You are here

Thực hư xuất khẩu lao động và buôn người

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-04-22
Khung cửa hẹp của công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Mỹ có vẻ đã khép lại, qua vụ hai đại gia Nhà nước Interserco và Vinamotors bị kiện ở tòa án liên bang Hoa Kỳ về tội buôn người và vi phạm hợp đồng.

AFP photo
Một công nhân Việt Nam tại nhà máy sản xuất các linh kiện máy phát điện và tua-bin của GE tại khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng hôm 15/10/2010

Ai vi phạm hợp đồng?
Đại diện các công ty bị kiện phản bác rằng: “người lao động đã nói sai sự thật.” Những thông tin ban đầu từ báo chí Việt Nam nói gì về vụ việc này?
Thanh Niên Online ngày 16/4 trích báo Mỹ Houston Chronicle đưa tin: “Một nhóm lao động Việt Nam đã khởi kiện 2 công ty Việt Nam ra tòa án liên bang tại Texas, Mỹ và đòi bồi thường 100 triệu USD.  Interserco và Vinamotors, có trụ sở tại Hà Nội, bị kiện vì vi phạm các luật lệ về chống buôn người của Mỹ. 13 người đứng tên trong vụ kiện tố cáo rằng họ đã xem quảng cáo trên truyền hình VN về các việc làm được trả lương cao ở Mỹ, và mỗi người đã chi hàng ngàn USD để được sang làm thợ hàn  tại xưởng đóng tàu Houston Ship Channel ở bang Texas.
Theo đơn kiện, khi sang tới Mỹ, họ bị giam trong nhà bếp, bị hiếp đáp và phải sống trong các điều kiện tồi tệ. Các nguyên đơn nói họ bị sa thải sau 8 tháng dù hợp đồng lao động, được ký vào tháng 2/2009, có thời hạn 30 tháng.”
Trong cuộc phỏng vấn của Đài ACTD hôm 16/4, luật sư Tony Buzbee xác nhận đã đại diện công nhân nạp đơn khởi kiện tại tòa án liên bang thuộc khu vực Galveston để tố cáo những công ty này phạm luật cấm buôn người và vi phạm hợp đồng với công nhân. Luật sư Tony Buzbee cho biết đang xúc tiến thủ tục pháp lý để thông báo cho 2 công ty bị cáo biết là họ đang bị kiện và họ sẽ phải trả lời trước tòa. Luật sư Tony Buzbee tin tưởng có thể chứng minh trước tòa là Interserco và Vinamotors dính líu vào đường dây buôn người. Ông nói:

Tôi hy vọng là chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ giúp chúng tôi làm sáng tỏ vụ việc này cũng như để ngăn chặn tệ nạn buôn người và giúp đỡ những nạn nhân đang gặp khó khăn này.
LS Tony Buzbee

“Tôi hy vọng là chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam sẽ giúp chúng tôi làm sáng tỏ vụ việc này cũng như để ngăn chặn tệ nạn buôn người và giúp đỡ những nạn nhân đang gặp khó khăn này.” 
Theo nhận định ban đầu của LS Nguyễn Văn Hậu trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM, có lẽ đây là lần đầu tiên người đi lao động xuất khẩu kiện công ty đưa mình đi tại tòa án nước tiếp nhận lao động. LS Hậu nhấn mạnh:
“Tôi nghĩ rằng nếu họ chứng minh được việc buôn người thì những người vi phạm phải được xét xử theo luật pháp Việt Nam cũng như nước sở tại. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu có yếu tố hình sự thì họ sẽ bị xét xử theo qui định pháp luật không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước sở tại.”       
Báo Thanh Niên Online cũng có nhắc tới sự kiện, trước khi khởi kiện ở tòa án Liên bang, nhóm lao động xuất khẩu này đã được một tòa án ở Texas ra phán quyết buộc các công ty cung cấp lao động ở Mỹ là Coast To Coast và ILP phải bồi thường một số tiền rất lớn.
LS Trần Thị Minh Tâm, người trực tiếp giúp các công nhân Việt Nam đòi bồi thường trong vụ kiện ở  Quận Harris Tiểu bang Texas nói với Đài ACTD:
“Có 2 cái judgments. Sau khi chúng tôi đi ra mediation và tòa hòa giải, tức là the mediator, và có tất cả nhân chứng thì Án Lệnh được đưa ra. Đó là một Agreed Judgment, nên họ không chống án được. Công ty Coast To Coast bị phạt 10 triệu và công ty ILP bị phạt 50 triệu. Theo như lời luật sư của Coast To Coast thì một công ty không còn hoạt động, nhưng 2 công ty đó chỉ là môi giới mà thôi. Nhân vật chính trong vụ này là 2 công ty Interserco và Vinamotor. 
Hai ngày sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về vụ kiện vi phạm luật lệ buôn người tại Hoa Kỳ, ngày 18/4 Thanh Niên Online đã gặp gỡ với đại diện các công ty bị kiện ở Mỹ và được họ khẳng định: “Các lao động đã nói sai sự thật.” Đại diện công ty Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế Interserco và Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam Vinamotors khẳng định, thông tin các lao động khiếu kiện đều là bịa đặt và chính lao động mới là người đã vi phạm hợp đồng ký kết.
NLĐ có được cung cấp đủ thông tin?
Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất khẩu lao động thương mại và du lịch trực thuộc Vinamotors, nói trên Thanh Niên Online rằng, công nhân lưu trú trong khu gia cư đầy đủ tiện nghi, điều này được kiểm chứng bởi đoàn công tác của liên bộ Ngoại giao, Lao động Thương binh Xã hội trong chuyến viếng thăm Mỹ hồi tháng 5/2010.

