You are here

Vì đâu nhân tài trong nước bỏ chạy, hải ngoại không về?!

Ảnh của nguyenvandai

Cộng đồng người Việt hải ngoại với trên 4 triệu người, phần lớn đều sinh sống ở những quốc gia dân chủ văn minh. Và hầu hết đều được đào tạo với trình độ học vấn rất cao, họ đã và đang đóng góp tích cực và hiệu quả vào sự phát triển thịnh vượng của quốc gia mà họ đang cư trú.


Từ hàng chục năm qua, nhà cầm quyền cộng sản luôn tuyên truyền chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài từ hải ngoại về phục đất nước.

Nguyễn Xuân Phúc đã từng đưa ra thông điệp “chọn người tài chứ không chọn người nhà”. Và gần đây ông Nguyễn Xuân Phúc lại khẳng định rằng: “Không có nhân tài thì không thể phát triển đất nước. Nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì càng khiến đất nước suy yếu”.

Ông Phúc còn nhấn mạnh, đảng và Nhà nước luôn coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài; luôn mong muốn phát huy tốt nhất tiềm năng của đội ngũ tri thức trong và ngoài nước để trở thành nguồn lực, sức mạnh cho phát triển đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia. 

Nhưng vấn đề vì sao mà nhân tài trong nước thì bỏ chạy, còn nhân tài hải ngoại thì không chịu về nước?

Thứ nhất là ý thức hệ chính trị và môi trường làm việc.

Những nhân tài người Việt ở hải ngoại sinh trưởng và học tập trong môi trường chính trị tự do, tôn trọng giá trị và phẩm giá của con người. Họ có phong cách làm chuyên nghiệp, cạnh tranh lành mạnh.

Kể cả những nhân tài từ trong nước nhưng được giáo dục và học tập ở nước ngoài thì họ cũng hấp thụ nền chính trị, giáo dục tự do và nhân bản, cộng với phong cách làm việc chuyên nghiệp,...

Trong khi đó đội ngũ các bộ, quan chức cộng sản trong nước được sinh trưởng và học tập môi trường chính trị không có tự do, bị nhồi sọ. Vấn nạn chạy điểm, bằng cấp bị nhiễm ngay từ bậc học phổ thông cho đến trình độ tiến sĩ. Khi làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp thì tính kèn cựa, chơi xấu, nịnh bợ lẫn nhau được phát huy cao độ. Làm cho những người muốn sống đúng với chính mình rất khó tồn tại và phát triển.

Bởi vậy những người tài không thể làm việc chung và trong một môi trường như vậy.

Thứ hai là vấn đề xung đột vì lợi ích.

Những nhân tài khi làm việc sẽ thẳng thắn, cống hiến với lương tâm và trách nhiệm của họ. Họ được đãi ngộ, nên có thu nhập cao và đảm cuộc sống khá giả mà không cần biển thủ, và họ ghét nạn phong bì, phong bao vẫn đang tồn tại mọi nơi, mọi chỗ trong môi trường làm việc của chế độ cộng sản. Đương nhiên làm ảnh hưởng tới lợi ích của tầng lớp cán bộ, quan chức quen với với nạn ăn tiền từ tham ô, hối lộ.

Xung đột về lợi ích khiến cho đội ngũ các bộ, quan chức trong nước ngầm không hợp tác và phá hoại công việc của các nhân tài. Khiến cho công việc của các nhân tài không phát huy hiệu quả, làm cho họ chán nản và cuối cùng phải bỏ chạy.

Với hai lý do chính nêu trên và còn nhiều lý do khác nữa mà khiến cho nhân tài trong nước thì bỏ chạy, còn nhân tài từ hải ngoại không chịu về.

Làm thế nào để Việt Nam thu hút được nhân tài ngay trong nước và thu hút từ hải ngoại?

Các nguyên nhân khiến nhân tài trong nước bỏ chạy và nhân tài hải ngoại không chịu về đó đều xuất phát từ thể chế, tức là chế độ chính trị không có tự do dân chủ.

Một quốc gia từ nghèo đói muốn trở thành một quốc giàu có , văn minh thì trước hết phải có chế độ chính trị tự do, dân chủ. Nền chính trị tự do, dân chủ sẽ làm điểm tựa, bệ phóng cho quốc gia phát triển thịnh vượng, hùng cường.

Tôi gặp rất nhiều nhân tài ở hải ngoại, họ tâm sự họ sẵn sàng từ bỏ nơi đang làm việc với mức lương và đãi ngộ cao để trở về phục vụ đất nước và Nhân dân với mức lương thấp ở Việt Nam. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi Việt Nam có tự do dân chủ.

Nhiều nhân tài bỏ Việt Nam ra nước ngoài không phải vì lương và thu nhập cao. Mà vì họ không thể làm việc trong một môi trường, bầu không khí chính trị mất tự do dân chủ. Họ cũng sẵn sàng trở lại Việt Nam khi có tự do dân chủ.

Vậy thứ mà người tài cần nhất là môi trường làm việc, môi trường chính trị tự do dân chủ để phát huy hết khả năng, tạo dựng sự nghiệp, danh tiếng cho bản thân chứ không phải vì tiền. Và đó điều mà chế độ cộng sản Việt Nam không thể đáp ứng được.