Dư luận trong và ngoài nước không ngớt theo dõi câu chuyện bãi Tư Chính, nơi đang xảy ra cuộc đôi co giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng Trung Quốc ngang nhiên cho rằng của ông cha họ sau khi đường lưỡi bò ra đời.
Dùng chữ “đôi co” có vẻ khiên cưỡng nhưng không còn từ nào khác miêu tả trạng thái thật sự của vụ việc. Nằm trong quyền chủ quyền của Việt Nam nhưng Hà Nội không thể mạnh miệng hơn để buộc Trung Quốc phải ngay lập tức rời khỏi khu vực bãi Tư Chính mà phải buộc lòng lên tiếng một cách “dịu dàng” đối với người bạn xấu tính này. “Giao thiệp” là động từ mới mà Bộ Ngoại giao đưa ra để thay cho từ “phản đối” hay “yêu cầu” phía Trung Quốc rút lại hành động bất hợp pháp của họ. Vì “giao thiệp” nên Bắc Kinh cười khẩy và nhiều lần tiếp tục lên án Hà Nội đã vi phạm vùng biển của đàn anh.
Đây là lần thứ ba Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính. Hai lần trước họ cho tàu Hải dương lảng vảng và khi gặp sự chống đối của Việt Nam Trung Quốc đã rút tàu về trả lại sự bình yên cho vùng biển tuyền đầu này. Tuy nhiên lần này Trung Quốc có vẻ quyết tâm “cưỡng chiếm” khu vực bãi Tư Chính hơn hai lần trước vì sau khi rút tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 một thời gian ngắn thì chiếc tàu này đã trở lại khu vực một cách thách đố và đầy quyết tâm chống lại mọi nỗ lực bảo vệ khu vực của Việt Nam. Trung Quốc cho thấy đang đánh ván cờ quyết định vì “thăm dò” thái độ của Việt Nam không cần thiết vào lúc này khi mà bản thân họ đang gặp nhiểu chuyện bế tắc.
Những lời lẽ ru ngủ lãnh đạo Việt Nam xem ra không còn tác dụng nữa, chữ nghĩa vụng về và hứa hẹn viễn vông cũng như những tài sản lại quả cho cán bộ nằm vùng xem ra không còn hiệu quả khi Việt Nam cương quyết hơn những lần trước trong cùng kịch bản mà Trung Quốc dựng nên. Việt Nam đã thấy thấm thía sự mất mát và nhục nhã khi phải điều đình cho giàn khoan Repsol của Tây Ban Nha rút ra khỏi mỏ dầu Cá Rồng Đỏ dưới áp lực nặng nề của Trung Quốc. Hà Nội biết rằng nếu lần này tiếp tục nhân nhượng thì họ sẽ mất tất cả từ lòng dân, lãnh thổ cho tới chiếc ghế bao lâu nay cũng sẽ bay theo bãi Tư Chính nếu tiếp tục mơ làm bạn với kẻ tráo trở Trung Quốc.
Và vì vậy, Hà Nội đã quyết định gửi ra vùng biển nóng này những con tàu quân sự hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam, bất kể nguy cơ làm cho Trung Quốc nỗi giận và phản ứng mạnh mẽ.
Dĩ nhiên bài toán chiến sự đã được Hà Nội tính toán rất kỹ và mọi quyết định của họ không hề là xốc nổi hay bốc đồng. Chiến tranh không phải là trò đùa nhất là phải chiến đấu với một kẻ to mạnh và bất phân lý trí như Trung Quốc. Tuy nhiên nếu sòng phẳng mà xem xét thì câu trả lời có thể làm nhiểu người đồng ý với quyết định này của Hà Nội sau nhiều ngày nhịn nhục trước sự hống hách của một chế độ đã, đang và còn kết bạn với Việt Nam thông qua lá bùa Chủ nghĩa xã hội. Hà Nội mang lá bùa này để yễm cánh cửa mở ra thế giới dân chủ tự do, Bắc Kinh dùng là bùa này lôi kéo chư hầu, tập họp những con cờ yếu ớt nhằm tạo ra một khu vực chính trị huyền ảo chuyên thôi miên những tư duy độc tài và dốt nát.
