Trong bối cảnh hội nhập hôm nay, bất luận tình hình chính trị có biến chuyển thế nào thì hướng phát triển của Việt Nam vẫn là hướng biển, tức hướng Đông. Ngay cả Chiến lược Kinh tế Biển của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định tới năm 2020 kinh tế biển sẽ góp hơn 50% GDP cả nước, và con số này còn tăng lên nữa theo thời gian.
Trong khi đó, hướng bành trướng chính của Trung Quốc, ngày nào nó còn là một đế chế như hiện nay, vẫn luôn là hướng Nam, nhằm khống chế tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất đi qua nơi đây.
Biển Đông, như góc ngã ba đường, trở thành điểm đụng nhau giữa "hướng phát triển của Việt Nam" và "hướng bành trướng của Trung Quốc", nên xung đột là không thể tránh khỏi, chỉ chưa biết khi nào và mức độ ra sao.
Những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc và Việt Nam ý thức rõ điều này, nhưng đều cố tình trì hoãn xung đột vì những toan tính của mỗi bên.
Lãnh đạo Trung Cộng hiểu rõ xung đột sẽ đẩy Việt Nam gần với phương Tây hơn - một điều mà họ không hề mong muốn, vì:
(1) Sẽ khiến họ mất đi một đàn em ý thức hệ và làm họ trở nên cô độc hơn trong mô hình phát triển của mình;
(2) Tạo ra một đồng minh của Mỹ và Tây phương ngay vùng phên giậu.
Họ thích kịch bản một Việt Nam thần phục không tiếng súng hơn. Nhưng vấn đề là Bắc Kinh không tin Hà Nội, vì nếu như trong thời chiến trước đây họ là nhà tài trợ chính cho Hà Nội thì nay Hà Nội có thể tự sống bằng nguồn thu nội địa, không còn quá nhiều lý do để thần phục họ nữa. Bởi vậy, trong ngắn hạn có thể họ chấp nhận tình trạng quy phục giả hiện nay, nhưng trong dài hạn, để nắm phần chắc trong tay, họ phải xuống tay. Đó là còn chưa kể đến nhu cầu của Bắc Kinh đưa xung đột ra ngoài biên giới mỗi khi nội trị rối ren, kèm thúc bách của Giải phóng Quân Trung Quốc phải nâng cao kinh nghiệm tác chiến của không quân và hải quân hòng chuẩn bị cho những cuộc đụng độ lớn hơn với những đối thủ mạnh hơn sau này - tất cả sẽ còn đặt toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam vào thế chỉ mành treo chuông trong một thời gian dài nữa.
Bài bình luận gần đây