You are here

Họp với cư dân 54, Công ty Rạng Đông trốn ký biên bản làm việc

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Sự kiện hy hữu

Ngày 11/10/2019, Ban quản trị chung cư 54 Hạ Đình đánh giấy mời Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Chủ tịch UB quận Thanh Xuân, Chủ tịch UB phường Hạ Đình, Chủ tịch UB phường Thanh Xuân Trung đến Nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư để bàn về giải quyết hậu quả vụ cháy nhà máy Rạng Đông (bồi thường thiệt hại cho dân)

Đây là một sự kiện hy hữu. Xưa nay, chỉ có chuyện chính quyền, công an mời hoặc triệu tập dân với tư thế bề trên. Nếu dân hoặc cấp dưới mời thì chỉ dám mời đến ăn cỗ, xuống dự họp để phát biểu chỉ đạo, khi về có phong bì. Nay mới thấy điều ngược lại.

Tuy nhiên, đây lại là việc làm hoàn toàn đúng, thể hiện trách nhiệm, quyền lợi và tư thế của người dân mà trước nay người dân không biết hoặc không dám sử dụng đến.

Cuộc họp diễn ra vào 9 giờ ngày 16/10/2019 tại nhà sinh hoạt cộng đồng tòa nhà A2. Tham gia họp, đại diện phía Công ty Rạng Đông có ông Trần Trung Tưởng Phó Tổng giám đốc và bà Nguyễn Hồng Yến, Chủ tịch công đoàn.

Về phía dân có đầy đủ Ban quản trị hai tòa nhà A1, A2, đại diện cư dân liền kề. Ngoài ra có khoảng 30 người dân tham gia.

Phóng viên Đài PT & TH Hà Nội, báo Vietnamnet... cũng có mặt để đưa tin.

Khách không mời có an ninh và cảnh sát.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh Tường Thụy

Bức xúc đến gay gắt của cư dân

Các ý kiến phát biểu nhận định rằng, vụ cháy nhà máy Rạng Đông là thảm họa môi trường và để lại hậu quả kéo dài. Ngoài sức khỏe bị ảnh hưởng còn làm đảo lộn sinh hoạt, làm việc. Những điều làm cho người dân bức xúc là phía Công ty đã lừa dối người dân, nói dối về thông tin nguyên liệu làm bóng đèn, cho rằng vụ cháy không gây độc hại, thông báo khuyến cáo của UB Phường Hạ Đình bị thu hồi gấp gây hoang mang cho dân... có thể gọi là khủng hoảng thông tin. Những động thái sau khi vụ cháy xảy ra cho thấy người dân bị chính quyền và công ty bỏ rơi.

Yêu cầu bồi thường bao gồm: Các chi phí đi sơ tán, thuê nhà, chi phí đi khám kiểm tra và thời gian nằm tại bệnh viện, thời gian phải nghỉ việc do cuộc sống đảo lộn, bồi thường về nhiễm độc... ngoài ra phải tính đến trách nhiệm về lâu dài.

Việc bồi thường không thể chỉ căn cứ vào hóa đơn, chứng từ vì lấy không dễ, mặt khác, không phải thiệt hại nào cũng có thể quy ra trên hóa đơn.

Nhiều người, ngoài yêu cầu chung, đều kể về hoàn cảnh cụ thể của mình. Có người phải đi thuê nhà 18 triệu đồng/tháng, có người trúng độc phải điều trị đến nay chưa thể xuất viện, có người phải cho các cháu tạm chuyển về quê để đi học, một số gia đình chưa chuyển về được.

Những ý kiến của cư dân rất nhiều, phân tích cặn kẽ và có dẫn ra các văn bản pháp luật liên quan đến việc bồi thường.

Một số yêu cầu trước mắt là Công ty phải ngừng ngay sản xuất, phải tẩy độc ngay trong khu chung cư, yêu cầu Công ty phải trả lời dân bằng văn bản trong vòng 5 - 7 ngày...

Tất cả các ý kiến đều thể hiện rất bức xúc, thậm chí gay gắt. Những mức yêu cầu bồi thường thiệt hại cụ thể cũng được đưa ra, ví dụ: Tiền khám chữa bệnh cho mỗi người 4 triệu đồng; thất thu do phải bỏ việc đi khám chữa bệnh 6 - 8 triệu đồng/người; tổn thất tinh thần 60 triệu đồng/người; bồi thường cho mỗi hộ 60 triệu đồng; bồi thường nhiễm độc thủy ngân 1 tỷ đ/ 0,1 mg thủy ngân/lít máu...

Công ty Rạng Đông lảng tránh

Rất tiếc, trước sự bức xúc của cư dân, ông Trần Trung Tường đại diện phía Công ty lại coi việc họ có mặt chỉ là để quan sát, ghi nhận với tinh thần “tình nghĩa xóm làng, tương thân tương ái”. Ông Tưởng không có một ý kiến gì về yêu cầu bồi thường của bà con mà chỉ hứa về báo cáo lại Ban quản trị Công ty chứ ông không có quyền hành gì. Yêu cầu trước mắt là tẩy độc cho chung cư cũng bị lảng tránh trả lời.

Việc đàm phán, thỏa thuận sẽ đi vào bế tắc khi ông nói việc này để các cơ quan chức năng của nhà nước, cơ quan điều tra xác định.

Tôi đặt câu hỏi: “Báo Nhà báo & Công luận vừa đăng bài phản ánh ý kiến của nhiều nhân viên công ty tố rằng không chỉ có vài chục cân thủy ngân như báo cáo mà thường có hàng tấn thủy ngân. Thông tin này quả là kinh hoàng. Vậy sự thực là như thế nào?. Ông  Trần Trung Tưởng né tránh: Việc này để cơ quan điều tra trả lời.

Sự lảng tránh của Công ty Rạng Đông cho thấy buổi làm việc không đi đến kết quả gì.

Đại diện Công ty Rạng Đông còn đẩy thêm sự bất bình của người dân lên cao khi ông từ chối ký vào biên bản.

Biên bản chỉ là văn bản ghi lại nội dung cuộc họp, thể hiện những gì diễn ra trong cuộc họp. Không dám hứa hẹn điều gì, đến biên bản cũng không dám ký vì sợ trách nhiệm. Nếu chỉ là đến để ghi nhận rồi về báo cáo thì cần gì đến Phó tổng giám đốc. Điều này làm người dân nghi ngờ thiện chí của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, điều đó là lẽ thường và cũng được thể hiện trong Bộ Luật dân sự. Ngoài ra, Công ty Rạng Đông được chi trả bảo hiểm thì phải chi trả cho dân (theo thông tin trên báo chí thì số tiền Công ty Rạng Đông được bảo hiểm trả vào khoảng 150 tỷ đồng). Với kiểu lảng tránh của Công ty Rạng Đông, chắc hẳn cuộc đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại của cư dân chung cư 54 Hạ Đình còn nhiều khó khăn và không tránh khỏi vấp phải kiểu cù nhầy của phía bên kia. Tuy nhiên, phía dân cũng nói rõ, nếu Công ty Rạng Đông không có thái độ nghiêm túc đối với dân thì phía cư dân sẽ có những động thái cần thiết để đáp trả.

Ngoài ra, với việc vắng mặt của chính quyền quận Thanh Xuân, phường Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung cho thấy chính quyền địa phương cũng không quan tâm gì đến việc đòi hỏi quyền lợi của nhân dân.

Phản ứng gay gắt khi đại diện Công ty không chịu ký vào biên bản làm việc. Ảnh Tường Thụy

 

16/10/2019