NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Khi Jessica Farmer mời đến dự buổi tiệc chia tay với cô vào ngày 10/7/2019, tôi cảm thấy như có điều gì hụt hẫng, lòng buồn man mác, vô hạn. Vậy là cô hết nhiệm kỳ 2 năm công tác ở Việt Nam. Thời gian quả là ngắn ngủi nhưng cô đã kịp gieo vào lòng tôi cũng như nhiều người hoạt động xã hội dân sự nhiều ấn tượng khó phai.
Jessica là tham tán chính trị Đại sứ quán Mỹ. Với sự nỗ lực trong công việc và tình cảm của cô đối với những người hoạt động dân chủ, nhân quyền, Jessica đã làm được nhiều việc. Đặc biệt, tính cách cởi mở, thân thiện của cô cũng góp phần làm tăng thêm hiệu quả của công việc. Như nhiều cán bộ ngoại giao khác, Jessica có thể giao tiếp bằng tiếng Việt. Khi không có phiên dịch, chúng tôi vẫn lựa từ ngữ để hiểu nhau được.
Tôi nhớ một lần, chúng tôi làm việc với đại sứ quán Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam tại Fortuna Hotel Hanoi. An ninh vòng trong vòng ngoài rất đông. Cuộc họp kết thúc vào lúc 4 giờ chiều. Ra khỏi cửa, có nhiều ống kính an ninh chĩa vào chúng tôi. Chúng tôi cảm nhận được không khí bắt bớ mà tôi nghĩ, trước hết là họ nhằm vào Bùi Thị Minh Hằng vì mấy ngày trước, chị liên tục có những hoạt động và va chạm với công an ở Hà Nội và Sơn Tây. Chúng tôi đi sát nhau sang bên kia đường. Jessica và một nữ viên chức đại sứ quán nữa đi cùng chúng tôi để trông chừng. Chúng tôi không dám đi ngay và Jessica cũng không dám quay trở lại. Cứ thế cho đến tối và cho đến khi Minh Hằng gọi được chiếc xe của người quen tin cậy đến giải thoát. Cậu lái xe là người có kinh nghiệm, nhằm thẳng hướng Nội Bài cắt đuôi rồi vòng về hướng khác.
Jessica hiểu được hoàn cảnh của nhiều người trong giới xã hội dân sự. Hôm viếng Thượng nghị sĩ John McCain tại tòa nhà Vườn Hồng (Rose Garden), 170 Ngọc Khánh có rất đông anh chị em XHDS, khoảng hơn 20 người. Jessica thấy tôi vồn vã hỏi chuyện. Cô còn hỏi han nhiều người khác và còn giới thiệu từng người cho các viên chức khác của đại sứ quán. Jessica nói chuyện nhiều hơn với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Tôi đứng cùng anh Nghĩa, thấy cô hỏi thăm cả chị Nga (vợ anh Nghĩa), chuyện chị đi Thụy Sĩ nhận giải thưởng cho anh và hỏi thăm cả cháu Thủy con trai anh chị đang học bên Mỹ nữa. Thì ra, cô hiểu khá rõ về hoàn cảnh của anh Nghĩa.
Jessica cũng đã mấy lần đi Hải Phòng, chuyến gần đây nhất là để tiếp nhận bức tranh đồng của nhà thơ Phạm Xuân Trường tặng tổng thống Donald Trump. Anh Nghĩa kể mấy chi tiết mà anh cho là Jessica rất tinh tế. Anh nhận xét, Jessica rất nhiệt tình với anh em dân chủ, giao tiếp cởi mở, nói chuyện tập trung không lan man. Phong cách đúng là một nhà ngoại giao, khác hẳn mấy ông cộng sản hay nói lung tung với những động tác thừa thãi không hợp với bối cảnh của sự việc.
Là người làm công tác nhân quyền, Jessica vẫn theo dõi tình hình tù nhân lương tâm ở VN. Tôi biết chuyện, sau khi xử phúc thẩm vụ án Hội anh em dân chủ, Jessica đã tìm gặp TNLT Phạm Văn Trội ở trại giam Nam Hà hỏi nguyện vọng của anh và ngỏ ý muốn vận động cho anh tị nạn chính trị ở Mỹ. Phạm Văn Trội đã từ chối, chấp nhận tiếp tục đấu tranh ở VN. Câu chuyện nói lên tinh thần Phạm Văn Trội, tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là sự quan tâm của Jessica đến những TNLT.
