Hình: GS. Ngô Bảo Châu (Nguồn: Internet)
Hơn 8 ngàn lượt thích và 1,5 ngàn lượt chia sẻ là lượng tương tác tính đến 6h20 PM ngày 22/9 giờ Việt Nam, chưa kể số comment, dành cho một status trên Facebook của GS. Ngô Bảo Châu vào khoảng 7h AM ngày 20/9 về sự nóng lên toàn cầu.[1]
Trong status này, GS. Châu dẫn một mô hình tính toán mới của một nhóm nhà khoa học Pháp, theo đó, nhiệt độ trung bình trên trái đất có thể tăng đến 7 độ C đến cuối thế kỷ 21.
So sánh với các mô hình cũ hơn, với dự đoán mức tăng từ 2 đến 6 độ C, GS. thể hiện sự ngạc nhiên, rằng nếu mô hình mới nêu trên là đúng, nước biển sẽ dâng thêm 30 cm vào năm 2050, 70 – 110 cm, thậm chí có thể đến 200 cm vào cuối thế kỷ.
Liên hệ với Việt Nam, GS. đặt câu hỏi liệu khi đó đồng bằng sông Cứu Long còn bao nhiêu (diện tích) (?).
Đi xa hơn, GS. còn đặt vấn đề rằng liệu có đúng không khi "chúng ta theo chân thiên hạ cuốn vào cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo, cách mạng 4.0... trong khi hiểm họa to đùng dường như đang lù lù trước mắt."
Và, rất thức thời, GS. "mong sớm có một thế hệ lãnh đạo mới của VN coi việc gìn giữ môi trường sống là ưu tiên số một, trên cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế, hay là bắt kịp với các trào lưu công nghệ."
Cách tiếp cận vấn đề mang màu sắc toán học của GS. có lẽ là một phần lý do khiến status của GS. thu hút lượng lớn tương tác, bên cạnh một phần lý do khác hiển nhiên, rằng GS. là một người nổi tiếng, nhất là sau khi đoạt giải thưởng Fields.
Nếu status trên đây thay vì của GS. Châu mà là của một người hay một tổ chức có chuyên môn về môi trường, khả năng rất cao là lượng tương tác sẽ thấp hơn nhiều.
Ví dụ vừa nêu cho thấy một điều không có gì bất thường, mà rất đỗi bình thường trong tâm lý học đám đông, như đã được Gustave Le Bon chỉ ra, rằng điều quan trọng không phải là nói gì, mà là ai nói.[2]
Khi viết điều trên, tôi không có hàm ý rằng GS. Châu nói về biến đổi khí hậu thì không tốt. Thậm chí, tôi nghĩ GS. nói về biến đổi khí hậu thì rất tốt, và nói nhiều hơn thì càng tốt.
Trong một xã hội còn ít người quan tâm đến môi trường như Việt Nam, mỗi tiếng nói của những người có ảnh hưởng như GS. Châu là rất cần thiết, miễn tiếng nói ấy dẫn hướng đám đông đến nhận thức và hành động đúng.
Hiện nay, tại Việt Nam, số các cá nhân, tổ chức có tiếng nói hay hành động về môi trường có lẽ không phải là quá thiếu thốn. Vấn đề là tiếng nói và hành động của họ khó lan rộng, cho dù điều họ nói và việc họ làm rất đáng hoan nghênh. Bởi vì, nhắc lại, quan trọng không phải là nói gì, mà là ai nói.
Tất nhiên, ví dụ trên đây cần được giải thích bằng nhiều góc độ hơn, cả liên quan lẫn không liên quan đến tâm lý học đám đông, song về cơ bản, lý do chủ yếu là đám đông đi theo những người có ảnh hưởng hơn là đi theo những người có chuyên môn về một chủ đề, vì cơ bản là đám đông không có đủ kiến thức chuyên môn về chủ đề ấy.
Đó là một hạn chế của đám đông. Song hiểu được hạn chế này có thể giúp tạo ra hay điều chỉnh các yếu tố tác động đến đám đông và dẫn hướng đám đông vào các mục đích tốt, chẳng hạn, cần nhiều hơn nữa những người như GS. Châu, và những người như GS. cần nói nhiều hơn nữa những điều gây ảnh hưởng tích cực.
Khi những người như GS. Châu lên tiếng về biến đổi khí hậu, nhận thức của xã hội về chủ đề này sẽ được nâng cao nhanh chóng, để từ đó, các hành động thích hợp nhằm làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sẽ theo sau như là một hệ quả của nhận thức đã được nâng cao.
Tốt hơn nữa, những người như GS. có thể phối hợp với những người có chuyên môn về lĩnh vực này, cùng thúc đẩy xã hội tiến nhanh hơn trên nấc thang nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường cho thế hệ hiện tại và cho cả thế hệ tương lai.
Sự phối hợp giữa những người có ảnh hưởng và những người có chuyên môn nên là một lựa chọn vì cái chung, với mục đích dẫn hướng xã hội vươn tới những điều tốt đẹp hơn, và một môi trường được bảo vệ là một trong những điều tốt đẹp đó.
Chú thích:
[1] Status của GS. Ngô Bảo Châu
https://www.facebook.com/ngobaochau.2/posts/1321905791315276
[2] Gustave Le Bon, học giả người Pháp thế kỷ 19, tác giả cuốn sách 'Tâm lý học đám đông' đã được dịch ở Việt Nam
Bài bình luận gần đây