Tin tức về sự kiện Bãi Tư Chính là tin hot nhất trên mạng xã hội trong suốt một tuần qua, khi search từ khóa "bãi tư chính" có 56.500.000 kết quả trong vòng 0,50". Tiếc rằng, tất cả các thông tin được lan truyền trên mạng đều xuất phát từ báo chí nước ngoài.
Khi bản tin có tựa đề "Tàu Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đối đầu ở Bãi Tư Chính" xuất hiện đêm 12/7/2019 của Đài Á Châu tự do (RFA), đã có nhiều người hoài nghi về tính xác thực của những thông tin trong bản báo và không ít người khẳng định đó là fake news. Cho dù nguồn của thông tin này xuất phát từ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (South China Morning Post) đăng tải vào chiều cùng ngày. Có lẽ vì South China Morning Post là một nhật báo tiếng Anh xuất bản tại Hồng Kông, nhưng nay thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), nên người ta nghi ngờ rằng, đó là một thuyết âm mưu có lợi cho phía Bắc Kinh.
Theo bản tin của South China Morning Post đã dẫn đoạn Tweeter của ông Ryan Martinson - Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ cho biết, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Hải Dương Địa chất 8 ngày 3/7 đã đi vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chấn. Và tại khu vực trên có sự xuất hiện của các tàu hộ tống tàu thăm dò Trung Quốc, gồm 02 tàu Hải Giám có vũ trang 12 ngàn tấn số hiệu 3901 và tàu 2.200 tấn số hiệu 3711.
Theo luật quốc tế, việc các tàu nước ngoài đi qua vùng thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế EEZ đang di chuyển bình thường, không gây đe dọa, kể cả tàu chiến nước ngoài đi qua đều là hợp pháp, không ai có quyền ngăn cản. Nhưng nếu có những vi phạm mang tính dân sự, thì quốc gia năm giữ chủ quyền cũng chỉ có thể chấp pháp dân sự. Nhưng Bãi Tư Chính nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu chỉ 200 hải lý thì Trung Quốc không có lý do gì gọi đây là khu vực là tranh chấp và đưa tàu thăm dò địa chất đến hoạt động.
Những tin tức từ Bãi Tư Chính lan truyền trên mạng cho biết, đã có sự đụng độ giữa các tàu Cảnh Sát Biển (CSB) của Việt Nam và các tàu Hải Cảnh của Trung Quốc. Cụ thể là các hành động mang tính khiêu khích như, dùng vòi rồng phun nước vào nhau, hoặc sử dụng thân các con tàu để đâm, va... nhằm cản đường của đối phương.
Việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa chất 8 và tàu hộ tống có vũ trang, đi sâu vào lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam gần khu vực bãi Tư Chính, không chỉ là hành động mang tính dân sự thông thường. Mà đó là hành động mang tính khiêu khích và thách thức chủ quyền của Việt Nam một cách có chủ đích, đây là điều nằm trong sách lược hiện thực hóa "Đường Lưỡi Bò" phi pháp của chính quyền Bắc Kinh. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/7/2019 bất ngờ đến thăm và làm việc với Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đã phần nào cho người ta thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Đáng chú ý là sự kiện này đã xảy ra ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc Hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Truyền thông của Thái lan diễu cợt rằng, Trung Quốc đã chào đón chuyến thăm Trung Quốc của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bằng “đại hội té nước” trên Biển Đông. Do vậy, đây chắc chắn không thể là một hành động vô tình và chắc chắn phải là có dụng ý nhằm dằn mặt và răn đe ban lãnh đạo Việt Nam.
Trước một sự việc nghiêm trọng như vậy, người ta không biết vì sao truyền thông Việt Nam đã tuyệt đối câm lặng và không đưa bất kỳ tin tức chính thức nào về sự kiện quan trọng có ảnh hưởng đến chủ quyền an ninh quốc gia này.
Trong các xã hội độc đoán, hành động nhà nước cố ý không đưa tin những vấn đề mang tính nghiêm trọng thường xảy ra và là hành động có tính toán. Vì nhà cầm quyền cho rằng, không đưa tin nghĩa là không có những vụ việc ấy và việc đưa tin đồng nghĩa với sự tiếp tay cho đối phương loan tải các tin tức gây bất lợi cho họ. Như vụ việc tin tức về phiến quân Hồi giáo ở Miền Nam Thái lan tiến hành đấu tranh vũ trang, đánh bom, ám sát, giết hại các nhà sư Phật Giáo v.v... để gây bất ổn nhằm tạo áp lực lên chính phủ. Song đến nay đã vắng bóng trên truyền thông, nhưng trên thực tế nó vẫn diễn ra vì có ít người biết. Đó là kết quả của lời yêu cầu của người đứng đầu chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan Ocha khi đó đối với báo chí. Thực tế cho thấy phương pháp này khá hữu hiệu.
