You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Ếch & Bò

Ảnh của tuongnangtien

Trung Quốc đã làm rất tốt về việc xây dựng mạng xã hội của riêng họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xây dựng mạng xã hội của mình.

T.T Nguyễn Xuân Phúc

La grenouille qui veut se faire aussi grosse que le boeuf.

Jean De La Fontaine

Trong lịch sử loài người, dường như, không xứ sở nào lại có một tầng lớp lãnh đạo “sính” chuyện viết lách như ở VN:

  • TBT Trường Chinh, làm thơ với bút hiệu Sóng Hồng.
  • TBT Nguyễn Văn Linh, viết báo với tên NVL.
  • TBT Nông Đức Mạnh, người suốt đời chỉ quan tâm đến lâm nghiệp và nông nghiệp (trồng cây gì? nuôi con gì?) cũng vừa làm công luận vô cùng kinh ngạc về bộ Tuyển Tập dầy cộm của ông, do nhà xuất bản Sự Thực xuất bản năm 2018.

Nói chung thì tất cả các đồng chí lãnh đạo đều có tác phẩm để đời ráo trọi:

Riêng Chủ Tịch Đầu Tiên của nước VNDCCH, kiêm Chủ Tịch Đảng, đã để lại cho hậu thế Hồ Chí Minh Toàn Tập (trọn bộ) tới 15 cuốn lận. Người còn làm thơ (tiếng Tầu) viết kịch (tiếng Tây) và đặc biệt nổi bật trong thể loại tự truyện – autobiography – với những bút danh xa lạ: Trần Dân Tiên hoặc Th. Lan. Ngay  cho đến nay, bài viết (“Địa Chủ Ác Ghê”) của Bác – xuất bản năm 1953, với bút hiệu CB – vẫn còn được dư luận rất quan tâm và vô cùng … ái ngại!

T. S Mạc Văn Trang nhận xét: “Cái này là mốt của những nhà cộng sản, bất kỳ ai làm Tổng Bí thư đều có sách, từ xưa đến giờ: ông Lê Duẩn có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách.”

Đến như cỡ ông Đỗ Mười mà “cũng rất nhiều sách” thì đủ biết là giới lãnh đạo CSVN thích “trước tác” đến cỡ nào. Có điều ít ai để ý là ngoài việc chăm chỉ viết lách, họ còn vô cùng nhiệt tình … đốt sách nữa cơ. Họ đốt từ Hà Nội đến Sài Gòn. Một người dân ở lại miền Bắc sau năm 1954, ông Tự Do, cho biết:

“Tôi phải học năm cuối cùng, tú tài 2, cùng một số ‘lớp chín hậu phương,’ năm sau sẽ sát nhập thành ‘hệ mười năm.’ Số học sinh ‘lớp chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức hiệu đoàn,’ nhận ‘chỉ thị của thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch!’ Họ truy lùng…đốt sách!

Hai mươi mốt năm sau, tình trạng này lại tái diễn:

  • Trần Bích San: “Sau khi dùng bạo lực cưỡng chiếm miền Nam, Cộng Sản thực hiện cấp thời, qui mô chính sách tieu diệt toàn bộ văn hóa phẩm Việt Nam Cộng Hoà. Khoảng hơn 180,000,000 quyển sách đủ loại bị tịch thu, thiêu hủy.” (Trần Bích San. Văn Học Việt Nam. New Orleans, LA: Cảo Thơm, 2018).
  • T. Vấn: “Đó là những ngày tháng tủi hổ nhất cho lịch sử Việt nam, khi hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh của bên thua trận bị chính quyền mới ra lệnh vào tận những nhà sách, nhà xuất bản, cả những kệ sách tư nhân, tịch thu tòan bộ sách báo, ấn phẩm, tất cả những gì được in ấn, phát hành ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975 đem ra đốt.”
  • Nguyễn Ngọc Chính: “Không có con số thống kê chính thức nhưng người ta ước đoán có đến vài trăm ngàn sách báo và băng, đĩa nhạc bị thiêu đốt trong chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy-phản động tại Sài Gòn. Sách báo trên kệ sách trong nhà của tư nhân bị các thanh niên đeo băng đỏ lôi ra hỏa thiêu không thương tiếc.”

Thời gian, may thay, không đứng về phe những kẻ phần thư. Những tác phẩm bị thiêu hủy đều có thể được tái tạo, dưới hình thức khác (gọn gàng, nhẹ nhàng, và dễ tiếp cận hơn nhiều) trong thời đại mới. Internet là một phát kiến ngoài dự đoán của Geroge Orwell nên nhà tiên tri của thế kỷ XX đã bị thời đại vượt qua. Trong tác phẩm Nineteen Eighty-Four (1984) ông viết: “Who controls the past controls the future: who controls the present controls the past. Ai kiểm soát được hiện tại, kiểm soát được quá khứ. Ai kiểm soát được quá khứ, kiểm soát được tương lai.”