Không chỉ với giới đấu tranh dân chủ, Jessica còn bỏ nhiều thời gian quan tâm đến các vấn đề xã hội khác. Chẳng hạn khi các dự án BOT có vấn đề nhập nhằng về việc thu phí, cô mời gặp Huệ Như và Nguyễn Trần Công. Huệ Như là người bị đánh đến sảy thai khi khi đòi hỏi sự minh bạch trong việc thu phí chống BOT bẩn ngày 20/5/2019. Cuộc gặp diễn ra hơn 1 giờ, đủ thời gian để nhóm này thông báo về BOT bẩn như BOT đặt quá dày, hết hạn vẫn thu, làm nơi này thu phí nơi khác. Công an can thiệp quá sâu, bắt bớ đánh đập những người đấu tranh. Hà Văn Nam và nhiều người đòi hỏi minh bạch bị bắt và khởi tố, người thì bị giữ xe và điện thoại... Jessica rất xúc động khi nghe Huệ Như báo cáo và hứa sẽ phản ánh đến chính phủ VN.
Nếu Jessica gặp Huệ Như để tìm hiểu về BOT bẩn thì cùng buổi làm việc hôm ấy, cô còn gặp nhóm dân oan bị cướp đất Dương Nội do chị Nguyễn Thị Tâm đại diện. Nhờ vậy, cô mới biết được tình trạng thu hồi đất trái luật ở Việt Nam để làm giàu cho giới doanh nghiệp và quan chức, việc giải quyết khiếu nại bế tắc của chính quyền và thanh tra. Qua đó, Jessica hiểu được tình trạng thê thảm của dân oan bị cướp đất khắp nơi ở VN, biết đến “phố dân oan” Ngô Thì Nhậm. Nhóm dân oan Dương Nội rất phấn khởi, họ gọi Jessica bằng cái tên thân mật là “cô Tây” và nhận xét không ngờ cô lại gần gũi, cởi mở đến như thế. Nó khác hẳn với thái độ khệnh khạng của quan chức VN đối với dân mỗi khi họ đi khiếu nại hoặc đề nghị việc gì đó.
Tôi đã tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc với quan chức đại sứ quán của nhiều nước. Dù đại diện cho các cường quốc hay là quốc gia văn minh, họ không bao giờ tỏ ra xem thường, phân biệt đối với công dân của một đất nước nước nghèo nàn và lạc hậu như VN. Tiếp xúc với họ, dễ nhận ra phong cách bình dị và khiêm nhường, thấy mình được tôn trọng và được đối xử bình đẳng.
*
Trở lại buổi chia tay với Jessica. Nhận lời mời của cô, tôi muốn vợ tôi cùng đi để tạm biệt cô vì vợ tôi rất quý mến Jessica qua những câu chuyện tôi kể về cô hoặc theo dõi trên mạng. Dĩ nhiên, tôi phải hỏi ý kiến Jessica chứ không thể đường đột và nhận được câu trả lời, em rất mong được gặp chị ấy.
Phụ nữ có tình cảm và suy nghĩ riêng của họ. Điều mà vợ tôi nghĩ đến là tặng Jessica món quà nào cho có ý nghĩa và cuối cùng, vợ yêu cầu tôi đưa đến tận chợ Lụa ở làng nghề Vạn Phúc để mua quà kỷ niệm tặng Jessica. Theo thói quen hay lợi dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, vợ tôi tranh thủ nói chuyện với mấy cô bán hàng về Jessica, về việc các nước quan tâm đến nhân quyền ở VN. Thật là ý nghĩa khi một người phụ nữ Việt tặng quà cho một phụ nữ Mỹ. Dĩ nhiên, buổi chia tay hôm ấy, Jessica còn nhận được những món quà khác.
Trong buổi họp mặt, tôi có kể ra câu chuyện này với ý giải thích tại sao vợ tôi lại có mặt hôm nay. Sau đó, vợ tôi bảo anh nói về em làm em ngượng quá. Tôi nói, anh đâu có khoe về em, mà đó là điều mà anh muốn nói về Jessica.
Vừa thấy bóng chúng tôi ngoài cổng, Jessica và các viên chức Văn phòng chính trị ra tận cổng đón vào. Tôi quan sát xung quanh rồi bảo: “Hình như, chúng tôi là khách đầu tiên có mặt. Tôi giơ tay nhìn đồng hồ, thì ra chúng tôi đến sớm 5 phút. Tôi nói vui: Sớm 5 phút, thảo nào chưa có ai. Thành ngữ VN có câu: ‘Chợ chưa họp kẻ cắp đã đến’ và bảo Vũ Tú Mạnh dịch và nhớ giải thích đầy đủ ý nghĩa câu nói theo đúng ngữ cảnh. Các bạn Mỹ cười rất vui: “Không sao, chúng ta là anh em trong nhà mà”.
