Trên thế giới, có lẽ không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở nước ta.
Đại Tá Trần Trọng Duyệt (Chỉ Huy Trưởng Trại Hoả Lò)
Cũng như Cát Bụi Chân Ai, tác phẩm Chiều Chiều rất được công luận quan tâm, cùng không ít những lời tán thưởng:
Nguyễn Sỹ Đại: “Tô Hoài sinh ra để viết.”
Đặng Tiến: “Ở các tác phẩm trước, Tô Hoài thường bao che, bào chữa, như là một hồi ký bao cấp. Đến Chiều Chiều, giọng kể nghiêm nghị hơn về đời sống chính trị và văn nghệ ngột ngạt những năm 1955-1970, về những sai lầm trong chính sách Cải cách ruộng đất, về những đợt học tập chiếu lệ ở trường Đảng cao cấp là trường Nguyễn Ái Quốc …”
Hoàng Khởi Phong: “Cát bụi chân ai là một tác phẩm có nằm trong lãnh vực phản kháng hay không khoan hãy xét tới. Nó là một tập hồi ký nên chỉ có vấn đề trung thực hay giả dối là quan trọng… Nó đã được viết như những lời thì thầm trong bóng tối, những lời thật thà mà vì sợ hãi quá lâu không dám nói to… Con chim sắp chết cất tiếng bi ai, con người sắp chết nói lời nói thật. Huống hồ Tô Hoài là một nhà văn, lại có tài!”
Tôi hoàn toàn và tuyệt đối không dám nghi ngờ chi về tài năng của ông, chỉ có hơi nghi ngại, và thoáng chút ngỡ ngàng (vì dăm ba câu chữ) thôi:
“Phùng Cung bị bắt khi nhân văn, nhân võ đã được dọn dẹp yên ắng, đã tàn… Tôi không thể tưởng tượng ra được một Phùng Cung thế nào mà bị bắt… Lại hơn mười năm sau. Chặp tối, một người bước vào cửa. Dáng ủ rũ, mặt tái ngoét, không phải Phùng Cung mà là cái bóng Phùng Cung trên tờ giấy tẩy chì mờ mờ.
- Phùng Cung phải không?
- Tôi đây.
- Còn sống về được a?
- Cũng không hiểu tại sao, anh ạ.
…
Phùng Cung hỏi tôi:
- Anh có biết tôi phải giam bao nhiêu năm?
- Không biết.
- Vâng, mười một năm tù biệt giam.
Đã tù lại biệt giam, lại bệnh lao, thế mà không chết rũ tù.” (Tô Hoài. Cát Bụi Chân Ai. Hà Nội: Hội Nhà Văn, 1992).
Nửa thế kỷ sau – sau “khi nhân văn, nhân võ đã được dọn dẹp yên ắng” – nhưng sự hậm hực của Tô Hoài về những đồng nghiệp (không may) xem chừng vẫn chưa “yên ắng” lắm. Lối viết cường điệu, theo tiêu chuẩn của thời bao cấp – xem ra – cũng không thay đổi chi nhiều:
“Thói quen người Mỹ, bữa ăn thịnh soạn nửa đêm có món thịt gà tây – như ta Tết ông táo cúng cá chép… Thế mà những năm ấy, nhiều làng hai bên sông Đuống, hợp tác xã, để chuyên nuôi gà tây. Đến áp Nôen, hàng đoàn xe tải số biển đỏ của quân đội về lấy gà. Gà tây đem cho tù binh Mỹ ăn tết.”
Chỉ có vài trăm tù binh Mỹ thôi mà “nhiều làng đã chuyển ruộng cho các xóm khác để chuyên nuôi gà Tây” và “đến áp Nôen hàng đoàn xe tải về lấy gà cho tù binh Mỹ ăn tết.” Ăn uống kiểu đó thì bội thực chắc chết, chết chắc, chớ sống gì nổi – cha nội?
Văn phong của một ngòi bút lớn, viết vào lúc cuối đời (“con người sắp chết nói lời nói thật”) mà sao cứ xoen xoét như một anh cán bộ tuyên huấn hay một chị bí thư chi bộ vậy đó. Mà Đại Tá Trần Trọng Duyệt thì đúng là bí thư chi bộ trại Hỏa Lò, và miệng lưỡi của ông – rõ ràng – nghe có thơn thớt thật: “Trên thế giới, có lẽ không có nước nào đối xử với tù binh Mỹ tốt như ở nước ta. Đó là nhờ truyền thống khoan hồng và nhân đạo đã có từ hàng ngàn năm trước của dân tộc ta.”
