Truyền thông Thái Lan ngày 26/8/2019 đưa tin, thêm một tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe 15 chỗ ngồi chuyên đưa lao động nước ngoài đi đóng dấu hộ chiếu. Tai nạn xảy ra mờ sáng ngày 26.8.2019, tại tỉnh Kanchanaburi cách phía tây Băng Cốc 150 km. Theo đó, tuy không có ai thiệt mạng, nhưng rất nhiều người trên xe đã bị thương, trong đó có một nạn nhân là người Việt Nam, 33 tuổi.
Trước đó, vào rạng sáng 18/8/2019, chiếc xe chở công dân Lào đi gia hạn visa va chạm với một xe tải ở tỉnh Sa Kaew, Thái Lan, đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương nặng. Cũng cần được nhắc lại, khoảng 11h30 trưa ngày 23/3/2019, cũng tại tỉnh Kanchanaburi, trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc giữa 1 xe khách 12 chỗ ngồi và 1 xe đầu kéo. Vụ TNGT khiến 10 người thiệt mạng, trong đó có 5 nạn nhân người Việt Nam, đau lòng hơn khi 1 trong 5 nạn nhân đang mang thai tháng thứ 3. Tất cả đều là người quê tại tỉnh Hà tĩnh.
Đây là một loại tai nạn hết sức phổ biến và là nỗi ám ánh kinh hoàng đối với người lao động bất hợp pháp Việt Nam, trong vai khách du lịch bất đắc dĩ, khi họ lợi dụng danh nghĩa khách du lịch để làm việc kiếm sống.
Từ khoảng 20 năm trở lại đây, bên cạnh Lào; Campuchia, thì Thái Lan đã trở thành một thị trường lao động khá hấp dẫn đối với người Việt Nam. Được biết ở Thái Lan hiện nay, việc cả gia đình; cả dòng; họ thậm chí cả làng (trừ người già) người Việt ở các tỉnh Nghệ An, Hà tĩnh đã và đang có mặt tại đây để kiếm ăn sinh sống. Theo con số thống kê không chính thức, số lao động người Việt Nam đang làm việc, học tập... hợp pháp và bất hợp pháp ở Thái Lan lúc cao điểm có thể lên tới 500.000 ngàn người. Đa phần số lao động người Việt sang Thái Lan dưới hình thức miễn thị thực cho công dân các quốc gia ASEAN rồi tìm cách ở lại, tìm việc làm bất hợp pháp. Những lao động này chủ yếu làm các công việc phổ thông như phục vụ tại các nhà hàng, bán hàng, giúp việc gia đình… Song cho đến lúc này, do việc nhà chức trách Thái Lan siết chặt quản lý thì con số này đã giảm xuống đáng kể.
Thị trường lao động của Thái Lan hàng năm cần sử dụng trên dưới 5 triệu lao động người nước ngoài, chủ yếu là lao động phổ thông với các công việc vất vả mà người Thái không chịu làm. Những lao động này được sử dụng làm công việc nặng trong các ngành nghề xây dựng, đánh cá... Hoặc người giúp việc gia đình hay trong các quán ăn, nhà hàng v.v... với mức lương tương đương với lao động phổ thông người Thái khoảng 10$/ ngày, không kể làm thêm giờ. Số lao động hợp pháp này chủ yếu là công dân các nước Lào, Campuchia và Myanmar, họ được phép làm thẻ lao động và cư trú hợp pháp trong thời hạn một năm. Hết hạn thì được chính quyền Thái gia hạn cho năm tiếp theo.
Trong một vài năm gần đây, hai nhà nước Việt Nam và Thái Lan đã ký các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cho phép lao động Việt sang làm việc tại nước này. Tuy nhiên trong MOU này chỉ giới hạn và cho phép lao động Việt Nam chỉ được làm trong các ngành nghề xây dựng, đánh bắt cá, người giúp việc... Do chê những công việc được phép làm vất vả và thu nhập thấp, nên những lao động Việt Nam chủ yếu sang Thái lan làm các công việc bất hợp pháp như bán hàng rong, làm chui trong các xưởng sản xuất. Đơn cử, một lao động bán hàng rong ở trung tâm Băng cốc có thể kiến được dễ dàng 700-1.000 baht/ngày thay vì phải làm việc nặng hợp pháp với thu nhập 300 baht/ngày.