Buổi họp mặt diễn ra vui vẻ thân tình và đầm ấm. Ông Noah Zaring tham tán chính trị nhận xét về Jessica như sau: “Chị Jessica đã cộng tác với rất nhiều các anh chị làm công tác nhân quyền ở đây. Tôi nghĩ chị jessica đảm nhận công tác nhân quyền thậm chí còn tốt hơn cả nhiều người khác. Chị jessica không chỉ có kỹ năng của một nhà ngoại giao mà còn có cả sự quan tâm tình cảm của một người làm nhân quyền trong chị”.
Ông Noah Zaring còn kể cho chúng tôi nghe, Jessica khi làm việc với quan chức chính phủ VN cũng gây được nhiều tình cảm tốt đối với họ. Người ta còn ôm cô để bày tỏ tình cảm quý mến. Tuy nhiên trong buổi gặp mặt hôm ấy, khách mời chỉ có giới hoạt động xã hội dân sự, chứ không thấy có một quan chức chính phủ hay bộ ngoại giao nào.
Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ sau 2 năm những gì chị jessica đã làm thì VN đã có những điều tốt hơn. Không phải là một sự thay đổi thế giới mà ai đó có thể làm mà chúng ta đã có những thay đổi dù nhỏ ở VN. Với vị trí của nhà ngoại giao, chúng tôi nghĩ rằng thay đổi được một cái gì đó có thể tốt hơn thành công một việc gì nhưng chưa chắc đã thiết thực”.
Tôi được biết sau khi về Hoa Kỳ, Jessica sẽ đảm nhận công tác ở Na Uy. Tất nhiên, cô phải mất một thời gian học tiếng sao cho đủ vốn ngoại ngữ nhất định như cô đã từng mất thời gian học tiếng Việt. Tôi cứ nghĩ những nhà ngoại giao đã quen ở nước nào thì nên tiếp tục công việc tại quốc gia đó, tại sao còn phải mất thêm thời gian làm quen và học tiếng làm gì. Điều này đúng là tôi không hiểu, nhưng bên cạnh đó tôi còn có sự tiếc nuối Jessica. Tôi được mọi người nhường, thay mặt khách mời phát biểu. Tôi nhắc lại những kỷ niệm về Jessica. Tôi mong cô dù đi nhận công tác ở đâu thì hãy mang theo những kỷ niệm trong thời gian công tác tại Việt Nam, những ấn tượng về một đất nước nghèo khó, về những người dân đau khổ, bất hạnh và về giới hoạt động xã hội dân sự gan góc luôn trong tình trạng đầy nguy hiểm. Tôi nhờ Jessica gửi tình thân của chúng tôi và chúc hạnh phúc tới gia đình và bạn bè cô ở Hoa Kỳ. Tôi hy vọng, dù không còn trực tiếp công tác tại VN nhưng cô vẫn có thể giúp cho VN những gì tốt đẹp.
Jessica bịn rịn tiễn chúng tôi ra cổng nói, em rất ấn tượng về những lời phát biểu của anh hôm nay.
Tất nhiên, những gì tôi viết ra đây chỉ là một vài góc nhìn và hết sức cô đọng. Làm sao tôi có thể biết hết được những hoạt động của Jessica trong hai năm qua. Để kết thúc câu chuyện về Jessica, tôi xin kể thêm một chi tiết nhỏ. Trước buổi chia tay 2 ngày, tức là ngày 8/7, Jessica xuống Hải Phòng để tiếp nhận bức tranh đồng của nhà thơ Phạm Xuân Trường tặng tổng thống Donald Trump như đã nói trên đây. Câu chuyện rất thú vị mà anh Nghĩa nói với tôi qua messenger gần 1 giờ. Nhưng ở đây lại là chuyện khác nên tôi không kể lại, chỉ nhắc thêm là Jessica cũng đã về thăm quê hương Nguyễn Du. Khi nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đưa tin về buổi gặp gỡ giữa Jessica với anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng lên facebook, tôi vào comment: “Jessica rất thân thiện”. Có lẽ chưa hài lòng với nhận xét của tôi nên ngay sau đó chỉ vài giây, anh comment trả lời: “Vô cùng thân thiện”.
19/7/2019
Bài bình luận gần đây