You are here

Phim 'Vợ ba': Khi nghệ thuật thiếu dung hòa với pháp luật và đạo đức

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Một cảnh trong phim 'Vợ ba' (Nguồn: Internet)

"Tởm quá, con không đóng đâu." Đó là tin nhắn mà Nguyễn Phương Trà My gửi cho mẹ khi đọc hết các phần kịch bản mà đoàn làm phim gửi cho cô vào những ngày thử vai, trong đó có nhiều cảnh nóng.[1]

Tuy nhiên, sau khi đoàn làm phim thuyết phục, Trà My đã nhận vai, và tất nhiên, mẹ cô cũng đồng ý, dù như cô kể, mẹ cô đã từng phân vân, thậm chí, trước đó còn yêu cầu cô ngừng đọc kịch bản.[2]

Sự đồng thuận đã đạt được giữa hai bên. Phim được đóng máy vào năm 2016. Trà My đã vào vai một nhân vật 14 tuổi tên là Mây bị ép tảo hôn để trở thành người vợ ba của một điền chủ giàu có vào cuối thế kỷ 19.

Phim được gắn mác 18+ này dựa trên câu chuyện có thật về thân phận người phụ nữ Việt Nam trong thời đoạn ấy, cùng các vấn đề của xã hội như trọng nam khinh nữ, hôn nhân sắp đặt, tảo hôn và đa thê.

Trên trường quốc tế, phim đã giành được nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Toronto (Canada), Đạo diễn trẻ xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Chicago (Mỹ).[3]

Thành quả này cùng nhiều lời khen ngợi trong và ngoài nước về tính nghệ thuật của phim hẳn mang lại niềm vui cho Trà My, mẹ cô, đoàn làm phim, và có lẽ là cả một bộ phận những người quan tâm và theo dõi.

Nhưng, điều đáng nói hơn cả là phim gây tranh cãi trong dư luận Việt Nam suốt hơn 1 tuần qua. Trọng tâm của tranh cãi này là Trà My đóng phim với các cảnh nóng khi mới học hết lớp 6, tức chưa đầy 13 tuổi.

Các cảnh nóng đó là về quan hệ nam nữ trong đêm tân hôn, tự thỏa mãn nhục dục, hôn người đồng giới, sinh con, v.v. Trong các cảnh này, Trà My lộ gần hết phần trên của cơ thể, thậm chí có cảnh được cho là để ngực trần (mà mẹ cô phân bua là mặc áo da).[4]

Câu hỏi mà dư luận đặt ra là sử dụng trẻ em ở tuổi đó để đóng phim với nhiều cảnh nóng như vậy liệu có phù hợp hay không?

Từ góc nhìn nghệ thuật, những người làm nghệ thuật và những người ủng hộ họ đưa ra một một biện minh quen thuộc có tên 'sự hi sinh vì nghệ thuật'. Và sự hi sinh, trong trường hợp này, là của một cô bé tuổi chưa đầy 13.

Liệu sự hi sinh này có thỏa đáng? Theo đa số dư luận, câu trả lời là 'Không'. Một số lập luận chính cho câu trả lời này là: 

Thứ nhất, đoàn làm phim hoàn toàn có thể sử dụng diễn viên lớn tuổi hơn (hoặc đợi đến khi Trà My lớn tuổi hơn rồi mới để cô đóng phim, như nhiều phim khác trên thế giới, chẳng hạn như phim 'The reader' của Mỹ).

Thứ hai, ngay cả khi đoàn làm phim vẫn sử dụng diễn viên Trà My khi cô ở tuổi chưa đầy 13, họ hoàn toàn có thể sử dụng diễn viên đóng thế trong các cảnh nhạy cảm, nhất là cảnh người chồng húp trứng trên bụng người vợ mới cưới là Mây. 

Thứ ba, nghệ thuật như thế nào đi nữa cùng cần phải bảo đảm tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực đạo đức nhất định.

