You are here

Giảm giờ làm sẽ giảm tăng trưởng?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Ông Đào Ngọc Dung (Nguồn: Internet)

Nếu bỏ dấu hỏi khỏi tiêu đề của bài viết này, phần còn lại là câu khẳng định mà Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã phát biểu trong phiên họp Quốc hội vào ngày 23/10 vừa qua.[1]

Theo ông Dung, nếu giảm thời gian làm việc từ 48 giờ một tuần xuống 44 giờ một tuần sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%, và vì vậy, Quốc hội cần đánh giá kỹ lưỡng.[2]

Kết luận được dẫn từ mô hình tính toán của ông Dung mà mô hình tính toán đó có hợp lý hay không là điều mà chúng ta không biết được. Tuy nhiên, ít nhất người viết có thể đưa ra một vài phản biện đối với ông Dung.

1. Như ông Dung đã nêu, 48 giờ một tuần là thời gian làm việc tại 89,6% doanh nghiệp Việt Nam, và so với các nước Đông Nam Á, chúng ta giống 8 nước khác (không bao gồm Singapore và Indonesia) về số giờ làm việc một tuần.[3] 

Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển thì chúng ta làm việc nhiều giờ hơn. Chẳng hạn, so với các nước trong khối OECD, chúng ta làm việc nhiều giờ hơn nước làm việc nhiều giờ nhất, đó là Mexico với khoảng 43 giờ một tuần.[4]

So với các nước châu Âu, sự khác biệt còn lớn hơn nữa. Nước đứng đầu trong số này là Hi Lap chỉ làm việc 39 giờ một tuần.[5] Làm việc ít giờ nhất là Đức, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Thụy Sĩ, với dưới 30 giờ một tuần (riêng người Đức có số giờ làm việc một tuần ít nhất là khoảng 26).[6]

2. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng giảm thời gian làm việc có thể khiến năng suất cao hơn, và ngược lại, tăng thời gian làm việc có thể khiến năng suất giảm đi.

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời gian làm việc và năng suất (được tính bằng GDP trên mỗi giờ làm việc) trong các nước OECD từ năm 1990 đến năm 2012 cho thấy năng suất cao hơn khi thời gian làm việc ít hơn.[7]

Nghiên cứu của John Pencavel cho thấy có một ngưỡng thời gian làm việc, mà dưới ngưỡng đó, năng suất làm việc tăng khi số giờ làm việc tăng, và trên ngưỡng đó, năng suất làm việc giảm khi số giờ làm việc tăng.[8]

Khi đặt sản lượng đầu ra bên cạnh năng suất, người ta có thể thấy cần quan tâm tới cả năng suất thay vì chỉ quan tâm tới sản lượng đầu ra. Hơn nữa, nếu năng suất tăng đủ để bù đắp cho số giờ làm việc giảm thì sản lượng đầu ra vẫn được bảo đảm, thậm chí tăng.

3. Mặc dù 48 giờ một tuần là số giờ làm việc tại phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, song không ít doanh nghiệp có giờ làm việc thực tế (bao gồm tăng ca) cao hơn đáng kể.

Làm việc quá nhiều giờ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người lao động, từ đó ảnh hưởng xấu đến năng suất của họ, và mặc dù có thể làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngắn hạn, song khả năng cao hơn là làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp về lâu dài.

55 giờ làm việc một tuần có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch vành và đột quỵ, theo một nghiên cứu được công bố trên The Lancet.[9] Làm việc nhiều giờ đến mức nào đó cũng có thể khiến người lao động béo hơn, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn và dễ chán nản.[10]

4. Vì thời gian làm việc nhiều hơn có thể dẫn đến năng suất thấp hơn, do đó, không nhất thiết dẫn đến sản lượng đầu ra cao hơn, nên điều quan trọng là tìm một ngưỡng thời gian làm việc sao cho đạt được năng suất và sản lượng đầu ra thích hợp nhất. 

Ngoài ra, để tăng sản lượng đầu ra, có thể thúc đẩy các yếu tố tương quan thuận với năng suất, như điều kiện lao động tốt hơn, an toàn lao động cao hơn, hỗ trợ người lao động giải quyết việc cá nhân của họ, như bố trí nơi ngủ, nghỉ cho họ ở nơi làm việc, bố trí vườn trẻ để chăm sóc con cái cho họ ở nơi làm việc, v.v.

Sự cải thiện đối với các yếu tố này giúp cho cuộc sống của người lao động tốt hơn, và từ đó, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, gắn bó với doanh nghiệp hơn, và nỗ lực đóng góp cho doanh nghiệp hơn.

5. Cuối cùng, ngay cả khi việc giảm giờ làm dẫn đến giảm tăng trưởng, thì liệu việc giảm tăng trưởng có thực sự là vấn đề? 

Câu trả lời, theo người viết, là ‘Không’. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cần được ưu tiên hơn các con số về tăng trưởng. Con người làm việc để kiếm sống, và xa hơn là để sống có ý nghĩa. Làm việc nhiều giờ để làm gì thời gian còn lại quá ít cho bản thân và biết bao điều quan trọng?

Chú thích:

[1][2][3] 'Giảm giờ làm sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế'
https://tuoitre.vn/giam-gio-lam-se-keo-giam-toc-do-tang-truong-kinh-te-2...

[4] Hours worked
https://data.oecd.org/emp/hours-worked.htm

[5] This country works the longest hours in Europe
https://www.weforum.org/agenda/2018/02/greeks-work-longest-hours-in-europe

[6] Như [4]

[7][8] Does working fewer hours make you more productive?
https://www.weforum.org/agenda/2016/03/does-working-fewer-hours-make-you...

[9] Long working hours and risk of coronary heart disease and stroke
https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(15)60295-1/fulltext

[10] Think working long hours is a good thing? This is why you’re wrong
https://www.weforum.org/agenda/2016/09/think-working-long-hours-is-a-goo...