You are here

Việt Nam từ Đổi Mới (1986) tới trước Cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung (6/2018) (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …    

     II/ Cái giá của việc tìm kiếm và duy trì đồng minh ý thức hệ: từ phụ thuộc dẫn tới lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc

     Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Việt Nam đã tìm kiếm đồng minh với kẻ thù là Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc đã phát triển chiến lược Bốn Hiện Đại Hóa được một thời gian. Cùng là đồng minh ý thức hệ, cùng một cấu trúc toàn trị dùng để thống trị nhân dân, và nhất là cùng mở cửa về kinh tế trong khi vẫn duy trì độc quyền lãnh đạo nên Việt Nam muốn đi theo mô hình và dựa vào Trung Quốc để kiểm soát nhân dân và duy trì độc quyền lãnh đạo. Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, Việt Nam tuy là đồng minh ý thức hệ, nhận được sự giúp đỡ to lớn của Trung Quốc nhưng sẵn sàng trở mặt khi có những bất đồng hoặc những biến cố xảy ra. Chính vì vậy, Trung Quốc đã có một chiến lược dành cho quan hệ với Việt Nam. Một trong những biểu hiện của việc này, đó là dư luận về những thỏa thuận bí mật ở Hội nghị Thành Đô tháng 9/1990, tức là Việt Nam chấp nhận trở thành khu vực tự trị của Trung Quốc giống như Tây Tạng, Tân Cương… đây là vấn đề phức tạp, về mặt chứng cứ trực tiếp hoàn toàn không ai tiếp cận được, nhưng những diễn biến trong quan hệ hai nước, sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc theo thời gian, rất nhiều người tin rằng dư luận này là có thực.

     Trong mối quan hệ với Trung Quốc, để được là đồng minh ý thức hệ, và có chỗ dựa để kiểm soát nhân dân, duy trì độc tài toàn trị cộng sản, đảng cộng sản Việt nam đã làm mất rất nhiều đất đai, lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc. Đồng thời, liên tục chịu sự o ép, uy hiếp cũng như phải ký những hiệp định (mà người dân hoàn toàn không mong muốn, thậm chí phản đối) trong vị thế nước yếu. Tổng hợp sự phụ thuộc tới mức lệ thuộc của Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Quốc gần 30 năm qua, như sau.

     - Trước hết, một phần lãnh thổ và phần lớn lãnh hải của Việt nam đã rơi vào tay Trung Quốc. Năm 1999, hai nước Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định biên giới Việt - Trung và theo tính toán của một số người, Việt Nam đã mất khoảng 720km2 - 900 km2 dọc theo biên giới hai nước. Khi so sánh diện tích của Việt Nam chiếu theo Hiệp định biên giới Pháp - Thanh (còn gọi là Công Ước Pháp - Thanh 1887) với Hiệp định Biên giới Việt - Trung ngày nay, thì diện tích Việt Nam bị mất đi theo con số nói trên. Tuy nhiên, đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam luôn tuyên truyền rằng, sự tranh chấp đất đai của Việt nam và Trung Quốc chỉ vẻn vẹn 227 km2 và phân chia Trung Quốc 114 km2 và Việt Nam là 113 km2. Nhà cầm quyền Việt Nam đã không tính phần đất giáp biên giới của Việt Nam sử dụng làm An toàn khu cho lãnh đạo trong chiến tranh và nói là đất của Trung Quốc để đối phương không tấn công. Đến Hiệp định Vịnh Bắc Bộ phân chia lãnh hải, theo Công Ước Pháp - Thanh 1887, Việt Nam được 62% diện tích phía Đông Vịnh Bắc bộ, Trung Quốc được 38% thì đến Hiệp định mới này (ký năm 2000), Việt Nam chỉ còn 53% và Trung Quốc là 47%. Như vậy là Việt Nam đã mất đi hàng chục ngàn km vuông diện tích trên biển.

