You are here

Vụ công an xã bắn dân: Khi nào công an có quyền nổ súng?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Lồng chuột của Công, được vớt lên từ kênh sau khi sự việc xảy ra (Nguồn: FB Hân Vũ) 

Như đã đưa tin, vào ngày 4/10 vừa qua tại tỉnh Long An, Đặng Văn Em – trưởng công an xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh – đã bắn Trần Quốc Công trên một tuyến kênh khiến Công bị thương ở bụng, phải vào bệnh viện phẫu thuật và điều trị.[1]

Sự việc đã gây bức xúc trong một bộ phận nhỏ cộng đồng mạng khi báo chí trong nước đăng tải một số thông tin được cho là sai sự thật, gây bất lợi cho Công, chẳng hạn Công đánh bắt thủy sản, bỏ chạy, chống trả, và cướp cò.

Trong khi hàng loạt báo đăng tải thông tin cùng một chiều, người ta chỉ có thể tìm thấy ít ỏi thông tin theo chiều khác, chẳng hạn trên FB Hân Vũ,[2] khi cho thấy sự việc không như báo chí mô tả.

Từ phía Công, anh đã có một số bài viết về sự việc trên Facebook, song các link bài viết không còn khả dụng, mà nguyên nhân được cho là anh chịu áp lực từ công an khiến anh phải gỡ các bài viết đó.

Sự việc đặt ra một số câu hỏi đáng quan tâm như: (1) Công an xã có quyền dùng súng không? (2) Khi nào công an được nổ súng? (3) Đánh bắt chuột bằng công cụ kích điện thì bị xử lý như thế nào và đánh bắt thủy sản bằng công cụ kích điện thì bị xử lý ra sao?

Câu trả lời cho câu hỏi 1 là 'Có', căn cứ vào điểm e, khoản 1, Điều 3 và điểm b, khoản 1, Điều 4 Thông tư 17/2018/TT-BCA. (Hẳn nhiên, việc công an xã có nên có quyền này không lại là một chuyện khác.)

Câu hỏi 2 đáng quan tâm hơn cả, và câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp ích cho mọi người trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi đối diện với công an được trang bị súng.

Theo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có một số nguyên tắc mà các cơ quan và cá nhân thực hiện công vụ cần phải tuân thủ khi sử dụng các phương tiện này như sau:

  • Phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường. (Khoản 5, Điều 4)
  • Phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định việc sử dụng vũ khí quân dụng. (Điểm a, khoản 2, Điều 22);
  • Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay. (Điểm b, khoản 2, Điều 22)
  • Phải hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí quân dụng gây ra trong mọi trường hợp. (Điểm d, khoản 2, Điều 22)

Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, người sử dụng vũ khí quân dụng chỉ được nổ súng trong các trường hợp nhất định theo Điều 23, chẳng hạn:

  • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.
  • Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Khi chiếu các quy định này vào sự việc trên, liệu có thể nhận xét gì về việc nổ súng của Em? Nếu sự thật là như Công kể lại rằng Công chỉ đánh bắt chuột, Em không yêu cầu Công dừng lại để kiểm tra, Công không chống trả và cướp cò, thì câu trả lời là rất rõ ràng: Em vi phạm các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, và cũng không rơi vào trường hợp nào trong các trường hợp được nổ súng theo Điều 23.

Khi đó, với hành vi bắn Công khiến Công bị thương, Em có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, với hành vi bỏ đi bất kể Công bị thương và kêu cứu, Em có dấu hiệu phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự.

Trả lời câu hỏi 3, đối với hành vi dùng điện để đánh bắt động vật nói chung (không có quy định riêng về hành vi dùng công cụ kích điện để đánh bắt chuột), người thực hiện phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng, theo điểm d, khoản 4 Điều 15 Nghị định 134/2013. Trong trường hợp dùng công cụ kích điện đánh bắt thủy sản, người thực hiện phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt thấp nhất là 3 triệu đồng, theo Điều 28 Nghị định 42/2019. 

Mặc dù chưa thể khẳng định các thông tin nào là đúng và các thông tin nào là sai, song chí ít có thể hoài nghi các thông tin mà báo chí đăng tải về sự việc, nhất là khi nhìn chung báo chí chưa đủ độc lập, và các nhà báo chưa đủ trung thực và khách quan, chưa kể trong sự việc này, các báo chủ yếu là sao chép của nhau thay vì tìm hiểu cẩn thận và kỹ lưỡng.

Hiện Công đã có luật sư bảo vệ, và như Công cho biết, anh sẽ theo kiện để lấy lại công lý cho mình. Hi vọng rằng bằng việc theo kiện này, Công sẽ giúp mọi người thấy rõ sự việc, và xã hội nhờ đó sẽ được hưởng lợi từ những người theo đuổi công lý như anh.

Chú thích:

[1] Vụ công an xã bắn dân: Báo nói khác, nạn nhân nói khác
https://www.rfavietnam.com/blog/4669

[2] FB Hân Vũ nói về sự việc
https://www.facebook.com/vungoch/posts/1425436677609197