Trước tình trạng lao động nhập cư bất hợp pháp người Việt Nam, Bangladesh quá lớn, đã gây ra tình trạng mất an ninh trật tự. Từ năm 2016, chính quyền Thái Lan đã siết chặt vấn đề quản lý lao động bất hợp pháp. Theo đó, lao động bất hợp pháp có nguy cơ bị phạt 5 năm tù giam và phạt tiền đến 100.000 baht (khoảng 3.300 USD) nếu bị kết tội phạm Luật Người nước ngoài làm việc tại Thái Lan một khi bị cảnh sát bắt. Thêm nữa, với tình trạng sống bất hợp pháp như vậy dễ làm cho những người này gặp rắc rối khi bị cảnh sát bắt, bệnh tật ốm đau hay khi gặp tai nạn lao động, tai nạn giao thông trên đất Thái. Đó là lý do đã buộc hầu hết người lao động bất hợp pháp tại Thái phải gia hạn hộ chiếu để được lưu trú một cách hợp pháp. Tuy vậy, do điều kiện quản lý thiếu chặt chẽ của nhà nước Thái Lan, vẫn có một số không nhỏ lao động Việt Nam vẫn nhập cảnh ra vào Thái Lan bất hợp pháp. Nghĩa là vào chui, ở chui và về nước cũng chui. Cho đến nay, có nhiều người Việt đang làm ăn sinh sống ở Thái Lan hàng chục năm bằng cách bất hợp pháp này.
Vì thế đa số lao động Việt Nam phải thường xuyên nhập cảnh ra vào Thái Lan bằng visa du lịch, với thời hạn lưu trú trong 30 ngày để để làm việc. Khi hết hạn visa, những khách du lịch bất đắc dĩ này buộc phải đi đến các cửa khẩu đã được chỉ định để để lấy dấu miễn thị thực vốn dành cho khách du lịch. Điều mà người Việt tại Thái gọi là "đi tò - gia hạn hộ chiếu".
Việc hàng tháng người lao động Việt phải đi đi tò (gia hạn hộ chiếu) không chi nguy hiểm bới tai nạn giao thông mà cũng tương đối vất vả, nhất là những người không nói chuyện được tiếng Thái. Với người không nói được tiếng Thái, hàng tháng phải nhờ người gọi điện thoại đặt chỗ và thông báo giờ xe sẽ đến đón giúp. Muốn đi gia hạn Hộ chiếu, bạn phải gọi điện thoại cho nhà xe chuyên làm dịch vụ này để đặt chỗ, trong đêm đó khoảng 12 giờ đêm, nhà xe sẽ đến đón bạn tại điểm bạn đã hẹn với giá vé cả đi lẫn về khoảng 1.000 baht. Chiếc xe này sẽ đón đủ khoảng 12 người và chạy thẳng đến các cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng của Thái Lan. Tại đây, người gia hạn hộ chiếu sẽ xuất cảnh rồi lập tức nhập cảnh trở lại Thái Lan, với chi phí thủ tục khoảng 700 baht. Công việc diễn ra hết sức nhanh chóng và hầu như không gặp trở ngại gì và sau đó xe dịch vụ sẽ trả bạn về nơi đón vào tầm 2-3 giờ chiều cũng ngày.
Những tin tức về tai nạn xe gia hạn visa như kể trên là hết sức phổ biến, vì lái xe chạy suốt đêm khi đến gần các cửa khẩu biên giới, phần vì đường xá kém hơn và lại buồn ngủ đã khiến các tài xế rất dễ ngủ gật và gây tai nạn. Điều đó đã khiến nhiều người vì sợ chết, đã phải chấp nhận sống bất hợp pháp hoặc trở về Việt Nam. Đó là tình trạng đang phổ biến hiện nay đối với người lao động ở Thái Lan.
Được biết, chiều 25/8/2019 vừa qua, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, bà con Việt kiều tại Thái Lan nhân dịp thăm chính thức hữu nghị Thái Lan, và tham dự Đại Hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 40 (AIPA-40). Theo dõi tin tức thấy bà Ngân "chém gió" với cộng đồng người Việt nhiều thứ lắm, song có lẽ, không chỉ bà Chủ tịch Quốc hội và các quan chức lãnh đạo Việt Nam không biết đến thảm cảnh này của người Việt Nam đang làm việc bất hợp pháp tại Thái lan. Kể cả cán bộ bộ phận bảo hộ công dân của Đại Sứ Quán Việt Nam tại Băng cốc cũng chỉ xuất hiện khi họ được thông báo đến nhận xác người bị thương hay tử vong do tai nạn.
Chính vì thế vấn nạn mỗi năm thường xuyên có một vài chục người Việt bị chết do tai nạn giao thông, khi đi gia hạn hộ chiếu này, sẽ còn là mối họa đeo đẳng cuộc đời của những ai vì một lý do nào đó phải bước chân sang Thái lan để kiếm sống. Mà chúng ta chẳng có thể hy vọng gì về một sự cải thiện. Vì cái đó có lẽ chẳng bao giờ có thể xảy ra.
Ngày 26 tháng 8 năm 2019
© Kami
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây