You are here

Không có hy vọng lắm!

Không có hy vọng lắm!
__________________
 
Trong bài "Có kinh tế thị trường là có tất cả" [1] vào ngày 3/5/2019, Nguyễn Ngọc Già đã viết: "Hãy để "kinh tế thị trường" dạy cho người CSVN một bài học, đến nỗi không còn gì có thể cứu vãn thể chế độc đảng toàn trị! Không lâu đâu!".
 
Người Cộng Sản nói chung và Cộng Sản Việt Nam (CSVN) nói riêng không bao giờ chịu nghe ý kiến khác biệt (dù không đả phá) mà họ luôn tin vào điều có sẵn trong đầu -  "hằng số tín điều". Một khi để "hằng số tín điều" dẫn dắt mọi hành động, nghĩa là tính chất phản khoa học được gọi tên. Bởi tư tưởng quan trọng nhất trong Triết Học là vận động. Khi đã phản khoa học, trước sau gì cũng lãnh hậu quả.
 
Không có cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (KTTTĐHXNCN)!
 
Hoa Kỳ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995. Gần 25 năm qua, với nền kinh tế phi thị trường (KTPTT), người CSVN vẫn mải miết với khái niệm không có thật mang tên KTTTĐHXHCN. Điều đáng kinh ngạc, họ đưa cả vào Hiến pháp - nơi vốn phải mang tính khoa học - mà lại không một chút hổ thẹn, từ những người làm ra và thông qua Hiến pháp, bởi toàn bộ họ là "dân có học"!
 
Bất kỳ một lý thuyết nào cũng phải được kiểm chứng bằng thực tế.
 
Người ta không thể nghiên cứu cái không có trong tự nhiên nói chung và trong xã hội loài người nói riêng. Hơn nữa, những gì thuộc về khoa học mà loài người vẫn còn hồ nghi thì không ai cấm cản người ta tiếp tục nghiên cứu, thậm chí quá trình nghiên cứu có thể là năm, ba thập kỷ. Tuy nhiên, khi còn trong vòng nghiên cứu, xin chớ đem áp dụng cho thực tiễn.
 
Nghịch lý lớn nhất là người CSVN cứ muốn Hoa Kỳ chấp nhận họ có nền kinh tế thị trường (KTTT) trong khi tại "Hiến pháp của họ", định nghĩa đó không hề tồn tại.
 
Lý do người CSVN muốn như vậy chỉ nhằm mục đích lợi dụng KTTT để hưởng lợi. Điều này không chỉ thể hiện tính phản khoa học, sự tham lam và vô trách nhiệm với tư thế một Nhà Nước mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho đến hiện nay không thể chối bỏ.
 
Hậu quả mà người Cộng Sản Trung Quốc đang phải trả giá
 
Người Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) với khái niệm "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc" nhằm  hỗ trợ việc tạo ra một nền KTTTXHCN được chi phối bởi các khu vực công. Khái niệm này được "đẻ đại ra" vào năm 1997. Quá nguy hiểm vì hai chữ "đặc sắc", bởi nếu ai đó dám "bắt bẻ" Tập Cận Bình rằng: Vậy ra, còn có loại "Chủ nghĩa xã hội không đặc sắc Trung Quốc" (?!), ắt hẳn một trại cải tạo nào đó sẽ "hân hoan" chào đón người đó ngay lập tức!
 
Năm 2001, CSTQ được kết nạp vào WTO. Thế giới đã từng đặt kỳ vọng vào họ một văn hóa kinh doanh văn minh và trách nhiệm hơn. Thật đáng tiếc, 18 năm qua, những gì mà người CSTQ mang lại chỉ toàn là những điều tồi tệ đến thê thảm, cho không chỉ người dân sở tại mà cho cả thế giới.
 
Sự kỳ vọng đã biến thành vô vọng. Tính kiên nhẫn nào rồi cũng đến lúc phải chấm dứt. Và cuộc thương chiến Hoa Kỳ - Trung Quốc bắt đầu từ 18 tháng trước là câu trả lời rõ ràng nhất.
 
Hứng chịu nhiều nhất không ai khác, đó chính là tầng lớp dân nghèo và trung lưu.
 
Ngày 24/9/2019, Vietnamnet cho hay ba người nội trợ giành nhau một miếng thịt heo [2].
 
Ngày 10/10/2019 VTC đưa tin "Bò dưới sàn nhà, chui qua cửa để tranh mua trứng hạ giá ở Trung Quốc" [3].
 
Miếng thịt heo và những quả trứng đã "hất sạch" những cốc trà sữa Trân Châu với giá 1,7 triệu đồng Việt Nam/cốc [4] nhằm để thể hiện lòng yêu nước nồng nàn và ủng hộ Chủ tịch Tập,  xảy ra trước đó không lâu, hôm 16/6/2019.
 
Khi lòng yêu nước phải đối diện với cái bụng đói meo, buộc người ta lột bỏ mặt nạ đạo đức giả. Đó là điều thuyết phục nhất.
 
