Song Chi.
Người Việt học được gì từ những cuộc biểu tình của người Hong Kong?
Những ngày vừa qua Hong Kong đã trở thành mục tiêu chú ý của thế giới khi những cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tiếp đến đòi Đặc khu trưởng Carrie Lam-người được cho là thân Bắc Kinh và không do người dân Hong Kong bầu, phải từ chức, đã diễn ra với quy mô chưa từng thấy, đỉnh điểm là hơn 2 triệu người xuống đường vào Chủ nhật 16.6. Hơn 2 triệu người trên tổng dân số hơn 7 triệu, một con số quả là đáng nể!
Nhưng chưa cần nói đến số lượng người tham gia, hay tinh thần, ý thức đấu tranh của người Hong Kong, mối quan tâm của các nước láng giềng và thế giới hướng về Hong Kong có lẽ xuất phát từ những lý do sau đây: Từ mối quan tâm lo ngại chung: sự lớn mạnh đầy đe dọa từ Trung Cộng. Vị thế giữa hai bên: sự nhỏ bé của Hong Kong so với Trung Hoa đại lục chẳng khác nào David chống lại người khổng lồ Goliath. Cuộc đấu tranh của dân Hong Kong là cuộc đấu tranh đòi những quyền hạn cơ bản nhất: quyền của cá nhân không bị đàn áp hoặc dẫn độ đến một chế độ độc tài, quyền tự do biểu tình, được hưởng quyền tự do thông tin…
Và tất nhiên đông đảo người Việt trong và ngoài nước cũng hướng về Hong Kong. Cùng một “kẻ thù chung” là chế độ độc tài, hung hăng, bành trướng Trung Cộng, dễ hiểu tại sao nhiều người Việt ủng hộ người Hong Kong đấu tranh. Thật ra từ 5 năm trước, Hong Kong đã trở thành sự ngưỡng mộ, niềm cảm hứng cho nhiều người Việt khi phong trào Dù vàng do sinh viên, giới trẻ Hong Kong tổ chức nổ ra trên hòn đảo này và đã chứng tỏ tinh thần kỷ luật, ý thức công dân, tinh thần đoàn kết cũng như phương pháp tổ chức rất tốt của giới trẻ Hong Kong. Phong trào Dù vàng cuối cùng đã thất bại nhưng những dấu ấn đó vẫn còn lại trong tâm trí nhiều người Việt.
Đã có rất nhiều bài viết của các nhà báo, blogger Việt về những cuộc biểu tình ở Hong Kong trong những ngày này. Rồi từ sự ngưỡng mộ người Hong Kong nhìn lại VN, nhìn lại tinh thần, phong trào đấu tranh ở VN. Nhưng thực ra chẳng nên so sánh làm gì, khi giữa Hong Kong và Việt Nam dẫu cùng một mối lo chung là Trung Cộng nhưng lại rất khác nhau. Từ môi trường xã hội, hệ thống chính trị, hệ thống luật pháp, cách hành xử của cảnh sát/công an, của chính quyền/nhà cầm quyền cho tới hệ thống giáo dục, dân trí, sự trưởng thành về ý thức công dân của người dân.
Hong Kong dù sao cũng đã có cả trăm năm sống trong một xã hội văn minh, tự do, dân chủ, tôn trọng luật pháp, một nền giáo dục tử tế. Sau hơn 20 năm kể từ khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, nền tự do, dân chủ ấy bị thắt chặt lại, nhưng Hong Kong vẫn còn là Hong Kong cho tới năm 2047. Còn Việt Nam thì đã trải qua hơn bảy thập niên ở miền Bắc, hơn bốn thập niên trên toàn quốc, phải sống trong một chế độ độc tài toàn trị, mông muội và sắt máu, một nền giáo dục lạc hậu, ngu dân đã tước đoạt đi của con người quyền được tự do suy nghĩ, quyền phản biện cũng như ý thức về quyền công dân, quyền làm người.
Tuổi trẻ VN đúng là kém so với tuổi trẻ Hong Kong. Nhưng phụ huynh VN cũng kém hơn phụ huynh, người lớn Hong Kong nhiều. Ở VN, nếu con cái mà đi biểu tình hoặc lên tiếng về chuyện chính trị thỉ bố mẹ sẽ phán ngay: lo học hành đi, chuyện chính trị đã có đảng, nhà nước lo, muốn vào tù hay sao v.v…Cha mẹ ngăn cản. Nhà trường thì theo lệnh của chính quyền địa phương sẽ có những biện pháp trừng phạt sinh viên nếu đi biểu tình hoặc sử dụng facebook để “nói xấu nhà nước” v.v…
Người Việt đã quen có thái độ né tránh đối với những vấn đề chính trị xã hội và chỉ biết lo cho bản thân mình như thế một thời gian dài, cho dù bây giờ đa số có chán ghét thực trạng chính trị xã hội ở VN thì con số người dám lên tiếng suốt những năm qua vẫn rất ít, so với 95-96 triệu người.
Khi giới trẻ Hong Kong lên tiếng và xuống đường, phụ huynh cho tới trí thức, doanh nhân cùng đồng lòng sát cánh vì một mục đích chung. Còn ở VN, những người lên tiếng luôn luôn cảm thấy cô đơn giữa đám đông thờ ơ chung quanh.
