Như đã nêu trong bài 'Một số bất cập trong phân cấp ngân sách tại Việt Nam',[1] nhà nước phải có các giải pháp trước những hệ quả tiêu cực của chính sách phân cấp ngân sách hiện nay.
Các giải pháp như vậy đòi hỏi thay đổi tư duy về động cơ về khuyến khích và các tiêu chí của chính sách, và ứng dụng đúng đắn động cơ khuyến khích để thúc đẩy sự phát triển.
Nếu vẫn giữ các tiêu chí của chính sách là công bằng và hiệu quả, nhà nước có thể cần định nghĩa lại thế nào là công bằng và hiệu quả, từ đó đánh giá đúng tính công bằng và tính hiệu quả của chính sách hiện nay để điều chỉnh nó sao cho đạt được tính công bằng và tính hiệu quả mong muốn.
Công bằng chắn chắn không phải là một số ít tỉnh, thành phát triển phải chịu gánh nặng quá lớn cho một số nhiều tỉnh kém phát triển để nhiều tỉnh này không những không vươn lên mà còn dựa dẫm ngân sách trung ương mãi. Để rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, chính sách cần làm sao để kéo các địa phương kém phát triển lên thay vì kéo các địa phương phát triển xuống.
Hiệu quả chắc chắn không phải là có thừa lỗ hổng trong cơ chế giám sát kèm chế tài trong quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là tại các tỉnh kém phát triển, vốn hay xảy ra tình trạng bội chi, thất thoát, lãng phí.
Động cơ khuyến khích, trong khi đó, phải là cơ chế khuyến khích thuận, thay vì cơ chế khuyến khích ngược. Các động cơ như vậy dĩ nhiên không thể là trợ cấp lâu dài cho các tỉnh nghèo mà không đi kèm các điều kiện hợp lý để thúc đẩy các tỉnh này phát triển.
Chính sách hiện nay phản ánh tư duy bao cấp của ý thức hệ và những nhà lãnh đạo có thể vẫn mơ hồ rằng bao cấp như vậy là đúng theo tinh thần của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam, về mặt hình thức, vẫn đi theo.
Sau khi tư duy thay đổi, việc tìm kiếm các giải pháp cụ thể sẽ dựa trên tư duy này như một kim chỉ nam, và do đó, trở nên dễ dàng hơn.
Các giải pháp như vậy thực tế đã được chỉ ra bởi một số chuyên gia kinh tế, tài chính. Chẳng hạn, một chính sách mới về quản lý ngân sách nhìn chung cần đi theo một số nguyên tắc và phương hướng sau đây:
Một là phân cấp nhiệm vụ chi phải thõa mãn các yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình và hiệu quả điều hành, quản lý.[2]
Hai là phân cấp quyền hạn thu phải bảo đảm quyền tự chủ về tài khóa của mỗi địa phương, tức các địa phương cung cấp hàng hóa, dịch vụ địa phương bằng chính nguồn thu của địa phương mình.[3]
Ba là phân cấp quyền vay nợ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, như hạn chế cho chi thường xuyên, và rộng rãi hơn cho chi đầu tư, song phải là chi đầu tư cho các dự án được thẩm định là có hiệu quả.
Bốn là nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, theo đó, mọi chi phí và lợi ích gắn với một quyết định phải được cong khai, và bất cứ ai chịu tác động của quyết định đó đều có cơ hội gây ảnh hưởng đến quyết định đó.[4]
Năm là nâng chế tài đối với các hành vi làm thất thoát ngân sách nhà nước. Cùng với đó, hệ thống tư pháp phải tăng tính độc lập, nhất là đối với với hệ thống hành pháp.
Cuối cùng, liên quan mật thiết với điểm 4 kể trên là nâng cao vai trò giám sát của quốc hội, và thúc đẩy sự tham gia của người dân, đồng thời mở rộng không gian cho báo chí trong việc dõi theo và phản ánh các hoạt động của trung ương lẫn địa phương liên quan đến ngân sách.
Chú thích:
[1] Một số bất cập trong phân cấp ngân sách tại Việt Nam
https://www.rfavietnam.com/node/5617
[2][3][4] Nhận diện một số bất cập trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/nhan-di...
Bài bình luận gần đây