Hình: Người Dalit ở Ấn Độ (Nguồn: Nepal Times)
Vào ngày 17/1/2016, một nghiên cứu sinh tại Đại học Hyderabad bang Telangana, Ấn Độ đã treo cổ tự vẫn. Đó là Rohith Vernula, một Dalit, tức người đến từ tầng lớp thấp nhất trong chế độ đẳng cấp của đạo Hindu, sau Brahmin – tu sĩ, Kshatryia – nhà binh, Vaishya – nhà buôn, và Shudra – nông dân và thợ thuyền.
Vernula tự vẫn vì phẫn uất tột cùng trước những bất công mà chế độ đẳng cấp đã gây ra cho anh. Là sinh viên được tuyển vào trường nhờ năng lực, anh vẫn bị phân biệt đối xử theo theo nhiều cách chỉ vì nguồn gốc "tiện dân" của mình. Sự sỉ nhục lớn nhất mà người ta dành cho anh là khi họ cắt khoản học bổng mà anh dùng để nuôi sống bản thân và người mẹ vì anh có các hoạt động chính trị.[1]
Cái chết của Vernula đã khiến dư luận bàng hoàng và khơi dậy làn sóng biểu tình trong dân chúng. Các chính trị gia đã tập trung tại Hyderabad để lên tiếng phản đối trường của anh, đồng thời yêu cầu chính phủ của thủ tướng Narenda Modi – người vốn im lặng trong suốt gần một tuần sau khi sự việc xảy ra – có biện pháp nhằm giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.[2]
Trường hợp Vernula chỉ là một trong vô số trường hợp bi đát về thân phận của người Dalit, có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới chế độ đẳng cấp tại Ấn Độ, được cho là đã tồn tại 3000 năm,[3] xuất phát từ đạo Hindu, tôn giáo lớn nhất tại Ấn Độ với lượng tín đồ chiếm 80% dân số.
Theo chế độ đẳng cấp, các tầng lớp khác nhau được phân biệt dựa trên karma (work – việc làm) và dharma (duty – phận sự). Cội rễ của sự phân biệt nằm ở niềm tin rằng các tầng lớp khác nhau được sinh ra từ các bộ phận khác nhau của cơ thể của Brahma, vị thần tối cao: Brahmin, Kshatryia, Vaishya, và Shudra theo thứ tự được sinh ra từ đầu, tay, đùi, và bàn chân, còn riêng Dalit là những người “không thể chạm tới”.[4]
Theo một cuộc điều tra dân số đã cũ vào năm 2011, người Dalit chiếm hơn 16% dân số Ấn Độ, tương ứng với hơn 200 triệu người.[5] Sinh ra là người Dalit đồng nghĩa với việc không được phép ăn cùng, ở cùng, làm cùng, v.v. các tầng lớp cao hơn. Họ có thể bị các tầng lớp đó lăng nhục, thậm chí hành hạ một cách bạo lực, dẫn đến thương tích hoặc có khi mất mạng.
Mặc dù Hiến pháp Ấn Độ 1950 (vẫn còn hiệu lực) cấm phân biệt đẳng cấp, nhưng thể chế chính thức này không có nhiều tác dụng đối với đa số dân chúng Ấn Độ, vốn có niềm tin thâm căn cố đế vào đạo Hindu. Sự phân biệt đối xử nói chung và nhắm vào người Dalit nói riêng vẫn diễn ra hàng ngày, và những câu chuyện thương tâm vẫn xảy ra vì niềm tin đó.
Trước vấn nạn nghiêm trọng này, chính phủ Ấn Độ đã có biện pháp để cải thiện tình hình. Đó là chương trình bù đắp cho những người bị phân biệt đối xử. Theo đó, người Dalit và các nhóm yếu thế khác được bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cùng các kết quả tích cực nhờ hệ các hạn ngạch tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục, vào quốc hội, và vào chính phủ, v.v.[6]
Chương trình bù đắp bắt đầu từ năm 1950 dến nay đã mở rộng thành 70 biện pháp, và có thể được mở rộng hơn nữa cho đến năm 2020.[7] Tuy chương trình đã hoạt động gần 70 năm, nhưng những tiến bộ mà nó mang lại là rất chậm chạp, bởi chế độ đẳng cấp vẫn chi phối ghê gớm tư tưởng và hành vi của người dân Ấn Độ.
Ngày nay, người Dalit vẫn đi sau rất xa các tầng lớp cao hơn về hầu như mọi phương diện của đời sống. Tỷ lệ mù chữ và tỷ lệ bỏ học ở những người Dalit rất cao do một số yếu tố xã hội và thể chất.[8] Người Dalit cũng hiếm khi có được công việc có thu nhập tốt, và hiển nhiên ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Sự phân biệt còn được thể hiện rõ qua các con số về tội phạm. Trong vòng một thập kỷ từ 2006 đến 2016, mặc dù tỷ lệ tội phạm nói chung giảm nhưng tỷ lệ tội phạm chống lại người Dalit tăng 25%.[9] Theo Amnesty International, 65% tội phạm về thù ghét chống lại người Dalit. Riêng với các vụ bạo lực tình dục, cứ 40 vụ thì có 33 vụ mà phụ nữ Dalit là nạn nhân.[10]
Đã 72 năm kể từ khi nền độc lập Ấn Độ được xác lập, và đã 69 năm kể từ khi nền dân chủ Ấn Độ hình thành, nhưng sự bình đẳng giữa mọi người – một trong các giá trị mà vị lãnh tụ tinh thần Ấn Độ Mahatma Gandhi đã đấu tranh cho cùng với nền độc lập và cũng là một trong các giá trị của nền dân chủ – đã không được coi trọng bởi phần đông dân chúng trong nền độc lập và nền dân chủ đó.
Đây chính là một trong nhiều bất cập của nền dân chủ Ấn Độ. Nó tước đoạt thô bạo cơ hội được công nhận và đề cao nhờ tài năng và các phẩm chất tốt đẹp. Nó cũng ngăn cản mạnh mẽ tiềm lực đóng góp của hơn 200 triệu người Dalit vào sự phát triển kinh tế. Nó kìm hãm sự tiến bộ của cả quốc gia mà lẽ ra đã đạt được các thành tựu đáng kể hơn.
Vì vậy, chính phủ Ấn Độ phải nỗ lực hơn nhiều lần hiện tại, để người Dalit (cũng như các nhóm yếu thế khác) được thực sự bù đắp. Và người Dalit cũng phải nỗ lực hơn nhiều lần hiện tại để vươn lên, chiến đấu cho họ và cũng là cho cả sự bình đẳng giữa người với người trong một nền dân chủ thực sự.
Chú thích:
[1][2] Chế độ đẳng cấp của Ấn Độ
http://nghiencuuquocte.org/2016/03/04/che-do-dang-cap-cua-an-do
[3][4] What is India's caste system?
https://www.bbc.com/news/world-asia-india-35650616
[5] Over decade, crime rate against Dalits Up 25%, cases pending investigation up 99%
https://www.indiaspend.com/over-a-decade-crime-rate-against-dalits-rose-...
[6][7] Như [1]
[8] Education
https://idsn.org/key-issues/education
[9] Như [5]
[10] 65% of hate crimes against Dalits: Amnesty
https://www.thehindu.com/news/national/65-of-hate-crimes-against-dalits-...
Bài bình luận gần đây