     - Từ phụ thuộc đến lệ thuộc về kinh tế. Do đặc điểm hai nước có chung biên giới trên bộ, nên hàng hóa thông thương giữa hai nước rất thuận tiện. Việc làm ăn giữa người dân hai nước cũng phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, trong các chính sách về kinh tế đối với Việt Nam, Trung Quốc đã thực hiện các chính sách phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách có hệ thống. Đó là việc hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam (có nguồn tin nói) được trợ giá để bóp chết sản xuất trong nước của Việt Nam. Đã có nhiều hàng hóa của Trung Quốc bán ở Việt Nam với giá cả không tưởng (thấp phi lý) và nhiều người còn nói cùng hàng hóa đó giá ở Trung Quốc cao hơn ở Việt Nam. Mặt khác, với việc đặt mua các sản phẩm kỳ lạ, phá hoại cây trồng, vật nuôi và mùa màng của Việt Nam cũng như việc thu mua sản phẩm với giá cao một thời gian, tạo sự khan hiểm hàng hóa, rồi tung sản phẩm thu gom và cuối cùng bỏ chạy làm người dân nhiều địa phương điêu đứng. Tuy nhiên, sự lệ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc lại ở khía cạnh khác. Sau một thời gian bị Trung Quốc sử dụng chính sách phá hoại nền kinh tế, cùng với việc thiếu hiệu quả do bản chất nền kinh tế nửa thị trường nửa maphia, năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam vô cùng yếu kém. Nhưng Việt Nam lại in tiền theo yêu cầu chính trị, gấp nhiều lần so với lượng hàng hóa mà nền kinh tế có thể sản xuất ra. Nếu chỉ có lượng hàng hóa của Việt Nam, cùng với lượng hàng hóa nhập khẩu thông thường như các nước, thì Việt Nam đã bị siêu lạm phát từ rất lâu và rất nhiều lần. Nhưng Việt Nam giáp Trung Quốc, một lượng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đổ vào đã trung hòa lượng tiền khổng lồ mà Việt Nam in ra. Chính vì vậy, mặc dù lạm phát năm nào cũng ở mức cao (20-50%) nhưng Việt Nam vẫn tránh được siêu lạm phát. Ngoài ra, các nguồn nguyên vật liệu, máy móc cho sản xuất ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc rất lớn. Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam hiện nay lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.

     - Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng tăng theo thời gian. Trung Quốc đã gây áp lực và o ép Việt Nam tới mức người dân căm phẫn. Việc bắn giết ngư dân trên vùng biển Việt Nam, cấm đánh bắt cá theo mùa trong vùng biển Việt Nam; đầu tư vào những vị trí trọng yếu về chiến lược, những vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng; đầu tư gây ô nhiễm môi trường… tới việc âm mưu thuê đất đặc khu 99 năm gặp phải sự phản đối mãnh liệt bằng cuộc Tổng biểu tình 10/6/2018. Tuy nhiên, những sự o ép và sách nhiễu của Trung Quốc nêu trên vẫn chưa gây lo ngại bằng những việc, những hiệp định kỳ lạ mà Việt Nam ký kết với Trung Quốc thời gian những năm 2015-2018. Đầu tiên là Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ ở bảy tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Tiếp đến là Tour du lịch (0 đồng) mở cửa biên giới cho xe ô tô du lịch Trung Quốc và Việt Nam có thể tự lái vào qua biên giới của nhau. Đáng lo ngại nhất, đó là hiệp ước dẫn độ giữa hai nước. Năm 2015, Hiệp ước dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết có nội dung kỳ lạ, đối tượng nước này phạm tội trên địa bàn nước kia, nhưng lại dẫn độ về nước người phạm tội có quốc tịch để xét xử. Điều này đi ngược thông lệ tư pháp quốc tế, đối tượng phạm pháp ở đâu thì xử ở đó, bất kể quốc tịch nào. Những hiệp định, hiệp ước, thông tư nêu trên đã làm cho người dân vô cùng hoang mang. Đó phải chăng là những bước đi đầu tiên, thí điểm cho việc sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc như dư luận vẫn nghi ngờ?...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/9/2019

N.V.B