“Đức” có nghĩa là đạo đức, phẩm đức, phẩm hạnh. Những tính tốt như chân thành, kiên trì, nhẫn nại, vị tha, v.v. đều được gọi là “đức tính”. Người hay làm điều thiện, tấm lòng bao dung lại được gọi là người “đức độ”. Trong xã hội xưa kia, dù là bình dân bá tánh, quan lại hay kẻ làm vua đều phải biết “tu dưỡng đạo đức”. Điều đó đủ để thấy rằng một chữ “đức” đã gồm thâu lại tất cả những phẩm chất tốt đẹp của con người.
Sáng 27 tháng 8, trong buổi gặp mặt và nói chuyện với các đảng viên trẻ, Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: "Đức là sự trung thành với đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước, vì Tổ quốc, đừng nghĩ đến mình".
Ở đây Nguyễn Phú Trọng đã đặt giá trị đạo đức đầu tiên là vào sự trung thành với đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này hoàn toàn trái với truyền thống đạo đức đã có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Như vậy, lúc chưa có đảng CSVN thì giá trị đạo đức của người Việt Nam như thế nào?
Nguyễn Phú Trọng đã lấy quyền lực thống trị của đảng Cộng sản hay chính là tập đoàn thống trị để làm giá trị đạo đức. Điều này chứng minh một điều hiển nhiên là trong xã hội phi dân chủ, khi còn tồn tại giai tầng thống trị và giai tầng bị cai trị thì quan niệm về đạo đức của hai giai tầng khác nhau, thậm chí là đối lập với nhau. Và quan niệm về giá trị đạo đức của giai tầng thống trị còn đối lập với giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của cha ông nghìn đời để lại.
Gần 5 triệu đảng viên đảng CSVN lấy sự trung thành với đảng của họ là tiêu chuẩn đạo đức đầu tiên. Nhưng hơn 90 triệu công dân Việt Nam không phải đảng viên đảng CS thì không bao giờ cần đến tiêu chuẩn này.
Trong suốt 74 năm qua, quyền và lợi ích của đảng CSVN luôn mâu thuẫn và ngược với quyền và lợi ích của đất nước, dân tộc Việt Nam. Trung thành với đảng CS tức phản bội lại lợi ích của đất nước và dân tộc.
Đạo đức có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ổn định xã hội, bảo vệ đất nước. Nếu đa số người dân coi trọng và tuân theo các chuẩn mực đạo đức thì xã hội yên bình, ngược lại, nếu các chuẩn mực đạo đức bị coi thường thì xã hội sẽ sớm rối loạn, đất nước sẽ suy vong.
Suy thoái kinh tế thường chỉ gây ảnh hưởng xấu trong vài năm, còn suy thoái đạo đức thì gây ảnh hưởng xấu tới nhiều thế hệ suốt hàng trăm năm, vì vậy suy thoái đạo đức chính là thứ nguy hiểm nhất đối với xã hội (nhưng lại ít người nhận ra sự nguy hiểm đó).
Nhà bác học Lê Quý Đôn nổi tiếng uyên bác, từng lãnh chức Thượng thư bộ Công thời nhà Hậu Lê đã tổng kết lịch sử, chỉ ra năm nguy cơ có thể khiến các triều đại sụp đổ. Đó là:
1. Trẻ không kính già (đạo đức suy đồi); 2. Trò không trọng thầy (giáo dục suy đồi); 3. Binh kiêu tướng thoái (quân đội suy đồi); 4. Tham nhũng tràn lan (quan lại suy đồi); 5. Sĩ phu ngoảnh mặt (lòng yêu nước suy đồi)
Năm điều mà bác học Lê Quí Đôn tổng kết cách đây hàng trăm năm, nhưng vẫn còn rất đúng với thực trạng xã hội Việt Nam ngày hôm nay. Đó là sự suy đồi đạo đức trong các mối quan hệ gia đình, trong nhà trường; Các tướng lĩnh quân đội, công an, quan chức cộng sản ở mọi ngành, mọi cấp thì tham nhũng nghiêm trọng; Các sĩ phu mải lo cuộc sống, ngoảnh mặt với sự hưng vong của dân tộc.
Dưới sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam thì mọi giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội đều bị đảo lộn. Người Việt Nam ai cũng thuộc lòng câu: “Nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba quan hệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ.” Đây là tiêu chuẩn trong việc lựa chọn đội ngũ cai trị của đảng CSVN.
Khi nhìn vào bản chất đạo đức của chế độ cộng sản Việt Nam. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã phải thốt lên:
“Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa,
Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.”
Vậy mục đích của Nguyễn Phú Trọng khi đặt ra tiêu chuẩn đạo đức là phải trung thành với đảng CS là để duy trì và củng cố lợi ích, quyền lực phi nghĩa của đảng CSVN. Điều này trái với xu hướng xây dựng một chế độ xã hội dân chủ, tiến bộ. Enghen, người thầy của Chủ nghĩa Cộng sản từng nói:
"Nhưng chúng ta vẫn chưa vượt được khuôn khổ của đạo đức giai cấp. Một nền đạo đức thực sự có tính nhân đạo, đặt lên trên sự đối lập giai cấp và mọi hồi ức về sự đối lập ấy chỉ có thể có được khi nào xã hội đã tới một trình độ mà trong thực tiễn của đời sống, người ta không những thắng được mà còn quên đi sự đối lập giai cấp".
Tức là đạo đức không bao giờ mang tính giai cấp, đạo đức phải có giá trị phổ quát chung cho tất cả mọi người trong xã hội. Như vậy, chừng nào mà đảng CSVN còn áp đặt quan điểm đạo đức của mình lên cả dân tộc Việt Nam, chừng đó đất nước không thể phát triển tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh.
Bài bình luận gần đây