Công an, nhà cầm quyền VN thì tồi tệ hơn cảnh sát, chính quyền Hong Kong gấp nhiều lần. Thử so sánh dân Hong Kong, Trung Hoa, Bắc Hàn, VN, sẽ thấy vì sao ở Hong Kong có thể có đến gần một phần ba dân số xuống đường, ở Việt Nam cao nhất là 10, 000 trên tổng số 95-96 triệu, còn ở Bắc Hàn thì không hề có biểu tình!
Nhà cầm quyền VN không chỉ ác với dân mà còn đi đầu trong sự hèn hạ đối với Trung Cộng, nên bất cứ một sự phản kháng nào đối với Bắc Kinh còn bị đàn áp mạnh hơn cả đối với chính nhà cầm quyền VN. Những cuộc biểu tình phản đối chính sách bành trướng của Trung Cộng của giới trẻ, sinh viên, trí thức VN từ năm 2008 tới nay là những ví dụ. Đôi khi chúng ta cũng có những cuộc biểu tình bộc phát lên đến 10 000 người hoặc hơn, như cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra vào ngày 10.6.2018 từ Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An cho tới Sài Gòn, Bình Dương…với tinh thần khi thế mạnh mẽ, những tiếng hô “Đả đảo bọn bán nước”, “Đả đảo bọn Việt gian”…khiến nhà cầm quyền nhột nhạt. Nhưng rồi tất cả cũng lại chìm xuống.
Thực tế đã cho thấy, lên tiếng, xuống đường phản đối chính sách này, dự luật kia ở VN hậu quả sẽ kinh khủng, nặng nề hơn cho người đấu tranh gấp ngàn lần. Chúng ta đã thấy tất cả những ai dám lên tiếng ở VN phải trả giá ra sao, nhẹ nhất thì mất việc, gia đình ly tán, phải bỏ nước ra đi, nặng hơn nữa là 5, 10, 12, 16, 20 năm tù trong một điều kiện hết sức hà khắc, và còn bị đày đọa về thể xác, khủng bố về tinh thần trong tù. Càng ngày chế độ độc tài do đảng cộng sản nắm quyền ở VN càng trở nên tàn bạo đối với mọi biểu hiện đối kháng dù nhỏ nhất ở người dân, điều đó xuất phát từ mặc cảm về tính không chính danh, sự bất lực không thể làm cho đất nước khá hơn, người dân được sống nhẹ nhàng hơn và nỗi khiếp sợ bị lật đổ của nhà cầm quyền.
Chính vì vậy, chúng ta nhìn sang Hong Kong, ngưỡng mộ Hong Kong nhưng chẳng cần phải trách móc, thở than cho Việt Nam, thay vào đó hãy quan sát, học hỏi từ người Hong Kong.
Biết nhìn ra những điểm yếu của mình từ “hành trang” đấu tranh là kết quả của cả môi trường xã hội, môi trường chính trị, hoàn cảnh chính trị, nền giáo dục…cho tới tính cách của dân tộc. Không vì ngưỡng mộ Joshua Wong (thậm chí có những bài viết cho rằng Joshua Wong là người có nửa dòng máu Việt hoặc thậm chí là người gốc Việt với cha mẹ là những thuyền nhân chạy sang Hong Kong năm 1975, không biết nguồn tin từ đâu ra) mà miệt thị người Việt khi đấu tranh ở VN khó khăn và cô đơn hơn rất nhiều.
Học ở họ tinh thần tự lực, tự mình vươn lên. Giới trẻ HK và người HK hiểu trách nhiệm của họ. Họ không không trông chờ vào ai, vào bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, không như nhiều người Việt chúng ta hết trông chờ vào Tổng thống Mỹ, vào sự sụp đổ của Trung Cộng kéo theo sự sụp đổ của Việt Cộng, lại hy vọng vào sự tự chuyển đổi của nhà cầm quyền.
Người viết rất ấn tượng với câu nói của Joshua Wong, một trong những lãnh tụ phong trào Dù vàng “Tôi không muốn cuộc đấu tranh cho dân chủ phải truyền lại cho đời sau. Đây là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi”.
Học ở họ cách tổ chức, không cần có những hội, nhóm, đảng phái đứng ra tổ chức mà sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội để kêu gọi biểu tình, tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật, kỷ cương, sự kiềm chế, xử sự văn minh của họ ngay cả khi đang biểu tình.
Biểu tình ở Hong Kong bước đầu đã thành công. Chính phủ Hong Kong chính thức ngừng luật dẫn độ. Nhưng cho đến hôm nay, ngày 21.6 người Hong Kong vẫn tiếp tục biểu tình sau khi chính quyền của bà Carrie Lam lờ đi hạn chót phải đáp ứng yêu cầu xóa bỏ dự luật của người biểu tình. Không còn tin vào chính quyền, không tin vào Bắc Kinh, những người biểu tình muốn dự luật bị hủy bỏ hoàn toàn chứ không phải chỉ tạm lùi rồi lại thực hiện một lúc nào đó.
Tạm thời chính quyền Hong Kong và ngay cả nhà cầm quyền Trung Cộng đều không dám làm căng trước con mắt của hàng tỷ người trên thế giới hướng về Hong Kong. Nhưng điều mà người Hong Kong nói riêng và thế giới đều lo ngại là tương lai của Hong Kong rồi sẽ ra sao, vào năm 2047, nếu lúc đó chế độ độc tài ở Trung Quốc vẫn tồn tại?
Bài bình luận gần đây