You are here

Việt Nam từ Đổi Mới (1986) tới trước Cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung (6/2018)

Ảnh của nguyenvubinh

     I/ Từ mong muốn đổi mới thực sự về kinh tế chuyển thành việc duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam

     Sự phá sản của nền kinh tế kế hoạch đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Việt Nam đã bắt buộc phải thực hiện đổi mới nền kinh tế, cũng là lúc Liên Xô tiến hành công cuộc Cải tổ. Việc thay đổi cơ chế kinh tế bắt nguồn từ những khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế chứ không đơn thuần là việc bắt trước Liên Xô. Đảng cộng sản Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới một cách có ý thức và tiến hành khá bài bản. Một tiểu ban soạn thảo văn kiện trình Đại hội được ưu tiên cả trong nghiên cứu thực tế, cũng như học tập mô hình cải tổ của Liên Xô.

     Văn kiện Đại hội Đảng VI (năm 1986), nhất là nội dung nói về kinh tế thị trường cũng như chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường được trình bày khoa học, sát thực tế và khá mẫu mực cho những nghiên cứu và lý thuyết về kinh tế thị trường sau này. Điều này phản ánh những mong muốn thay đổi thực sự của Đảng cộng sản đối với cơ chế quản lý kinh tế. Mặc dù vậy, những ý tưởng về việc mở rộng, nới lỏng về chính trị đều bị trừng trị và loại bỏ ngay như trường hợp ủy viên bộ Chính trị Trần Xuân Bách. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên còn lại như Trường Chinh, Lê Đức Thọ và Phạm Văn Đồng đã lui về làm cố vấn cho thế hệ lãnh đạo thứ hai, điển hình là Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Lê Đức Anh.

     Khí thế hồ hởi của công cuộc Đổi Mới đã truyền sinh lực cho người dân cũng như các tầng lớp lãnh đạo. Nền kinh tế đã bật tăng, từ chỗ thiếu đói đến việc sản xuất lúa gạo xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới. Các ngành nghề, lĩnh vực được cởi trói đều có bước phát triển ngoạn mục. Cũng cần nói thêm rằng, khi công cuộc đổi mới bắt đầu đi vào cuộc sống, tinh thần “điều gì không cấm thì người dân được làm” cũng như việc hệ thống quản lý chưa kịp xây dựng các văn bản dưới luật, hay còn gọi là văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một không gian hoạt động tương đối cởi mở cho nền kinh tế. Kết quả đã tạo ra sự phát triển đáng mong đợi trong một thời gian.

     Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, văn học nghệ thuật được cởi trói đã tạo ra những tác phẩm, tác giả tầm cỡ cũng như một trào lưu phản ánh và phê phán xã hội thật sôi động. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ, những tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, những tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trần Văn Thủy… vv… đã đem lại xung lực mới cho toàn xã hội.

     Tuy nhiên, sự sụp đổ của Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã tác động mạnh tới đội ngũ lãnh đạo đảng cộng sản. Việt Nam chỉ có đồng minh là Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu, nay các nước đều thay đổi chế độ và Việt Nam đã không còn đồng minh ý thức hệ. Trong lịch sử đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam, việc phải dựa dẫm và phụ thuộc vào một đồng minh, quan thầy là truyền thống. Mặt khác, với một chế độ độc tài toàn trị, và không có ý định thay đổi độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, việc tìm kiếm đồng minh làm chỗ dựa duy trì chế độ tất yếu dẫn tới việc Việt Nam phải tìm tới Trung Quốc. Đây chính là khởi nguồn và nguyên nhân cho những sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc sau này.

     Trung Quốc ngay từ năm 1977, sau khi Đặng Tiểu Bình ổn định được tình hình, xác lập vị thế lãnh đạo đã thực hiện chuyển đổi, từ “Chú trọng chính trị sang chú trọng kinh tế” với chiến lược Bốn Hiện Đại Hóa. Thực chất là mở cửa về kinh tế, phát triển kinh tế trong khi vẫn giữ độc quyền duy trì lãnh đạo của đảng cộng sản. Khi Việt Nam chấp nhận những thua thiệt, xin được trở lại làm đồng minh với Trung Quốc, họ thấy ngay mô hình cần học tập trong việc phát triển kinh tế nhưng vẫn duy trì sự độc tài toàn trị. Như vậy, việc sụp đổ chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu làm cho Việt Nam mất đồng minh cũng như sự hỗ trợ về kinh tế đã làm cho Việt Nam quay lại đồng minh với kẻ thù, và quan trọng hơn, biến những mong muốn đổi mới thực sự về kinh tế thành thủ thuật để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản.

     Việc sử dụng công cuộc Đổi Mới cởi trói nền kinh tế, chế độ cộng sản Việt Nam đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ. Nhưng sau đó nhà cầm quyền Việt Nam đã không thực hiện đến cùng công cuộc đổi mới (về kinh tế). Họ đã sử dụng việc đổi mới nửa vời để duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản, điều này thể hiện trên các phương diện  như sau.

     - Về kinh tế, nếu là đổi mới, thay đổi thực sự, Việt Nam đã phải tôn trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã bị bác bỏ, trong đó quan trọng nhất là sở hữu tư nhân về đất đai. Ở Việt Nam, đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Điều này đã làm cho tư liệu sản xuất quan trọng nhất không được thị trường quyết định, thị trường đất đai không được vận hành đúng quy luật đã bóp méo toàn bộ nền kinh tế, và gây biết bao hệ lụy cho xã hội (tình trạng cướp đất tạo ra hàng triệu dân oan cả nước). Nguyên lý thị trường quyết định giá cả hàng hóa cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Những hàng hóa cơ bản như điện, nước, xăng dầu thậm chí giá vàng, đô la cũng bị nhà nước chi phối về giá cả. Đương nhiên những vi phạm này cũng làm biến dạng các quan hệ cung cầu của tất cả các hàng hóa khác. Một nguyên lý về khối lượng tiền tệ lưu thông tương ứng với khối lượng hàng hóa và tổng giá trị ngoại tệ cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Việt Nam đã thực hiện in tiền không có giới hạn, hoàn toàn không tương ứng (vượt quá gấp nhiều lần) lượng hàng hóa mà nền kinh tế sản xuất ra dẫn tới tình trạng lạm phát hàng năm rất cao, giá trị đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng…

     Đối với cấu trúc nền kinh tế, việc định hướng Xã hội Chủ nghĩa thể hiện trong tỷ trọng doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên chiếm 70% lượng vốn, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế là một cấu trúc đi ngược với các nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm một tỷ trọng cực nhỏ trong tất cả các nền kinh tế thị trường bởi sự thiếu hiệu quả so với các doanh nghiệp tư nhân. Hệ quả là toàn bộ khu vực kinh tế nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam tính đến cuối năm 2018 đã có tổng số nợ lên tới 431 tỷ đô la, chiếm hơn 2/3 tổng số nợ của Việt Nam… ngoài ra, Việt Nam còn rất nhiều những khía cạnh vi phạm nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

     - Về chính trị, việc giữ nguyên độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản và thắt chặt về chính trị (kiểm duyệt báo chí, không cho lập hội nhóm ngoài nhà nước…) là nguyên tắc xuyên suốt của đảng cộng sản từ khi mở cửa nền kinh tế tới trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Giai đoạn đầu của công cuộc Đổi Mới, vấn đề truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật tương đối được tự do. Tuy nhiên, khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, những cởi mở đó cũng biến mất. Tất cả những tiếng nói cởi mở, những ý tưởng cấp tiến trong hệ thống đảng và nhà nước vừa cất lên đã bị trừng phạt ngay lập tức. Việc đàn áp những tiếng nói phản biện, và sau này là những người đấu tranh cho tự do, dân chủ luôn được đặt lên hàng đầu, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Song song với việc thắt chặt về chính trị, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng giữ nguyên cấu trúc toàn trị được xây dựng từ trước đổi mới. Hệ thống tuyên truyền, hệ thống an ninh mật vụ, hệ thống các đoàn thể hầu như không có gì thay đổi. Chế độ cộng sản giữ nguyên cấu trúc này một mặt để có một lượng người khổng lồ phụ thuộc vào hệ thống, mặt khác tạo ra áp lực, sức ép đối với những người đấu tranh cho tự do, dân chủ. Vấn đề giáo dục vẫn chủ trương và thực hiện chính trị hóa, đưa các nội dung tuyên truyền và loại bỏ tự do học thuật trong các ngành khoa học xã hội. Toàn bộ các biện pháp này đã giúp duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian khá dài…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 25/9/2019

N.V.B