Chưa bàn tới điều thứ ba, đoàn làm phim có thể thỏa mãn hai điều đầu tiên mà vẫn đạt được tiêu chí nghệ thuật hay không? Câu trả lởi rõ ràng là 'Có'. Cho nên, các biện minh về sự hi sinh vì nghệ thuật chỉ là ngụy biện.

Góc nhìn nghệ thuật không phải là tham chiếu duy nhất để đoàn làm phim dựa vào để chọn diễn viên nào cho vai nào, cũng như diễn viên nào cho cảnh nào. Ngoài góc nhìn này, các quy phạm pháp luật và đạo đức cần được coi trọng, thậm chí, cần được đặt lên trên.

Từ góc nhìn pháp luật, có quan điểm cho rằng đoàn làm phim vi phạm pháp luật về lao động và trẻ em, cụ thể là các quy định sau đây: 

"Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách." (Khoản 1, Điều 162, Bộ luật Lao động 2012)

"Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục." (Điều 25, Luật Trẻ em)

"Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị (...) bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em." (Điều 26, Luật Trẻ em)

Bên cạnh đó là một số quy định khác về lao động chưa thành niên và về bảo vệ quyền trẻ em. 

Các quy định trên mang tính nguyên tắc hơn là cụ thể nên có thể dẫn đến các quan điểm khác nhau giữa những người khác nhau, chẳng hạn về việc có hay không ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ em nói chung và trong trường hợp của phim 'Vợ ba' nói riêng.

Dẫu vậy, đứng trên quan điểm bảo vệ tốt nhất cho trẻ em, khó có thể nói rằng việc trẻ em đóng cảnh nóng không ảnh hưởng xấu đến nhân cách trẻ em nói chung, nên quan điểm nêu trên rằng đoàn làm phim vi phạm pháp luật về lao động và trẻ em hợp lý hơn quan điểm ngược lại. 

Ngoài ra, khi xem xét vấn đề từ góc nhìn đạo đức, người ta có thể đặt câu hỏi rằng: Mẹ của Trà My có nên đồng ý cho con mình đóng cảnh nóng hay không? 

Tôi đã thấy một chủ đề với câu hỏi này được khơi lên trên facebook và đa số câu trả lời là 'Không'. Một số quan sát khác từ các bình luận trên các diễn đàn về chủ đề này đưa tôi đến nhận định rằng đa số cha mẹ sẽ không đồng ý, như thể không đồng ý là một cảm thức đạo đức rất hiển nhiên. 

Từ đây, câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, có hay không sự lợi dụng trẻ em để đạt được mục đích hay tham vọng nào đó của người lớn trong trường hợp này? Nghi vấn này không phải là không có căn cứ, nhất là khi sự hi sinh vì nghệ thuật là một ngụy biện, như trên đã nêu.

Tóm lại, phim 'Vợ ba' có thể đạt được tiêu chí nghệ thuật nhất định, song không vì thế mà việc sử dụng diễn viên chưa đầy 13 tuổi để đóng cảnh nóng có thể được biện minh. Sự hi sinh vì nghệ thuật là một biện minh tồi, nhất là khi nghệ thuật thiếu dung hòa với pháp luật và đạo đức.
 
Chú thích:

[1][2] Diễn viên 13 tuổi của 'Vợ ba': 'Tôi khóc nhiều sau cảnh hôn chị Maya'
https://news.zing.vn/dien-vien-13-tuoi-cua-vo-ba-toi-khoc-nhieu-sau-canh...

[3] Bé 13 tuổi đóng cảnh nóng, phía 'Vợ ba' có vi phạm Luật bảo vệ trẻ em?
https://news.zing.vn/be-13-tuoi-dong-canh-nong-phia-vo-ba-co-vi-pham-lua...

[4] Sự thực diễn viên 13 tuổi hở ngực gây tranh cãi trong 'Vợ ba'
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/phim/dien-vien-10x-tra-my-len-tieng-ve...