Nếu hỏi một cán bộ thì câu trả lời này chắc chắn sẽ là: “Của dân, do dân và vì dân”, nhưng một người dân sống ở Hà Nội sẽ cay cú: “Của ông Chung con”, nếu hỏi tiếp những người dân đang xếp hàng lấy nước sạch để sinh hoạt thì câu trả lời sẽ là “Của ai không biết nhưng chắc chắc không phải là của dân”.
Câu trả lời thứ ba có lẽ chính xác nhất bởi người dân đã nhận ra sự thật về cái được gọi là chính quyền một cách nghiêm túc. Đối với dân chính quyền là người đại diện được bầu lên (mặc dù cái sự bầu ấy có rất nhiều khuất tất) và bổn phận duy nhất của họ là phục vụ nhân dân. Dĩ nhiên sự phục vụ ấy được trả công rất hậu hĩnh từ những đồng tiền thuế của dân và cả những bổng lộc không liệt kê ra nhưng ai cũng biết nó quan trọng và to lớn đến chừng nào. Những người có mặt trong cái chính quyền ấy mỗi người thực hiện một phần việc theo đúng chức năng mà một công chức phải làm. Người đứng đầu cái cơ quan công quyền ấy phải chịu trách nhiệm điều hành xã hội, tức là cộng đồng người dân đang chung sống. Trách nhiệm ấy bao gồm bảo vệ an ninh, tạo công ăn việc làm, phục vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối phó thảm họa…tất cả những mục tiêu này được thực hiện qua các nhóm chuyên gia am hiểu từng lĩnh vực và người lãnh đạo cao nhất phải biết phối hợp sao cho hợp lý và hiệu quả.
Chính quyền Hà Nội không làm thế, họ làm khác với quy luật mà cả thế giới đang tuân thủ và vì vậy người dân có nghĩ rằng không biết chính quyền này của ai cũng là điều bình thường.
Họ làm gì khi bụi mịn xuất hiện đe dọa sức khỏe của người dân toàn Thủ đô với dự báo từ một cơ quan đa quốc gia là chỉ số ô nhiễm của Hà Nội đã lên mức top của thế giới? Xin thưa họ báo cho dân biết chỉ số bụi mịn vẫn trong mức an toàn vì khi mưa xuống thì bụi mịn sẽ tự biến mất. Họ không đưa ra bất cứ biện pháp phòng tránh nào cho người dân để họ có thể tự bảo vệ lấy gia đình mình khi chính quyền vắng mặt.
Hết bụi mịn lại tới ô nhiễm nguồn nước sạch, chính quyền vẫn vô tư đối phó như một bà nhà quê chạy ra chợ mua bó rau về chữa bệnh cho người nhà khi bị cảm lạnh.
Chính quyền của ông Chung con cho xe chở nước sạch phân phối khẩn cấp cho dân chúng sinh hoạt nhưng những chiếc xe bồn ấy lại lấy nước từ chỗ không sạch kết quả là người dân chờ trắng mặt để được vài chục lít nước nhưng khi ngửi chúng thì nhận ra mùi nồng nàn không khác gì nước cống của sông Đà đã bị ô nhiễm. Cách làm này không thể có cách gọi nào khác ngoài hai chữ “khinh dân”.
Báo chí loan tin: Hà Nội dùng xe tưới nước, rửa đường để... cấp nước sạch miễn phí cho dân. Vậy là người dân bị lừa một lần nữa vì không ai dám nói nước dùng để tưới và rửa đường là nước sạch, chỉ có chính quyền Hà Nội là đồng tình với việc này mà thôi. Họ bất kể người dân sẽ ra sao miễn là đối phó khủng hoảng được lúc nào hay lúc ấy.
Nguyên do nước đầu nguồn dẫn về Hà Nội bị ô nhiễm vì có kẻ gian đã lén đổ dầu cặn đã qua sử dụng xuống nước khiến nước cả một vùng rộng lớn của Hà Nội không thể uống hay tắm rửa được. Chiều 15/10, ngày thứ 6 liên tiếp nước sinh hoạt ở các quận Hà Đông, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... vẫn bốc mùi khó chịu do chất Styren có tỷ lệ cao hơn giới hạn cho phép (20 mg/l) từ 1,3 - 3,6 lần.
Thông tin từ báo chí cho biết như vậy nhưng người dân vẫn không hề biết chất Styren sẽ gây nguy hiểm gì cho người vô tình sử dụng nó, về lâu về dài hậu quả của nó ra sao và người bị nhiễm bệnh bời Styren phải làm gì để ngăn chặn hay loại bớt nguy hiểm mà nó gây ra? Những câu hỏi này hình như không phải trách nhiệm trả lời của chính quyền nên cho tới hôm nay đã hơn một tuần vẫn không có bất cứ một thông báo nào cho dân biết cả.
Ngay cả việc xác nhận nước bị ô nhiễm thì chính quyền cũng làm rất khác hành động của một chính quyền thông thường. Bên cạnh sự im lặng rất “quen thuộc” của chính quyền Hà Nội là sự trí trá của những kẻ trong các ban bệ của các nơi có liên quan tới việc nguồn nước bị ô nhiễm. Trước tiên là ông Vũ Đức Toản đại diện nhà sản xuất, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khăng khăng nói rằng nhà máy nước sạch sông Đà đang vận hành bình thường theo đúng quy trình "đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế".
Nhưng chỉ vài ngày sau, sáng 14/10, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nguyên nhân “mùi lạ” trong nước sinh hoạt của dân Hà Nội là một xe tải đổ dầu thải ra suối rồi dầu thải này đổ về khu vực kênh dẫn nước của Nhà máy nước Sông Đà (Viwasupco).
Tuy nhiên ông Bùi Quang Điệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình vẫn khẳng định với báo chí rằng, không có việc ô nhiễm môi trường đầu nguồn, việc nước sinh hoạt Hà Nội có mùi lạ không liên quan gì tới nguồn nước trên này. "Nguồn nước đầu vào nhà máy nước sông Đà không vấn đề gì".
Bọn họ cứ nói, cứ tránh né trách nhiệm và người dân Hà Nội cứ tiếp tục xếp hàng xin nước sạch từ sự hảo tâm của chính quyền. Những giọt nước quý giá khiến người dân bừng tỉnh về số phận của mình, họ như những công dân hạng hai chỉ được im lặng và chờ đợi. Công dân hạng nhất là những cán bộ cao cấp, những đại gia, những công thần của chế độ không cần phải xếp hàng vì nước sạch vẫn chảy về tận nhà của họ bằng cách nào đó chỉ có họ mới biết. Styren hay bất cứ loại hóa chất độc hại nào không thể xâm nhập vào nhà của họ được bởi họ được bảo vệ bởi lý lịch, bởi đồng tiền và bởi sự vô cảm chính trị của người dân.
Bài bình luận gần đây