3 năm 6 tháng tù là hình phạt cho bà Nguyễn Thị Thanh Nga, nữ tài xế BMW gây tai nạn ở Sài Gòn về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS), theo bản án được tuyên bởi tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, TP. HCM vào ngày 17/6.[1]
Hành vi lái xe khi đang say xỉn của bà Nga đã gây ra cái chết cho 1 người và làm bị thương 5 người khác, đồng thời làm hư hỏng một số ô tô và xe máy.
Sau khi sự việc xảy ra, bà đã xin lỗi các gia đình nạn nhân, đồng thời gia đình bà đã thay bà bồi thường thiệt hại cho họ.
Theo Tuổi Trẻ, riêng gia đình chị Phụng (người thiệt mạng) và gia đình anh Tài (người bị thương) được bồi thường 1 tỷ 8. Ngoài ra, tất cả các bị hại đều có đơn bãi nại.[2]
Dù được tất cả các bị hại bãi nại, bà Nga vẫn bị xét xử và chịu trách nhiệm hình sự. Việc bãi nại của các bị hại chỉ là được tòa án xem là tình tiết giảm nhẹ mà không phải căn cứ để miễn khởi tố vụ án cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Nga.
Bãi nại, hay nói đúng hơn là rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự là quyền lựa chọn của bị hại trong một số tội phạm, mà không phải trong mọi tội phạm.
Điều 155, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định các trường hợp bị hại có quyền yêu cầu khới tố vụ án hình sự, và song song với đó là quyền rút yêu cầu khởi tố. Các trường hợp này là về các tội phạm tại khoản 1 (và chỉ khoản 1) của 10 điều sau:
Điểm chung của các tội phạm này là chúng đều là các tội xâm phạm sức khỏe hoặc nhân phẩm, danh dự của con người, trừ tội về xâm phạm sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng đều thuộc loại ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.
Sở dĩ bị hại có quyền yêu cầu bãi nại trong các trường hợp này mà không trong các trường hợp khác vì các lý do sau:
Điều trên cũng có nghĩa là ngay cả khi bị hại không yêu cầu khởi tố, hoặc có yêu cầu khởi tố song sau đó rút yêu cầu, thì trừ các ngoại lệ – là các tội phạm vừa nêu, các cơ quan chức năng vẫn phải giải quyết vụ án và xử lý tội phạm.
Thực tế cho thấy nhiều việc bãi nại đã diễn ra đối với nhiều vụ án hình sự không rơi vào các ngoại lệ trên. Điều này xuất phát chủ yếu từ sự thiếu hiểu biết của người bãi nại, đồng thời từ sự gợi ý hay thậm chí đề nghị của chính các cơ quan chức năng mà thường là các cơ quan điều tra.
Một ví dụ là vụ án Nguyễn Văn Thừa dâm ô trẻ em, trong đó, 2 trong 3 gia đình của các bé bị hại đã rút đơn tố cáo (hàm ý bãi nại), mặc dù đây là vụ án hình sự về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi – không phải trường hợp bị hại có quyền yêu cầu cũng như quyền rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Cần nói thêm là một điều tra viên đã thay lời Nguyễn Văn Thừa đề nghị gia đình nhận bồi thường 50 triệu và đổi lại là cho vụ án chìm vào quên lãng.[3]
Một ví dụ khác là chính vụ án mà đầu bài viết này nói tới, khi tội Vi phạm quy đình về tham gia giao thông đường bộ theo Khoản 2, Điều 260, BLHS không thuộc các tội phạm trên. Tuy việc bãi nại có tác dụng (vì được tòa án xem là tình tiết giảm nhẹ cho bà Nga, như trên đã nêu), song các bị hại thay vì bãi nại, nên đề nghị tòa án giảm nhẹ hình phạt cho bà Nga thì hơn.
Cần lưu ý rằng với các vụ án hình sự về các tội phạm ở 10 điều trên, song tại khoản 2 trở đi, mức độ nghiêm trọng cao hơn, mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn hơn, nên quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự không được áp dụng.
Hiểu biết về quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự sẽ giúp ích cho bị hại, tránh bãi nại để vô hình trung làm tổn hại quyền lợi của mình, đồng thời làm suy giảm tính nghiêm minh của pháp luật cùng trật tự và an toàn chung của xã hội.
Chú thích:
[1][2] Phạt nữ tài xế BMW tông hàng loạt xe máy ở Hàng Xanh 3 năm 6 tháng tù
https://tuoitre.vn/phat-nu-tai-xe-bmw-tong-hang-loat-xe-may-o-hang-xanh-...
[3] Nguyễn Văn Thừa, kẻ dâm ô trẻ em chưa bị xử lý
https://www.rfavietnam.com/node/5318
Bài bình luận gần đây