Chưa hết, các ông “nhà báo” còn thêm mắm/dặm muối cho câu chuyện Hỏa Lò được thêm phần đậm đà và hấp dẫn:
“Để thay đổi không khí cho các tù binh đã phải ở trong trại lâu ngày, được sự phối hợp giúp đỡ của Công an Hà Nội và An ninh Quân đội, Ban chỉ huy trại còn nhiều lần tổ chức cho các tù binh đi tham quan một số di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của Thủ đô Hà Nội như: Hồ Hoàn Kiếm, Công viên Lê Nin, Quốc tử giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), bệnh viện Bạch Mai… Để bảo đảm an toàn cho những ‘vị khách đặc biệt’ này, ta đã cho phép các tù binh ăn mặc như khách du lịch: Cũng comlê, cavát, giày đen v.v… ” (Đặng Vương Hưng & Nguyễn Văn Tường. “Cuộc Sống Thường Ngày Của Tù Binh Mỹ Tại Hoả Lò Hơn Bốn Mươi Năm Trước” – Báo Người Đưa Tin 8/10/2013).
Thiệt là quá đã và quá đáng!
Ảnh: internet
Cũng bị giam dữ tại Hoả Lò (vào cùng thời điểm) nhưng sinh hoạt của một người tù Việt Nam lại hoàn toàn khác: chả thấy ổng được mặc complet, đeo cravate và đi tham quan lần nào cả:
“Hắn cởi truồng nằm trong xà lim, thiếp đi vì nóng. Và choàng tỉnh vì nóng. Người hầm hập. Mồ hôi toát ra. Hắn nhỏm dậy nhìn vết mồ hôi in thẫm trên những tấm ván lim thành hình một bộ xương người…
Tiêu chuẩn nước tắm của mình: Nửa lít bớt ra từ khoản nước uống. Nhúng khăn mặt vào ca. Lau. Lau từ mặt xuống cổ. Lau từ cổ xuống ngực. Xuống bụng. Dấp nước khăn mặt, rồi khoanh tay đập, đập vã vào lưng. Rồi lau xuống bẹn, xuống chân, cho đến khi cái khăn mặt nóng lên vì vắt nước đi. Vắt vào cái nắp bô vệ sinh để ngừa cho khỏi bắn nước bẩn vào bô ra ngoài. Rồi mới nghiêng nắp cho nước chảy vào bô.
Cái thứ nước vắt ra ấy nâu nâu đen đen đặc nhơn nhớt. Bô đầy thì vắt nước lên tường xà lim cho nước vào tường. Cũng thấy người dễ chịu. Còn dễ chịu vì lúc tắm là lúc không để ý tới thời-gian-xà-lim. Nó qua đi mà chẳng tra tấn được mình như mọi lúc. Nhưng không bao giờ lâu đã lại hầm hập. Không thể tắm nữa. Còn phải dành nước đế uống…” (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Mà Bùi Ngọc Tấn vốn xuất xứ từ một gia đình “thuần cộng” và chỉ bị “tạm giữ” để điều tra “phục vụ cho việc xử lý nội bộ” thôi đó nha, ông không hề bị xét xử vì bất cứ tội danh nào cả. Chớ còn cái thứ ngụy quân, can tội cầm súng chống lại nhân dân, cỡ như Phan Nhật Nam thì mới thiệt là … mát Trời ông Địa: “Những ngày dài suốt thời gian từ 7/9/1981 đến 29/5/1988 tôi chỉ ao ước được đưa bàn tay ra khỏi khung cửa sổ nhà giam để xem gió mát như thế nào!”
Thôi (bác Nam à) chuyện từ thế kỷ trước lận, nhắc lại làm chi cho má nó khi. Vả lại, Đảng và Nhà Nước đã “dũng cảm” và “quyết tâm đổi mới toàn diện” lâu lắc rồi mà. Bây giờ mọi sự đã hoàn toàn khác trước.
Hổng dám khác đâu! Nhạc sỹ Tuấn Khanh vừa mới la làng, hôm 23 tháng 6, đây nè:
“Mùa hè ở Nghệ An, nơi những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn 43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt sức nóng.”
Ảnh: internet
Cùng với tiếng la thất thanh của nhạc sỹ Tuấn Khanh là tiếng kêu cứu thê thảm của bà Nguyễn Thị Kim Thanh vì tình trạng của phu quân Trương Minh Đức (cùng các bạn đồng tù của ông) đang bị hành hạ và ngược đãi trong tù. Chỉ có Trời, may ra, mới cứu được họ thôi. Ở nhà mà mấy chả còn hành cho tới bên luôn, nói chi tới chuyện vô tù.
Tù Tây cũng chết, chứ đừng có mà tưởng bở. Xin trích dẫn một câu, chỉ một câu thôi, trong Hồi Ký Hoả Lò của Thuợng Nghị Sĩ John McCain: Họ đánh tôi dập vùi, đánh tôi bất tỉnh. Họ liên tục hăm dọa:“Mày sẽ không nhận được bất kỳ chữa trị thuốc men gì cho đến khi mày mở miệng.”
Tây/Ta gì cũng chết với chúng ông!
Bài bình luận gần đây