Hơn 96 triệu người là dân số Việt Nam theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được công bố vào ngày 11/7 vừa qua.[1]
Với dân số này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới.
Nói một cách hài hước thì Việt Nam là cường quốc về số dân. Điều này khiến tôi nảy ra câu hỏi rằng quốc gia đông dân thứ 15 thế giới của chúng ta đứng thứ bao nhiêu về đóng góp cho sự tiến bộ của thế giới?
Khi đưa câu hỏi này lên Facebook cá nhân, tôi nhận được hai câu trả lời gây cười, đó là: "Gần út" và "Áp chót" (!).
Hai câu trả lời của hai facebooker như đùa nhưng được viết ra theo suy nghĩ mà có lẽ là thật, dù cảm tính vì không đi kèm phân tích hay lập luận nào cả.
Nếu có chỉ số nào được đo về mức độ đóng góp của các quốc gia cho thế giới, câu hỏi trên sẽ dễ dàng được trả lời.
Tôi đã không chắc về sự tồn tại của một chỉ số nào như vậy cho đến khi tìm ra Good Country Index (GCI), hay Chỉ số Quốc gia Tốt.[2]
GCI được lập ra bởi Simon Anholt, nhà tư vấn chính sách độc lập cho hơn 50 quốc gia khác nhau.
Ý tưởng về GCI là để đo lường những gì mỗi quốc gia đóng góp cho và lấy đi từ nhân loại (không tính những gì mỗi quốc gia đóng góp cho chính nó), tương quan với quy mô của nền kinh tế của nó (thay vì quy mô dân số như tôi hình dung).
GCI bao gồm 7 chỉ số thành phần:
Mối chỉ số thành phần này lại bao gồm 5 chỉ số thành phần nhỏ hơn, ví dụ, chỉ số thứ nhất – đóng góp cho khoa học và công nghệ – được cấu thành từ (1) số sinh viên quốc tế, (2) xuất khẩu báo chí, (3) số ấn phẩm quốc tế, (4) số giải Nobel, và (5) số bằng sáng chế.
Được công bố lần đầu vào năm 2014, đến nay, GCI đã có 4 bản v1.0, v1.1, v1.2 và v1.3 lần lượt cho 4 năm là 2014, 2016, 2017 và 2018.[4]
Bảng: Thứ hạng của chỉ số tổng thể và 7 chỉ số thành phần của 9 quốc gia Đông Nam Á năm 2018 (Nguồn: goodcountry.org)
Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 116/163. So với 9 quốc gia Đông Nam Á được khảo sát (không có Myanmar và Đông Timor), Việt Nam chỉ đứng trên Campuchia (130/163) và Lào (134/163), và cách đáng kể so với quốc gia đứng trên gần nhất là Indonesia (83/116).
Mười quốc gia đứng đầu bao gồm (1) Phần Lan, (2) Hà Lan, (3) Ireland, (4) Thụy Điển, (5) Đức, (6) Đan Mạch, (7) Thụy Sỹ, (8) Na Uy, (9) Pháp, (10) Tây Ban Nha.
Hai quốc gia đông nhất là Trung Quốc và Ấn Độ có thứ hạng khá hơn Việt Nam nhiều, đó là 61/163 và 44/163, một cách tương ứng.
Các con rồng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc có thứ hạng đáng ngưỡng mộ, lần lượt là 24/163 và 26/163 (còn lại, không có dữ liệu về Đài Loan và Hồng Kông).
Xét riêng các chỉ số thành phần, Việt Nam có thứ hạng khá tốt về đóng góp cho thịnh vượng và bình đẳng (58/163), song có thứ hạng rất thấp về đóng góp cho trật tự thế giới (149/163) và đóng góp cho hành tinh và khí hậu (147/163).
Khi xem GCI năm 2014, điều khiến tôi bật cười là chỉ số này của Việt Nam là 124/125, tức không thể khớp hơn với hai bình luận "Gần út" và "Áp chót" của hai facebooker kể trên.
Dẫu vậy thì thứ hạng của Việt Nam qua các năm về sau đã có chiều hướng cải thiện, đó là 98/163 năm 2016, 128/163 năm 2016, và vừa nêu là 116/163 năm 2018.
Tuy GCI là một chỉ số mang tính tham khảo, song có lẽ đáng để Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào ở thứ hạng thấp cần quan tâm để cải thiện sự đóng góp của mình.
Nếu như không có nhiều đóng góp cho thế giới, sự tồn tại của mỗi quốc gia ở thứ hạng thấp sẽ không có nhiều ý nghĩa cho nhân loại. Xét cho cùng, quốc gia nào cũng là một phần của thế giới, và việc đóng góp – ngoài là một nghĩa vụ pháp lý theo luât quốc tế trong những trường hợp và về những phương diện nhất định – còn là một bổn phận tự nhiên.
Chú thích:
[1] Dân số Việt Nam hơn 96,2 triệu người, đông thứ 15 thế giới
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dan-so-viet-nam-hon-96-2-trieu-dong-thu...
[2] Website về Chỉ số Quốc gia Tốt
https://www.goodcountry.org
[3] Dữ liệu nguồn của Chỉ số Quốc gia Tốt
https://www.goodcountry.org/index/source-data
[4] Kết quả Chỉ số Quốc gia Tốt
https://www.goodcountry.org/index/results?p=overall
Bài bình luận gần đây