Mục tiêu của KTTT là phục vụ con người, còn mục tiêu của KTPTT là lấy con người phục vụ kẻ cai trị. Dẫn chứng việc người dân Trung Quốc hứng chịu hậu quả thê thảm đến mất cả nhân cách vì thiếu ăn như trên, những tưởng không thể nào thuyết phục hơn.
 
Vì thế, giới quan sát thật khó tin một thành công mỹ mãn diễn ra về cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương chiến mới đây vào 12/10/2019, được nhiều trang báo trong, ngoài nước đưa tin với vẻ tương nhượng của đôi bên. Bởi phải xác định đây là cuộc chiến "Khoa Học" (tức là KTTT) chống lại "Phản Khoa Học" (tức là KTPTT).
 
Nói cách khác, cuộc thương chiến Hoa Kỳ - Trung Quốc, không phải chỉ là những lần đánh thuế, những mặt hàng Trung Quốc phải mua của Hoa Kỳ để xoa dịu Tổng Thống Trump mà trọng tâm cuộc chiến là sự can thiệp của nhà nước Trung Quốc vào kinh tế buộc phải hạn chế dần và đi tới mức thấp nhất, đó là đòi hỏi cao nhất và cốt lõi nhất của Hoa Kỳ. Điều này cũng đồng nghĩa KTPTT phải bị thu hẹp dần đến mức không còn gây ảnh hưởng và tác động vào giao thương của đôi bên. Khi điều này xảy ra, đồng nghĩa chủ nghĩa cộng sản đã bị xóa sổ.
 
Đôi bên Hoa Kỳ - Trung Quốc đều hiểu rõ vấn đề cốt lõi nêu trên. Do đó, nó trở thành cuộc chiến không khoan nhượng. Vì thế những thỏa thuận nếu có, chỉ mang tính tạm bợ.
 
Hậu quả mà người Cộng Sản Việt Nam sẽ phải trả giá
 
Người CSTQ được vào WTO 18 năm thì người CSVN cũng gần tròn 13 năm được kết nạp.
 
Bà Nguyễn Thị Thu Trang  - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI cho biết [5]: "Theo cam kết trong WTO, Việt Nam chỉ bị coi là nền KTPTT tới hết 31/12/2018". Điều này có nghĩa, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế v.v... sẽ buộc phải theo chuẩn của WTO áp dụng cho nền KTTT mà không còn bất kỳ một sự đối xử thiên vị nào nữa.
 
Thời điểm 31/12/2018 đã chấm hết. Kéo theo nó là những vụ kiện đã xảy ra mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa rành "trận mạc" cho lắm.
 
Một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản. Nhiều "ông vua thủy sản" đã lao đao [6]. Doanh nghiệp thủy sản tiếng tăm Minh Phú bị cáo buộc tránh thuế, còn Thủy Sản Hùng Vương kinh doanh bết bát và đang thoái vốn dần. Cả hai doanh nghiệp lớn này đều gặp phải khó khăn ngay trong tháng 6/2019.
 
Theo tiêu chuẩn đánh bắt hải sản quốc tế IUU, vào tháng 5/2018, Việt Nam đã bị gia hạn thẻ vàng thêm 6 tháng, sau khi EU tìm thấy một số thiếu sót trong việc thực hiện các khuyến nghị, trong đó có việc đánh bắt bất hợp pháp.
 
Từ tháng 11/2018 đến nay, ngư dân vẫn tiếp tục đánh bắt trái phép.
 
Theo VOA, ngày 10/6/2019, ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục phải đánh bắt bất hợp pháp ở những vùng biển của các quốc gia lân cận, bởi vì trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nguồn hải sản đã cạn kiệt.
 
Đài RFA cho hay [7], từ ngày 4 đến 12/11/2019, EU sẽ kiểm tra việc khắc phục thẻ vàng của Việt Nam.
 
Với tình hình đánh bắt bất hợp pháp vẫn không có dấu hiệu dừng lại, khả năng nhận thẻ đỏ rất cao. Trong khi, tháng 9/2019 Việt Nam tiếp tục thúc giục Nghị viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA, mặc dù trước đó, tháng 6/2019 đã được ký kết. Nếu tháng 11 chiếc thẻ đỏ được trao cho Việt Nam thì khả năng phê chuẩn EVFTA thật khó diễn ra.
 
Sau khi TPP bị Hoa Kỳ rút khỏi, EVFTA trở thành "phao cứu sinh" cho ĐCSVN. Với "văn hóa kinh doanh kiểu 12 con giáp" và đạo đức kinh doanh bị Tổng Thống Trump lên án thẳng thừng [8]: "Việt Nam lợi dụng chúng ta tệ hơn cả Trung Quốc", thật khó thể tin một "cơ đồ sáng lạn" cho nền KTTTĐHXHCN từ đây cho đến kỳ đại hội đảng lần thứ 13.
____________________
 
Nguyễn Ngọc Già