Qua điều đó cho thấy, việc xung đột giữa lực lượng chấp pháp của CSB Việt Nam đối với Lực lượng của Hải Quân Trung quốc tại khu vực gần Bãi Tư Chính thì phía Việt Nam không chỉ yếu thế hơn mà còn đang ở thế hết sức bất lợi. Và để muốn che giấu điểm yếu này cộng với việc lo sợ sự phẫn nộ của dân chúng trước việc Bắc Kinh xâm lấn chủ quyền quốc gia, có thể tái diễn các cuộc bạo động, đốt phá nhằm vào các địa điểm thuộc về nhà đầu tư Trung Quốc tới mức không kiểm soát được, như đã từng xảy ra vào năm 2014 khi giàn khoan HD - 981 xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. Đó chính là nguyên nhân cốt lõi của việc nhà cầm quyền Việt Nam đã dấu bặt các thông tin về vụ việc này.
Nếu nhìn dưới góc độ vừa nêu thì việc ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói với BBC Việt ngữ rằng: "Việc chính phủ Việt Nam, và truyền thông dòng chính Việt Nam không đề cập gì là chuyện bình thường." thì nó cũng có lý của họ.
Song ở một góc độ khác, Nhà báo Nguyễn Tiến Tường cho rằng, "Sự việt vị của báo chí đẩy Tư Chính thành một thế trận hoả mù. Quan trọng hơn, nó một lần nữa thắp lên những luồng nộ khí xung đột trong nước, gây chia rẽ sâu sắc trên đất liền. Và theo thiển kiến cá nhân, đó là hồng tâm khác của người TQ." là hoàn toàn chính xác.
Đó là lý do vì sao trong thời gian xảy ra sự cố Bãi Tư Chính, do cái khoảng trống thông tin về vụ việc này của báo chí nhà nước, đã tạo ra "sân chơi" của truyền thông ngoài luồng trên các mạng xã hội Facebook hay Youtube... Đã lan tỏa rất nhiều các thông tin đẫm chất thuyết âm mưu, khó có thể kiểm chứng mà nhà nước Việt Nam gọi đó là những thông tin "xấu, độc" rất bất lợi. Đó là các thông tin như: Việt Nam - Trung Quốc thỏa thuận chia đôi Bãi Tư Chính, hay thành lập Đặc Khu Kinh tế Bãi Tư Chính cho nước ngoài thuê 120 năm v.v... . Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của nhà nước Việt Nam vốn đã bị mang tiếng nhu nhươc, hèn nhát và bán nước. Đó là điều thật là mất nhiều hơn được.
Sau rất nhiều ngày chờ đợi, phải chờ đến tối ngày 16/7/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông. Bà Hằng cho biết:
"... Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982."
Trong phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng không chỉ rõ ra rằng Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền tại Bãi Tư Chính của Việt Nam mà chỉ dám nói chung chung là “nước ngoài” và không rõ vi phạm gì, ở đâu? Điều đó cho thấy cái " căn bệnh" của nhà nước Việt Nam lâu nay trong quan hệ với Bắc Kinh vẫn được cho là, "tàu thì lạ, nhưng hèn hạ thì quen" vẫn chưa thuyên giảm. Vì thế chúng ta cũng đừng trách móc báo chí nhà nước, vì tất cả những thứ được coi là nhạy cảm Việt Nam vẫn chưa bỏ được thói "thổi còi cuốc đất", đưa tin theo chỉ đạo.
Thật ra, việc xác thực hay kiểm chứng những thông tin kể trên bây giờ là việc không hề khó, các chuyên gia có thể dùng công cụ Google Maps để nhanh chóng xác định được tọa độ và định vị địa điểm, thời gian và sự di chuyển hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa chất 8 có thể nói là từng giờ, từng phút.
Tiếc rằng ông Bùi Thanh một lãnh đạo của báo Tuổi Trẻ lại cố ý cho rằng, “Tờ SCMP (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong) cũng đã chộp lấy và với nghệ thuật “nghe hơi nồi chỏ” từ phòng máy lạnh của mình, SCMP đã có bài tường thuật diễn biến rất hongkong. SCMP đã copy nội dung và hình ảnh vệ tinh trên twitter của gs Ryan Martingson. Tuy nhiên do không đối chiếu hình ảnh vệ tinh đó với bản đồ biển Đông, nên đã sai lạc nghiêm trọng về địa điểm: bãi Tư Chính!”.
Không bình luận nhiều hơn về hành động đi ngược với đạo đức của người làm báo của ông Bùi Thanh, nhưng có thể coi rằng đó là một khoảng lặng trong vụ việc ở Bãi Tư Chính của giới truyền thông.
Những người lính lần đầu cầm súng ra trận, họ luôn nhớ mãi và không bao giờ quên về cái khoảng tĩnh lặng trước giờ nổ súng. Đó là cái thời điểm giữa cái sống và cái chết; giữa cái còn và cái mất của một con người. Và Bãi Tư Chính cũng không phải là ngoại lệ, còn hay mất thì chưa biết, nhưng sự phản bội của một vài nhà báo trong vụ việc xung đột ở Bãi Tư Chính thì không bao giờ có thể quên.
Ngày 17 tháng 7 năm 2019
© Kami
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây