NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Liên minh với Trung Cộng và hệ lụy
Đảng Cộng sản Việt Nam đang lâm vào tình trạng 'ma đưa lối quỷ đưa đường'
Trước sức ép ngày càng ngông cuồng và trắng trợn của TC (Trung Cộng) đe dọa chủ quyền Việt Nam (VN), nhà cầm quyền VN bây giờ không còn chỗ lùi nữa. Họ cần dứt khoát, cương quyết và cứng rắn hơn, đồng thời phải rạch ròi trong mối quan hệ với TC. Đó là mối quan hệ vốn không dựa trên nền tảng vững chắc nào. Nó nhập nhằng giữa tình đồng chí, đồng ý thức hệ, tình anh em láng giềng mà chữ tình nào cũng chỉ là vờ vịt để lợi dụng lẫn nhau. Những thứ đó chỉ là lớp sơn cho ra vẻ bên ngoài mà cả hai phía đều tự biết. Về thực chất, nó là quan hệ thôn tính của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, quan hệ hàm ơn và chịu ơn, quan hệ của một bên đầy tham vọng còn một bên thì cố trông chờ vào “thiện chí” hoặc ít ra thì cũng trông chờ vào sự có giới hạn về tham vọng của bên kia.
Kể từ khi VN bước vào thời kỳ độc lập tự chủ năm 939, quan hệ VN - Trung Quốc (TQ) luôn luôn là quan hệ không bao giờ hữu nghị mà cao điểm là những cuộc chiến tranh xâm lược và đi liền là những cuộc kháng chiến chống xâm lược. Kết thúc của các cuộc chiến tranh ấy là cha ông ta đã chiến thắng và giữ vững bờ cõi. Cho đến giai đoạn cộng sản thì mối quan hệ này phức tạp hơn nhiều. Nó không đơn thuần và rạch ròi bởi khái niệm xâm lược và bị xâm lược nữa và xen vào đấy là một thứ chủ nghĩa quốc tế vô sản mơ hồ và dẫn đến sự nhập nhằng như vừa nhắc trên đây.
Trong các quốc gia cộng sản thì TC là bẩn thỉu nhất, ghê tởm nhất nhưng quan hệ với VN lại sâu sắc nhất. Nó sâu sắc nhất so với các mối quan hệ của TC với các nước cộng sản khác và với 13 nước láng giềng khác của TQ. Đây là mối quan hệ bất bình đẳng, chỉ trừ thời kỳ Lê Duẩn dám hiên ngang chống TC và xác định dứt khoát Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất.
Cũng chính thời kỳ cộng sản, nước ta bắt đầu mất dần lãnh thổ và biển đảo: Mất những điểm cao và đất liền vùng biên, mất quần đảo đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa, một phần Vịnh Bắc Bộ. Số phận của những hòn đảo ở Trường Sa do bộ đội VN đang canh giữ cũng rất mong manh, luôn bị TC đe dọa sẽ đánh chiếm bất cứ lúc nào nếu VN không “biết điều”. Còn bây giờ, nguy cơ trước mắt là Bãi Tư Chính.
Trong quan hệ với TC, nhân dân VN không hề được lợi mà chỉ có thiệt hại. Đảng CSVN sinh ra trên đất TQ, được TC đào tạo giúp cán bộ, truyền bá kinh nghiệm và nuôi dưỡng. Có thể nói, nếu không có đảng CSTQ thì sẽ không có đảng CSVN. Vì vậy, họ chịu ảnh hưởng của đảng CSTQ rất sâu sắc. Trong quan hệ, ĐCSVN tự nhận là em và tôn TC làm anh.
Nếu có ân nghĩa thì chỉ có đảng CSVN chịu ơn TC chứ nhân dân VN thì không. Vì sao vậy? Nếu không có sự giúp đỡ của TC thì đảng CSVN không thể tiến hành hai cuộc chiến tranh: chiến tranh chống Pháp và chiến tranh Nam - Bắc. Không có TC, cũng sẽ không có cuộc cải cách ruộng đất đau lòng ở VN... Điều bao trùm nhất là nếu không có TC thì sẽ không có chủ nghĩa cộng sản ở VN và đất nước ta giờ đây đã khác, không còn lẹt đẹt ở vũng trũng trong khu vực và thế giới.
Những lợi ích mà ĐCSVN có được từ sự giúp đỡ của TC chỉ là những lợi ích hẹp hòi của một nhóm người trong đảng CSVN. Nó không phải là lợi ích của nhân dân VN. Đó là quyền thống trị và những lợi ích được sinh ra từ đấy.
Nếu không có quan hệ sâu nặng với TC, TC không dễ gì bắt nạt được VN. Không phải bây giờ, VN mới “dọn nhà” đến làm láng giềng của TQ, không chỉ VN mới là làng giềng của TQ, không chỉ VN mới là nước nhỏ so với TQ và không phải quốc gia láng giềng nào cũng để TQ bắt nạt.
