Tuyên bố của Lý Hiển Long thực chất là sự thừa nhận trước thế giới và nhân dân Singapore rằng các nhà lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người dân Campuchia. (Lược trích nội dung từ dòng trạng thái của Thủ tướng Campuchia ngày 7/6/2019).
Hiếm khi một đoạn post trên Facebook, dù là của người đứng đầu chính phủ, trong trường hợp này là chính phủ Singapore, lại làm nên một cơn bão ngoại giao như hiện nay. Lý Hiển Long và vị chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin, trên thực tế đã công khai xúc phạm người dân Việt Nam và người dân Campuchia bằng cách “nhai lại” một cách trắng trợn các xuyên tạc lịch sử.
Đoạn post của ông Lý và những dòng a dua của Chủ tịch Quốc hội Sing “là sự xúc phạm đến những hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Tuyên bố của ông Lý đã nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các nhà lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người dân Campuchia”. (Trích từ dòng trạng thái của Thủ tướng Campuchia ngày 7/6/2019).
Các nhà lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người dân Campuchia! Vâng, đấy là những lời tố cáo từ người trong cuộc, của chính Samdech Hun Sen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tướng Tea Banh cũng bình luận rằng, dòng status của ông Lý là “không thể chấp nhận”.
“Đây có lẽ là sự rạn nứt nghiêm trọng nhất mà chúng ta được biết”, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales nói với VOA khi nhận định về phản ứng của Việt Nam và Campuchia trước phát biểu của người đứng đầu Singapore.
“Phát ngôn của Thủ tướng Singapore làm sống lại một lịch sử mà trong đó chúng ta không thể thanh minh và ủng hộ cho bất kỳ việc giết người hàng loạt và diệt chủng (nhân loại) nào”, GS. Carl Thayer đánh giá tiếp như thế.
“Phát biểu của ông Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La rốt cục nói thay cho ai?” Trang tin Hoa Ngữ độc lập đa chiều hôm 4/6 đăng bài với nhan đề này đã gây nên nhiều thắc mắc. Khó có thể nghi ngờ thủ tướng Lý Hiển Long được ai đó trả tiền để làm cái việc vô liêm sỉ là “thanh minh thanh nga” cho Khơ me đỏ, khi mà chính toà án quốc tế của LHQ đã lên án chính thức tập đoàn diệt chủng Polpot do Trung Quốc dung dưỡng.
Một trang mạng xã hội từ Canada thẩm định tuyên bố của Lý Hiển Long từ một góc nhìn khác. Luật sư Vũ Đức Khanh nói với VOA rằng “liệu có một chiến dịch nào đó đang được dàn dựng để hạn chế ảnh hưởng của Hà Nội trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là ứng viên duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho một trong 5 ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ mà hôm nay sẽ biểu quyết?” (Viết trước ngày 8/6).
Bên cạnh âm mưu phá hoại sự đoàn kết vốn đang vào lúc mong manh của ASEAN do Trung Quốc ngang nhiên và ráo riết quân sự hoá các biển đảo cưỡng chiếm trên Biển Đông, còn có một ý đồ khác là phá vị thế của Việt Nam vì biết trước sau gì Việt Nam cũng sẽ trở thành thành viên không thường trực trong P15.
Nhìn xa hơn, cách trả lời của Bộ Ngoại giao Sing khi dư luận VN đòi Lý Hiển Long phải xin lỗi người dân và chính phủ VN, khiến giới phân tích nghĩ đến một phản ứng sâu xa hơn từ phía Sing, đó là thái độ “không ăn được thì đạp đổ” khi Sing có nguy cơ mất vai trò trung tâm nếu nay mai kênh đào Kra sẽ được triển khai.
Còn trước mắt, Việt Nam sắp đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2020, đồng thời sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lúc Hoa Kỳ sắp sửa triển khai giai đoạn đầu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington vừa công bố tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng.
Không phải ngẫu nhiên, Bộ Ngoại giao Singapore vẫn cãi cối cãi chầy. Trong một thông cáo báo chí ra ngày 7/6, Singapore nói thủ tướng của họ nhắc lại giai đoạn lịch sử “để giải thích làm thế nào mà khả năng lãnh đạo và viễn kiến đã giúp chấp dứt các cuộc chiến bi thương gây ra đau khổ cho nhân dân Đông Dương, đem lại hòa bình và hợp tác ở khu vực ngày nay”.
Hẳn nhiên là việc các nhà lãnh đạo Singapore ngày nay nhắc tới chương đau thương trong lịch sử Đông Dương không có gì mới. Nó phản ánh quan điểm từ xưa của Singapore, và họ cũng đã từng nói công khai trước đây. Đó là não trạng con buôn thực dụng một cách tàn nhẫn, vô luân vô pháp mộ cách trâng tráo.
Cũng giống như những kẻ “xui nguyên giục bị”, ngoài miệng thì họ nói “xây dựng Asean thống nhất và đoàn kết”. Trên thực tế, họ đang thúc đẩy sự phân rã và kết nối về mặt thực thể của tổ chức khu vực vốn đang đứng trước những va đập địa-chính trị trong thời buổi toàn cầu hoá và phản tuần cầu hoá cùng chủ nghĩa bịp dân lên ngôi.
Thậm chí, để phục vụ cho tham vọng kẻ bá quyền khu vực, họ sẵn sàng “ủng hộ chế độ diệt chủng và mong nó quay trở lại Campuchia” một lần nữa như chính ông Hun Sen vừa tố cáo. Bối cảnh lá thư chia buồn cũng như diễn văn tại Đối thoại Shangri-La của Lý Hiển Long thật là một khúc nhạc chối tai, hé lộ một chương trình đầy bất định trong quan hệ quốc tế ở khu vực và trên cả toàn cầu.
Bài bình luận gần đây