Những phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay khiến cho chế độ toàn trị mất ráo mọi thứ quyền “kiểm soát.” Hơn chục năm trước, báo Công An Nhân Dân (số ra ngày 05/10/2007) đã than thở rằng “blog như là một thứ hệ lụy và quản lý blog là … chuyện buộc cẳng chim trời.” Đến nay thì tình hình đã có phần (hơi) đổi khác: buộc chỉ chân voi. Vậy thì đành phải theo thời thôi!

Thế là Đảng và Nhà Nước CSVN cho ra đời hằng trăm trang mạng. Tất cả đều tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa – theo nhận định của Vnexpress, đọc được vào hôm 18/09/2019: “Rất ít mạng xã hội của Việt Nam tồn tại được quá một năm. 9 năm trước, mạng xã hội Go.vn ra đời kèm theo tuyên bố chắc nịch từ lãnh đạo của dự án này là: Soán ngôi Facebook sau 6 tháng với 5 triệu người dùng. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu chiếm 40–50% lưu lượng truy cập mạng xã hội tại Việt Nam vào năm 2015. Nhưng rồi dự án mau chóng thất bại, chuyển thành một trang tin tức tổng hợp. Tương tự Go.vn, còn nhiều cái tên mạng xã hội cũng ra mắt đình đám nhưng sớm ‘chết yểu’ như Zingme, Tamtay.vn, Yume.vn...”

Tất cả mọi người đầu biết những sự kiện này, trừ mỗi ông tân Bộ Trưởng (TT & TT) Nguyễn Mạnh Hùng. Tại lễ ra mắt mạng xã hội Lotus, nhân vật này tuyên bố rằng: “Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm.” Nói vậy (chắc) chưa đã miệng nên đương sự còn thêm: “Thành công của Lotus sẽ góp phần để đến 2020, người dùng các mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương người Việt Nam dùng các mạng của nước ngoài.”

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám Đốc Công Ty Cổ Phần VCCorp (đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus) cũng hùng hổ, và hùng hồn, không kém: “Kỳ vọng sẽ đạt mốc 4 triệu người dùng mỗi ngày, sau đó sẽ tăng lên 20 triệu, thậm chí 50 triệu người dùng.”

Hai ông Trời con này khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ ngụ ngôn của Thái Bá Tân:

Con Ếch ngu ngốc ấy/Nổ đánh bùm thật to/Thế là hết con Ếch/Muốn to bằng con Bò.

Còn công luận thì nhận xét ra sao?

  • TS Nguyễn Đức An: Trên thực tế, họ ra mắt rầm rộ nhưng có lẽ là hơi vội vì hiện vẫn chưa có giao diện trên web, chỉ là một ứng dụng trên thiết bị di động … nội dung thì có vẻ rất nhiều thứ vô thưởng vô phạt, với lượng tin bài gái xinh-trai đẹp và những chuyện cướp-giết -hiếp chiếm tỉ trọng lớn.
  • Chuyên gia Lê Ngọc Sơn (Đại Học Công Nghệ Ilmenau): Họ nói là mạng xã hội dựa trên nội dung, nhưng nội dung kiểu gì mà khi vào thì toàn nội dung rẻ tiền.
  • L.S Nguyễn Văn Đài: Mạng xã hội Việt chỉ lãng phí tiền và người.
  • Báo Lao Động: Mạng xã hội 1.200 tỉ: Chỉ toàn hot girl vậy sao?
  • BBC: Phát triển mạng xã hội của Việt Nam có đang đi sai hướng?

Câu trả lời xin được nhường cho một nhân vật có thẩm quyền, ông Trần Anh Dũng – CEO & Founder của công ty cổ phần MOG: “Việc phát triển một sản phẩm công nghệ là luôn đổi mới, không dừng lại nên nếu số vốn đầu tư không đủ lớn, mô hình không đủ tốt thì sẽ ‘đốt’ tiền rất nhanh. Và khi đó, trào lưu phát triển mạng xã hội sẽ lại gặp thực trạng như vài năm trước là chết như ngả rạ.” 

Hai cựu bộ trưởng TT& TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (trái) khai nhận tổng cộng là 3,2 triệu đôla hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ. Ảnh chú thích: BBC

Cái gì chứ “đốt tiền” thì giới quan chức Việt Nam đều có năng khiếu cả. Hai vị bộ trưởng tiền nhiệmđã thể hiện khả năng thiên phú của họ một cách vô cùng ngoạn mục. Nay thì đến lượt ông Nguyễn Mạnh Hùng. Tiền đến tay ai thì người ấy cất thôi. Good luck, sir!