Mang tàu chiến ra bảo vệ bãi Tư Chính là việc làm cần thiết và đứng đắn mặc dù sau nhiều ngày cân nhắc và bản cãi trong nội bộ. Hà Nội có thể nhận ra rằng đây là thời cơ duy nhất khiến Trung Quốc không thể mang tàu chiến ra như họ từng hống hách tuyên truyền bởi hai bên con rồng đỏ ấy là những con phương hoàng lửa đang cất cánh hăm dọa vị thế thiên tử của chú rồng cộng sản. Đài Loan đang ra mặt công khai và mạnh mẽ chống lại Trung Quốc và sẵn sàng tuyên bố độc lập khi cơ hội chín muồi. Hong Kong không vừa, mặc dù không một tấc sắt trong tay, 7 triệu con người này chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy rằng sức mạnh của nhân dân mới là thứ vũ khí kinh khủng và khó đối phó nhất. Hai gọng kềm trói chặt những manh động mà nếu muốn Trung Quốc cũng khó lòng thực hiện.
Yếu tố thứ ba tuy mờ nhạt hơn nhưng lại ám ảnh cả triều đại của Tập Cận Bình khiến cả tập đoàn này quên ăn quên ngủ từ nhiều tháng qua sau khi Mỹ chính thức phát động cuộc chiến tranh thương mãi.
Kinh tế chao đảo và không có dấu hiệu hồi phục làm cho Bắc Kinh nôn nóng. Những dự án thế kỷ như “Nhất đái nhất lộ” coi như chờ ngày tống biệt. Thậm dư ngân sách ngày một ít đi, thị trường chứng khoán bấp bênh và chưa có ngày nào dấy lên chút hy vọng xanh sàn. Tăng trưởng liên tục sụt giảm và chưa có dấu hiệu chững lại, người dân các vùng đất nông thôn tiếp tục bị thiên tai và kinh tế suy giảm đe dọa, đã vậy cuộc chiền thương mại kéo theo hàng trăm công ty lớn rời khỏi Trung Quốc đã làm Bắc Kinh giận dữ và tìm mọi cách phản công.
Sức đâu nữa mà đánh nhau với Việt Nam chỉ để tranh giành một chút biển nhưng chấp nhận mất đi nhiều lần hơn thế?
Mà chắc gì Mỹ sẽ ngồi yên nhìn một kẻ vũ phu hà hiếp một chú nhóc ngay trước mắt minh?
Không lẽ cả một lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới đang có mặt tại Biển Hoa Đông và Biển Đông lại bình chân như vại? Đây là cơ hội khiến Mỹ có cớ can thiệp nhằm lôi kéo Việt Nam khi Hà Nội còn ậm ờ vì sức ép của Trung Quốc. Những câu chữ “ba không” của Việt Nam chỉ làm yên lòng người bạn vàng nay được dịp bẻ đôi để về với Mỹ không lẽ Hà Nội không có tính toán gì với thái độ sắp tới hay sao?
Những viễn ảnh ấy Bắc Kinh cũng thấy rõ có khi hơn cả Hà Nội và vì vậy câu chuyện bãi Tư Chính có nóng hơn nữa cũng chỉ là màn hù dọa muôn thuở của Trung Quốc đối với những quốc gia nhút nhát mà thôi.
Buông bỏ sự chịu đựng nhục nhã từ bao năm nay là cả một nổ lực lớn lao của Hà Nội, và vì vậy nếu Trung Quốc nhượng bộ lần này thì vòng quay lại vào quỹ đạo của nó, tức là tiếp diễn kịch bản mềm nắn rắn buông như từ nhiều chục năm qua đối với Việt Nam.
Dù sao thì hành động thức tỉnh kịp thời này cho thấy thuyết âm mưu cho rằng Việt Nam đã mất sau Hội Nghị Thành đô rất khó đứng vững. Biển Đông vẫn muôn đời là thước đo sức mạnh giữ nước của bất cứ chế độ nào. Nước còn thì chế độ còn, nước mất thì chế độ ấy dù siết tay với quân thù bao chặt đi nữa cũng không thể thoát cơn thịnh nộ của nhân dân.
Bài bình luận gần đây