You are here

Thanh niên tuổi... bốn mươi

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Quốc hội đang rôm rả thảo luận về luật thanh niên sửa đổi. Đáng chú ý hơn cả là người ta đang muốn tăng tuổi thanh niên lên tới... 40!?

Hồi còn trẻ, tôi thấy qui định tuổi đoàn viên từ 15 – 28. Hiện nay theo điều lệ đoàn thì tuổi đoàn từ 16-30, tức là theo qui định của Luật thanh niên hiện hành.

Còn bây giờ, người ta muốn tăng tuổi tối đa của thanh niên lên cao hơn nữa. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề xuất nâng độ tuổi thanh niên lên tới 35 hay 40.

Một đống luật đang bị xếp vào một xó, không dám đụng tới như Luật biểu tình, Luật về hội... Họ không muốn xây dựng những luật “nhạy cảm” ấy nhằm chừa ra chỗ trống để xử lý theo luật rừng. Lại có thứ luật mà không ai đủ can đảm nhắc tới như Luật về hoạt động của đảng (CSVN) cho nên ĐCSVN muốn làm gì thì làm.

Những luật đó rất cần thiết, nó tạo ra cơ sở pháp lý để quản lý xã hội.

Trong khi hoãn đi hoãn lại Luật biểu tình, Luật về Hội, không dám nhắc đến luật đảng thì quốc hội lại đem luật thanh niên ra bàn lại. Hình như quốc hội không có việc gì để làm. Nói đúng ra là những việc cần làm thì không được phép nên đành lôi những việc vô bổ ra bàn thảo. Chẳng lẽ đến nghị trường chỉ để ngủ. Mà đã làm cho có việc thì sinh ra nhiều ý kiến rất vớ vẩn, chỉ tổ cho dư luận giễu cợt.

*

Trở lại việc nâng tuổi thanh niên tới 40. Tuổi thanh niên cần qui định trong độ tuổi như thế nào để người ở giới hạn tối đa và tối thiểu phải có những điểm tương đồng không cách biệt nhau mấy. Theo ý kiến của ông Nguyễn Khắc Định thì tuổi tối thiểu và tối đa của thanh niên cách nhau tới 24 tuổi, tức là cách nhau hẳn một thế hệ. Hơn kém nhau 24 tuổi, mọi thứ nó khác lắm như về sức khỏe, độ nhanh nhẹn, tính trẻ trung sôi nổi. Một người 40 tuổi hoàn toàn có thể có con từ 16 đến 20, 21 tuổi. Khi ấy, sẽ xảy ra chuyện, bố con hoặc mẹ con cùng sinh hoạt trong một... chi đoàn thanh niên.

Đọc  những ý kiến của các vị đại nghị gật, hóa ra họ muốn nâng tuổi tối đa của thanh niên lên để những người trong độ tuổi (mở rộng) “cống hiến” được nhiều hơn. Ông Phùng Quang Hiến, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng sửa luật để “tiếp lửa cho khí thế hừng hực của thanh niên”. Chỉ cần sửa mấy điều luật mà những “thanh niên” 31, 40 bỗng trở nên “hừng hực” được thì lạ thật.

Họ cứ làm như thể một người 40 tuổi, khi xếp vào thanh niên thì anh ta khỏe ra không bằng.

Ngược lại, người trẻ nếu xếp vào lớp già cũng không làm cho họ già đi. Ngày xưa, thế hệ bố mẹ tôi, 50 tuổi đã có người gọi bằng cụ. Bố tối hồi 49 tuổi, ra đường được chào “cháu kính cụ”, “chào cụ giáo”. Sở dĩ tôi nhớ được là hồi ấy đoàn công tác tìm đến nhà cụ giáo để điều tra dân số. Gọi là cụ, nhưng đâu phải làm ông già đi. Ông vẫn còn dạy học được hơn 10 năm nữa mới nghỉ hưu. Còn tôi được báo về hưu từ năm 39 tuổi, có nghĩa là theo dự tính tuổi thanh niên bây giờ thì tôi về hưu khi chưa hết tuổi đoàn. Tôi đi lính, ở nhà dân, gọi những người 40 tuổi thậm chí 35 tuổi là bố mẹ, vì con của bố mẹ cũng xêm xêm tuổi tôi.  Ông Hồ Chí Minh xưng là “cha già dân tộc” khi ông mới 55 tuổi, tức là hơn tuổi thanh niên mở rộng có 15 tuổi. Rõ ràng, xưng thì cứ xưng, gọi thì cứ gọi nhưng không thể biến ông thành người cao tuổi nhất nước được.

Tiện nói đến ông Hồ, nhắc luôn mấy câu thơ của ông:

“Chưa năm mươi đã kêu già

Sau ba mình nghĩ vẫn là đương trai”.

Ở một bài khác:

“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già”.

Sáu ba: đương trai, năm chín: chưa già là lối nói lạc quan, tự động viên mình và động viên người khác, chứ không có nghĩa là tuổi ấy vẫn còn là thanh niên.

Mấy ông bà quốc hội nghĩ, cứ tăng tuổi thanh niên lên là con người trẻ ra. Trẻ hay không là phụ thuộc vào tuổi chứ đâu phụ thuộc vào việc xếp vào nhóm nào, thanh niên hay người cao tuổi. Ví dụ tuổi thanh niên nếu qui định tới 65 thì bà Kim Ngân vẫn là bà già 65 tuổi chứ đâu biến được bà thành cô gái.

Cơ cấu tuổi trong dân số là khách quan. Dù phân loại theo tiêu chí nào thì nguồn lao động xã hội nó vẫn thế. Cho rằng tăng tuổi thanh niên để tăng thêm nguồn lực lao động là lối tư duy nhảm nhí.

12/9/2019