Hôm thứ Hai 26/8/2019 vừa rồi, nhân diễn đàn "Đảng viên trẻ tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền tổ chức, một Bí thư Đoàn từ Đăk Lăk đã không ngần ngại chia sẻ cái gọi là sáng kiến trong đấu tranh phòng chống diễn biến hòa bình trên mạng xã hội: tổ chức cho đoàn viên lập tài khoản ảo để thường xuyên đăng tải thông tin có lợi cho đảng và chính quyền, đồng thời report (báo cáo vi phạm) những bài viết, tài khoản mà họ cho là ‘phản động’.
(Ảnh chụp màn hình bản tin trên báo Thanh Niên ngày 26/8/2019 trước khi bị xóa)
Bản tin tường thuật chi tiết trên được đăng trên báo Thanh Niên ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận, trước là châm biếm việc ‘vạch áo cho người xem lưng’ của cán bộ đoàn nói trên khi công khai một chiêu trò vừa lố bịch vừa vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của các mạng xã hội, sau là phẫn nộ vì những kẻ đang khoe khoang việc này không ít thì nhiều đang sống nhờ vào thuế dân.
Báo Thanh Niên, với sự nhạy cảm truyền thông thường thấy của mình, ngay tức thì biên tập lại bản tin, xóa đi hết các chi tiết khoe khoang hợm hĩnh kể trên. [1]
Tuy nhiên ngay cả khi báo Thanh Niên có chỉnh sửa bản tin đi chăng nữa thì cũng không giấu được thực tế là những năm gần đây chính quyền đang tích cực tập huấn cho ‘người nhà nước’ - những ai sống nhờ vào bầu sữa ngân sách - đủ loại chiến thuật đấu tranh trên mạng để bảo vệ đảng và chính quyền.
Điều này cũng tương đồng với những gì diễn ra ở Trung Quốc khi theo một nghiên cứu, Bắc Kinh giả tạo gần 450 triệu bình luận trên mạng xã hội mỗi năm, ứng với 1.23 triệu bình luận mỗi ngày. Cũng theo nghiên cứu trên, hóa ra những bình luận loại này không phải do một lực lượng dư luận viên riêng biệt tạo ra như nhiều người thường nghĩ, mà chính các cán bộ công chức viên chức - những người làm việc trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể - mới là tác giả. Thêm nữa, họ làm điều này như một phần chức phận được giao. [2]
Giống nhau tới mức đó, song không dễ để tuyên giáo Việt Nam có thể đạt được hiệu quả tương tự những người đồng nhiệm Trung Quốc. Lý do chính là khác với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát được nền tảng mạng xã hội chủ đạo, mà ở đây là Facebook và Youtube. Hệ quả là nếu như trên võ đài ngôn luận, Trung Quốc bịt hết miệng đối thủ rồi dùng ‘biển người’ khuynh loát công luận thì ở Việt Nam, chính quyền vẫn bị buộc phải so găng. Mà đã trong cuộc tranh luận thì số đông chẳng nghĩa gì nếu như không có lấy nổi một lập luận hợp tình hợp lý. ‘Biển người’ khi đó chỉ còn là tiếng ồn ào thùng rỗng kêu to và nhanh chóng bị đánh bại bởi các tiếng nói từ xã hội hợp tình hợp lý hơn.
Điều này giải thích vì sao ngay cả khi báo Thanh Niên đã sửa bài, cô cán bộ đoàn lẫn đơn vị tổ chức diễn đàn là Trung ương Đoàn và Học viên Báo chí Tuyên truyền vẫn trở thành tâm điểm phê phán của dư luận mạng xã hội vì sự lố bịch tập thể của họ. Bởi lẽ chính quyền dù muốn đã không thể kiểm duyệt một cách hiệu quả câu chuyện này, khiến nó cứ được thảo luận mãi cho đến khi dư luận thấy đủ.
Tóm lại, dù giống Trung Quốc về cách đối phó với những phản kháng của dân chúng trên mạng xã hội, chính quyền Việt Nam dường như đang ở một thế bất lợi hơn rất nhiều, khó lòng lặp lại thành công của nước láng giềng.
—
Bài bình luận gần đây