Công nhân may gia công hàng xuất khẩu tại Công ty may 10. AFP photo

Về việc các lao động nói, họ bị sa thải sau 8 tháng làm việc, ông Dũng giải thích thủ tục I-129 của Bộ Lao động Mỹ chỉ có hiệu lực trong vòng 10 tháng sau đó phải xin gia hạn visa tiếp. Nếu không được gia hạn visa thì phải về nước, người lao động trước khi lên đường sang Mỹ đã được cung cấp thông tin chính xác về thời hạn làm việc thực tế và khả năng tiếp nhận “có thể được gia hạn giấy phép hoặc không”.
 
Theo Thanh Niên Online, khi hết hạn visa và không được gia hạn, công nhân được yêu cầu về nước vào thời điểm 1/3/2009, một số lao động đã về nước, nhưng một số khác đã tham gia kiện cáo công ty sử dụng lao động. Tờ báo cho biết, tổng số thời gian làm việc tại Mỹ của nhóm lao động xuất khẩu, người ít nhất 9 tháng, người nhiều nhất 14 tháng.
Tổng thu nhập của các lao động từ 12.000 USD tới 30.000 USD. Tuy vậy thông tin từ phía các đại diện Vinamotors và Interserco không đề cập tới sự kiện công nhân Việt Nam nói là bị khấu trừ tiền lương tới 2.000 USD mỗi tháng cho các chi phi về chỗ ở, dụng cụ làm việc và tiền xe chở tới nơi làm việc.    
Trả lời Nam Nguyên, Luật sư Trần Vũ Hải hiện sống và làm việc tại Hà Nội nhận định, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cần phải làm việc bài bản hơn và chuyên nghiệp hơn. Theo ông, mục tiêu của Việt Nam không phải chỉ đạt tới mức vài trăm ngàn lao động xuất khẩu mỗi năm mà phải là hàng triệu người. LS Trần Vũ Hải nhấn mạnh:

Lao động xuất khẩu phải được giáo dục về luật pháp văn hóa của nước đến làm việc, đặc biệt phải làm rõ cam kết của người sử dụng lao động cũng như điều kiện mà người lao động phải tuân thủ.”  
LS Trần Vũ Hải

“Cục lao động ngoài nước cần hợp tác với các chuyên gia lao động, luật sư quốc tế, nhất là khi nhà nước Việt Nam được coi là Nhà nước của giai cấp công nhân và nông dân tức là khuynh hướng bảo vệ người lao động nhiều hơn so với giới chủ. Lao động xuất khẩu phải được giáo dục về luật pháp văn hóa của nước đến làm việc, đặc biệt phải làm rõ cam kết của người sử dụng lao động cũng như điều kiện mà người lao động phải tuân thủ.”  
Các thông tin từ báo chí Việt Nam không nêu rõ có bao nhiêu công nhân do Vinamotors và Interserco đưa đi lao động ở Mỹ cũng như số người đã về nước. Theo luật sư Tony Buzzbee nói với đài chúng tôi thì khoảng 50 người đã đến Mỹ, số người đứng tên kiện lên tòa án liên bang là 13.
Yếu tố tội phạm buôn người, ngược đãi công nhân là đề tài được dư luận thế giới chú ý đặc biệt. Các chuyên gia nhận định rằng bên nguyên đơn đã tạo được sự ủng hộ rộng rãi của công luận. Ít nhất trong giai đoạn hiện nay, những người thợ hàn đến từ Việt Nam sẽ được bảo vệ không lo sợ bị bắt bị trục xuất như đe dọa của các công ty xuất khẩu lao động từ quê nhà.
Dư luận chưa quên sự kiện 2005 ở đảo Samoa thuộc Mỹ, một chủ nhân người Hàn Quốc bị kết án 40 năm tù vì tội ngược đãi hơn 200 công nhân xuất khẩu lao động từ Việt Nam và Trung Quốc. Sau phiên tòa, một số lớn công nhân đã được cấp visa làm việc dài hạn ở Hoa Kỳ, trở thành thường trú nhân và được bảo lãnh thân nhân sang đoàn tụ ở Hoa Kỳ.
Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/react-on-human-trafficking-nn-042...