Tất cả luận điệu rằng VN là nước nhỏ, không ai chọn được láng giềng, rằng TQ nó mạnh lắm chống nó sao được... đều chỉ là ngụy biện. Cay đắng hơn, tôi từng nghe những luận điệu cho rằng lên tiếng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc là kích động chiến tranh hoặc sự nhân nhượng về chủ quyền của Tổ quốc là “đổi đất lấy hòa bình”. Tôi biết những luận điệu ấy từ tuyên giáo mà ra và đã ăn vào não trạng của nhiều người VN.
Tất cả những gì mà nhân dân VN, đất nước VN đang phải chịu là hậu quả của việc những người dẫn dắt đất nước này trong gần 1 thế kỷ qua đã đi với ma quỷ. Đi với ma quỷ tất có ngày phải trả giá. Ta thường đọc những tin tức về các băng nhóm giang hồ thanh toán nhau. Tại sao chúng lại thanh toán nhau? Vì chúng đã từng liên minh với nhau, dựa vào nhau để hành động, biết rõ sở trường sở đoản của nhau, nắm được bí mật của nhau và tất yếu là chán nhau. Có khi nào giang hồ tìm đến một người không quen biết để thanh toán?
Tôi dùng từ “nhau” để chỉ mối quan hệ ngang hàng. Với quan hệ phụ thuộc như quan hệ VN - TQ còn tồi tệ hơn.
Đảng CSVN lựa chọn thế nào?
Trở lại câu chuyện ở Bãi Tư Chính. Ngày 18/9 vừa qua, Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc láo xược nói rằng, TQ có quyền chủ quyền và quyền tái phán đối với Bãi Tư Chính. Y yêu cầu VN dừng ngay lập tức dừng các hoạt động mà y gọi đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc.
Cho đến nay, phía VN chưa có ý kiến gì về phát ngôn của Cảnh Sảng.
Kể từ khi TQ chiếm đảo Gạc Ma của VN thì việc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở bãi Tư Chính từ ngày 3/7/2019 đến nay là nghiêm trọng nhất và thể hiện quyết tâm cao nhất của TC trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Lúc này cũng là lúc nhà cầm quyền VN đơn độc nhất khi thiếu vắng sự ủng hộ của người dân. Việc TC thành lập thành phố Tam Sa dẫn đến các cuộc biểu tình vào tháng 12/2007 ở Hà Nội và Sài Gòn. Vụ TC cắt cáp tàu Bình Minh dẫn đến hàng chục cuộc biểu tình vào mùa Hè năm 2011 tại HN và SG. Vụ giàn khoan HD 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN dẫn đến những cuộc biểu tình trên khắp cả nước vào Tháng 5/2014. Thế nhưng lần này, vụ TC xâm phạm Bãi Tư Chính đã không có biểu tình xảy ra. Điều này nói lên người dân đã quay lưng với nhà nước trong vấn đề chủ quyền của đất nước, để “đảng và nhà nước lo” như họ thường nói.
Giờ đây, trước tham vọng và sức ép ngày càng gia tăng từ phía TC, họ buộc phải đứng trước một sự lựa chọn. Hoặc là tiếp tục nhân nhượng, hoặc là phải dứt khoát trong quan hệ với TC. Điều này đối với họ là vô cùng khó khăn. Một thứ quan hệ sâu nặng và phụ thuộc khiến họ không dám có một tư thế đàng hoàng, đĩnh đạc và ngang hàng.
Không phải bây giờ, những người cộng sản VN mới thấy được dã tâm của TC. Họ đã biết từ rất lâu nhưng phải nín nhịn. Theo Diễn đàn Doanh nghiệp thì ông Lê Văn Cương nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an chỉ ra rằng, TC đã 5 lần bán đứng Việt Nam.
Giờ đây, nhà cầm quyền phải lựa chọn, hoặc là nhân dân và Tổ quốc, hoặc là “tình hữu nghị viển vông” với TC. Trong khi lựa chọn, họ cần lưu ý rằng, khi cố giữ cái tình hữu nghị ấy, họ cũng không thể yên thân.
Điều mà họ cần phải biết mà người VN ai cũng biết là, TC đã giúp ĐCSVN rất nhiều trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chiến tranh Nam - Bắc nên họ phải chịu ơn. Trong khi đó, họ tuyên truyền đế quốc Mỹ xâm lược, đã gây bao nhiêu tội ác với nhân dân VN. Nhưng trớ trêu thay, giờ đây, gần như 100 % người VN (trừ họ) ghét TC và coi Mỹ là người bạn tốt, cần nhất cho VN lúc này. Đấy là một nghịch lý, nghịch cảnh và đủ mọi thứ nghịch, chỉ có ở đất nước khốn khổ này.
Mâu thuẫn giữa hai đảng và hai nhà nước VN - TQ lên đến đỉnh cao nhất dẫn đến nổ ra cuộc chiến tranh biên giới 1979. Đó là cơ hội để ĐCSVN dứt khoát với TC nhưng tiếc rằng điều đó đã không xảy ra mà sau đó lại dấn sâu vào quan hệ lệ thuộc TC.
Bây giờ lại là một cơ hội nữa để đoạn tuyệt với TC. Đảng CSVN sẽ lựa chọn như thế nào?
22/9/2019
Bài bình luận gần đây