trong xe container đông lạnh đến nước Anh thật là điên rồ. Họ đã đến nơi, nhưng không đến được cái đích thật sự mà họ mong muốn. Và họ không phải là trường hợp duy nhất trên đất nước này. Từ sau 30/4/1975 người Việt chúng ta đã có hàng triệu cuộc ra đi. Có người đến đích. Nhưng cũng có nhiều người phải nằm lại ở đâu đó trên hành trình mà họ đã lao vào.
Những hành trình bi thương mà người Việt chúng ta trải qua sau hơn 40 không hề chấm dứt. Nếu như trước đây đoàn người vượt biển lênh đênh không đích đến cụ thể, miễn là thoát khỏi nơi họ từng sống, thì ngày nay có hàng triệu người vẫn bỏ nước ra đi, miễn là đến nơi nào cho họ cơm áo gạo tiền. Và câu hỏi đầu tiên là tại sao Việt Nam có quá nhiều người ra đi?
Nếu chỉ lấy lý do kinh tế làm căn cứ tranh luận thì bạn sẽ giải thích thế nào về việc có quá nhiều người giàu có ở Việt Nam cho con đi tỵ nạn giáo dục, và chính bản thân họ cũng tìm cách đi tỵ nạn bằng hình thức đầu tư. Ngay chính gia đình các nạn nhân xấu số vừa rồi cũng thừa nhận phải thế chấp sổ đỏ hoặc bỏ tiền mặt lên đến 1 tỷ để chui vào container. Câu hỏi thứ hai là tại sao họ chấp nhận rủi ro mà không để tiền bạc đó ở nhà làm ăn?
Việt Nam bây giờ có vô số lớp học dạy làm giàu kiểu như thầy Lê Thẩm Dương. Đảng và nhà nước thì luôn tự hào về ngành giáo dục nước nhà ngày càng đi lên. Câu hỏi thứ ba là tại sao người ta ào ào bỏ đi, trong khi có vẻ đâu có thiếu cơ hội để nâng cao năng lực nhằm tìm kiếm đời sống tốt hơn?
Ai ở trong đời cũng mong muốn được sống giàu có và hạnh phúc. Có điều hành trình tìm kiếm các giá trị này của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Câu hỏi thứ tư là tại sao có nhiều người tin rằng việc chui vào thùng container dễ dàng đi đến đích hơn con đường khác?
Cảnh người lao động Việt Nam sống bất hợp pháp ở nước ngoài là đề tài của rất nhiều bài báo và phóng sự quốc tế. Hộ chiếu Việt Nam được đánh giá có uy tín thấp vào hàng thấp nhất thế giới. Khách du lịch Việt Nam giàu có ra nước ngoài rất dễ bị kỳ thị, từ chuyện nhập cảnh, chuyện vào nhà hàng cho đến khi vào các khu vui chơi giải trí khắp nơi. Câu hỏi thứ năm là người Việt chúng ta muốn là ai? Là chủ nhân của một đất nước được tôn trọng? Hay là quyết chui vào những cái thùng mong làm công dân hạng hai ở các nước khác?
Tôi đã hỏi năm câu hỏi, và tôi biết bạn đang nghĩ gì rồi. Xin hãy gạt qua một bên những quan điểm khác nhau về mặt chính trị, hãy cùng nhau suy nghĩ về một câu hỏi cuối cùng. Câu hỏi thứ sáu là chúng ta có thể mơ ước và làm gì hơn nữa để đất nước này thôi hết khổ đau?
Yêu thương tất cả!
Bài bình luận gần đây