…
2/ Con đường của Venezuela
Một câu hỏi lớn đặt ra, trước khi rơi vào các cuộc khủng hoảng, Veneezuela là một quốc gia như thế nào ở châu Mỹ? Con đường mà Venezuela đã đi để tới thảm cảnh như ngày hôm nay ra sao?
Venezuela là một quốc gia thuộc Nam Mỹ, với diện tích 916.445 km², dân số khoảng 28 triệu người. Từ năm 1958 đến những năm 1980,Venezuela được điều hành bởi những chính phủ dân chủ, đất nước này là quốc gia giàu nhất ở Nam Mỹ. Sự giàu có về nguồn tài nguyên đặc biệt là dầu mỏ cùng với nền chính trị ổn định đã giúp kinh tế nước này phát triển vượt bậc.
Việc tăng trưởng liên tục trong thời kỳ này đã thu hút nhiều người nhập cư, lúc đó nước này có tiêu chuẩn sống cao nhất ở châu Mỹ Latinh. Ở những năm sau Thế chiến thứ 2,Venezuela là đất nước giàu có thứ tư trên thế giới tính theo GDP đầu người (cao gấp đôi Chile, gấp bốn lần Nhật Bản và mười hai lần so với Trung Quốc). Cho tới năm 1982, Venezuela vẫn là một trong những nước giàu có nhất khu vực Mỹ Latin.
Venezuela sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú như kim cương, bauxite, vàng, nickel, khí đốt và đặc biệt là dầu mỏ. Chính phủ tận dụng nguồn dầu mỏ dường như vô tận nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Giao thông, giáo dục, chăm sóc y tế được chú trọng. Công nhân ở Venezuela được trả lương cao hàng đầu trong khu vực.
Trên thực tế, đất nước Nam Mỹ này có trữ lượng dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Vào giữa những năm 1980, trữ lượng dầu dồi dào nhưng giá dầu rơi tự do cuối cùng đã làm suy yếu nền kinh tế Venezuela, khi họ không có những đầu tư tương xứng để đa dạng hóa ngành công nghiệp năng lượng.
Venezuela rơi vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ và doanh thu từ dầu đã giảm đáng kể. Sự sụp đổ của giá dầu thời kỳ này cùng các chính sách kinh tế thất bại đã chấm dứt sự ưu việt về tài chính của nó trong khu vực. Đó là lúc Venezuela bùng nổ đợt lạm phát đầu tiên, đã lên tới đến đỉnh điểm vào năm 1989 (84,5%) và sau đó là năm 1996 (99,9%).
Những thập niên tiếp theo, sản lượng khai thác dầu ngày càng ít đi. Theo Forbes, từ mức 3,5 triệu thùng mỗi ngày trong những năm 1970, đến nay, nước này chỉ sản xuất khoảng 1,5 triệu thùng mỗi ngày. Tính đến năm 2017, sản xuất dầu chiếm khoảng 95% thu nhập xuất khẩu của Venezuela và một nửa doanh thu hàng năm của chính phủ Venezuela…
Có những nguyên nhân sau đây có thể lý giải tại sao Venezuela rơi vào tình trạng như hiện nay:
- Đầu tiên, các chính phủ dân chủ trước đây của Venezuela không đa dạng hóa nguồn thu, không xây dựng một nền kinh tế có cơ cấu vững chắc. Dẫn tới việc nền kinh tế bị sốc khi giá dầu thế giới giảm đột ngột. Venezuela là một nước giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu hỏa. Nhưng các chính phủ dân chủ trước đây đã không đã dạng hóa các nguồn thu, tức là không lấy ưu thế nguồn lực sẵn có phát triển các ngành nghề khác một cách hợp lý. Tư tưởng trông chờ vào tài nguyên, vào nguồn thu từ dầu hỏa (chiếm tới 90-95% nguồn thu của nền kinh tế) dẫn tới nền kinh tế gặp cú sốc khi giá dầu hỏa xuống thấp. Các cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 80-90 đã dẫn tới các cuộc khủng hoảng chính trị. Các cuộc khủng hoảng kéo dài, cộng thêm việc tham nhũng của các quan chức và tổng thống Pérez đã làm dân chúng mất lòng tin. Lợi dụng cơ hội đó, thủ lĩnh dân túy Chavez đã đưa ra chương trình mị dân nhằm thu hút cử tri. Ông ta đã trúng cử và thay đổi hiến pháp….
- Tham nhũng là một nguyên nhân gây bất mãn trong dân chúng. Cộng với những khó khăn khi nền kinh tế bị sốc đã trực tiếp dẫn tới việc người dân chuyển sang ủng hộ các đảng cánh tả, dân túy mà Chavez là đại diện.
- Chính sách kinh tế của đảng PSUV XHCN thời Chavez và sau này là Maduro theo đuổi, là quốc hữu hóa và tăng cường phúc lợi xã hội dựa trên nguồn thu duy nhất là dầu lửa chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm họa của nền kinh tế mấy năm gần đây.
Thảm cảnh của Venezuela diễn ra như sau: Quá trình quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân dẫn tới các doanh nghiệp nước ngoài bỏ chạy, tư nhân trong nước không dám đầu tư. Hệ quả là nền kinh tế què quặt, lạc hậu và mong manh. Cộng thêm việc cải tổ phúc lợi xã hội vượt quá khả năng của nền kinh tế… dẫn tới nền kinh tế không có khả năng chi trả kéo dài dẫn tới khủng hoảng.
Việc dựa quá nhiều vào dầu lửa - chiếm khoảng 95% thu nhập xuất khẩu của nước này - khiến cho đất nước trở nên mất an toàn khi giá dầu tụt mạnh vào năm 2014. Điều đó có nghĩa là Venezuela phải đối diện với tình trạng thiếu ngoại tệ, dẫn tới việc gặp khó khăn khi muốn nhập khẩu hàng hóa với khối lượng, mức độ như trước. Các mặt hàng nhập khẩu trở nên ngày càng khan hiếm. Kết quả là các công ty phải tăng giá, và lạm phát tăng lên.
Thêm vào nữa là việc chính phủ sẵn sàng in thêm tiền và đều đặn tăng mức lương tối thiểu nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người nghèo ở Venezuela, dẫu cho số tiền họ nhận được nhanh chóng mất giá. Chính phủ cũng ngày càng phải vật lộn duy trì uy tín tài chính sau khi nước này không chi trả được một số khoản trái phiếu chính phủ đã đáo hạn. Với việc các chủ nợ khó có thể chấp nhận rủi ro để đầu tư vào Venezuela, chính phủ lại đi in thêm tiền, và điều đó càng khiến cho đồng tiền nước này mất giá thêm, và lạm phát càng tăng thêm….
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 23/6/2019
N.V.B
Bài bình luận gần đây