You are here

Ông Trần Vũ Hải không vi phạm điều 161 Bộ luật hình sự về tội trốn thuế

Ảnh của nguyenvandai

Nội dung vụ án trốn thuế được tổng hợp từ báo chí của nhà cầm quyền cộng sản:

Vào tháng 8 năm 2016, vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải có nhận chuyển nhượng một bất động sản từ ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.


Sau đó cơ quan thuế tỉnh Khánh Hòa cho rằng ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã kê khai giá chuyển nhượng thấp để trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng. Và cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc.

Phía cơ quan điều tra cho rằng vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã ký vào những giấy tờ mua bán nhà đất tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Theo cơ quan này, việc ký vào các giấy tờ này đã đã giúp người bán trốn thuế với số tiền là 276 triệu đồng.

Vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải và những người bán là ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã thương lượng với cơ quan thuế tỉnh Khánh Hòa để nộp tiền khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa vẫn ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải về hành vi được coi là giúp sức trốn thuế cho người bán.

Và ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ở TP Nha Trang, Khánh Hòa cũng bị khởi tố với tội danh trốn thuế được qui định tại điều 161 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009.

Bộ luật hình sự được sửa đổi năm 2009, tại khoản 1 điều 161 qui định:

“Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.”

Theo nguyên tắc của luật hình sự Việt Nam thì có 4 yếu tố cấu thành tội phạm, thiếu một trong bốn yếu tố hoặc chỉ cần một trong bốn yếu tố không thỏa mãn thì không bị coi là tội phạm. 

Tôi sẽ phân tích yếu tố thứ nhất của cấu thành tội phạm theo điều 161 là chủ thể tội phạm:

Theo khoản 1, Điều 2 Luật quản lý thuế 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), những đối tượng phải đóng thuế gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật; Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế.

Do đó chủ thể của tội trốn thuế là người có trách nhiệm phải nộp thuế hoặc người được ủy quyền kê khai và nộp thuế. Và trong vụ việc cụ thể này, những người có trách nhiệm nộp thuế theo luật thuế là Ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ở TP Nha Trang, Khánh Hòa. Họ là những người chuyển nhượng bất động sản.

Vợ chồng ông Trần Vũ Hải không phải là chủ thể nộp thuế thì đương nhiên không phải là chủ thể của tội trốn thuế.

Yếu tố cấu thành tội phạm thứ hai là hành vi khách quan của tội phạm. Ở đây cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa cáo buộc ông Ngô Văn Lắm và bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá qui định để trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng.

Vậy hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá quy định có phải là hành vi khách quan cấu thành tội trốn thuế hay không?

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/06/2013 (có hiệu lực ngày 15/08/2013) thì người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được qui định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được qui đinh tại Điều 161 của BLHS.

Theo Điều 108 Luật quản lý thuế: Về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì:

“Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn:

1. Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán;

2. Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;

3. Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

4. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan trong thời gian sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

5. Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

6. Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hoá nhằm mục đích trốn thuế;

7. Sử dụng hàng hoá được miễn thuế không đúng với mục đích quy định mà không khai thuế”.

Không thấy có hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá quy định quy định trong điều luật này.

Căn cứ vào các quy định trên thì hành vi kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá quy định ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không phải là hành vi trốn thuế và không cấu thành tội trốn thuế.

Như vậy đã có hai yếu tố cấu thành tội trốn thuế không thỏa mãn. Bất kỳ một người học luật hay am hiểu hiểu luật hình sự Việt Nam đều có thể đưa ra kết luận vợ chồng ông Trần Vũ Hải không phạm tội trốn thuế được qui định tại điều 161 Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009.