NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Nhân dân thương tiếc ông không chỉ vì ông mệnh yểu, không chỉ vì cái chết của ông đầy rẫy những nghi ngờ mà người ta chắc chắn rằng có kẻ hại ông.
Thương tiếc thầy Lê Hải An, nhân dân thương tiếc một nhà giáo tài năng, tâm huyết và đức hạnh. Riêng chuyện ông ra thông báo xem xét kỷ luật một loạt công chức liên quan đến gian lận thi cử mà không cần dò xét ý tứ bề trên thế nào đã khiến nhân dân nể trọng ông. Đến khi Phùng Xuân Nhạ hủy bỏ quyết định này thì người ta càng nể trọng ông hơn, vì họ biết Phùng Xuân Nhạ là người như thế nào.
Sáng ngày 17/10, báo chí đồng loạt đưa tin Thứ trưởng Lê Hải An ngã từ lầu 8 tử vong làm chấn động dư luận. Chữ “ngã” ở đây mang tính định hướng thông tin, rằng thầy An sơ ý mà ngã. Cũng có báo dè dặt hơn, dùng từ “rơi”.
Sau đó, báo chí cũng đồng loạt im bặt và chờ đưa tin về tang lễ.
Chỉ có Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học có lẽ do sốt sắng trấn an dư luận quá mà nhanh nhảu hạ độ cao cao lan can xuống còn một nửa và cho rằng thầy An mải suy nghĩ vấp phải một thanh gỗ chắn ngang rồi nảy lên... vọt qua lan can và rơi xuống đất.
Chỉ có mạng tự do chẳng ai tin, đưa ra đủ giả thuyết về cái chết của thầy, kẻ nào là thủ phạm... tựu trung là thầy bị hại.
Bàn thì bàn thế, nhưng họ không có chức năng và điều kiện để điều tra. Việc này đành để cho cơ quan công an làm phận sự của họ, còn điều tra như thế nào và có công bố hay không lại là chuyện khác. Nhưng gần như không thể trông chờ vì chưa có cái chết bí ẩn nào của quan chức cao cấp sau đó được kết luận khác ngoài thông tin đã đưa ra ban đầu. Chỉ có một trường hợp duy nhất khác, đó là người ta cải chính ngày mất của ông Hồ Chí Minh. Sự mai mỉa là ở chỗ đó.
*
Trở lại cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An. Ông không hoàn hảo tới mức có thể làm hài lòng tất cả những những người có nhãn quan chính trị khác nhau. Ví dụ, ông khuyên sinh viên không tham gia biểu tình. Hoặc có ý kiến cho rằng, ông có tài năng, đức độ thì không nên đứng vào hàng ngũ cộng sản. Ý kiến này có liên quan đến chiêm nghiệm của Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nói về sự liên quan giữa 3 thành tố: thông thái, lương thiện và cộng sản và ba thành tố ấy không cùng tồn tại trong một con người:
- Đã thông thái và theo cộng sản thì không lương thiện
- Đã lương thiện và theo cộng sản thì không thông thái
- Đã lương thiện và thông thái thì không theo cộng sản.
Vì vậy, người ta tiếc cho thầy Lê Hải An, có tài, có tâm mà lại đứng vào hàng ngũ cộng sản để dẫn đến cái chết đầy bí ẩn.
Nhưng dù sao trong nhân dân, dù quan điểm chính trị như thế nào thì người ta vẫn quý trọng ông mà không một lời chỉ trích. Trong đó, giới xã hội dân sự bày tỏ thái độ rõ ràng hơn cả.
Thái độ ấy ngược lại với thái độ mỗi khi có một quan chức hay công chức cộng sản qua đời, từ những lãnh đạo cao nhất nước đến cấp phường xã cho tới công an. Những cái chết ấy đều nhận được thái độ hả hê, những lời nguyền rủa, cho là quả báo.
Thực trạng này phù hợp với ý kiến của ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam: "Mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay".
Người dân vốn công bằng. Không phải sự yêu ghét được mặc định cho mỗi người mà cần phải đặt câu hỏi tại sao. Cơ quan công quyền có ai là không đáng ghét?
Tuy nhiên, nhận xét của ông Thuận Hữu cần phải mở ngoặc rằng, trừ thầy Lê Hải An. Và chỉ thế thôi. Một quan chức cao cấp qua đời, để lại tình cảm yêu mến và lòng thương tiếc trong nhân dân không phân biệt chính kiến - đây là trường hợp đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất. Lòng thương tiếc của các tầng lớp nhân dân dành cho Thầy, âu cũng an ủi phần nào vong linh Thầy ở thế giới bên kia.
24/10/2019
* Bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Bài bình luận gần đây