You are here

Kiến nghị trả tự do cho TS Cù Huy Hà Vũ

Gia Minh- RFA
2011-04-12
Sau phiên xử tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, bản kiến nghị trên trang mạng Bauxite Việt Nam kêu gọi trả tự do cho ông đã được gần 460 người ký tên, tính đến ngày 12 tháng 4

AFP photo
Công an dẫn giải TS Hà Vũ rời toà

 
Bản ‘Kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ’ được gửi đến các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, là các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chánh án Toà án Tối cao, viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, bộ trưởng Bộ Tư Pháp.
 
Nhiều điều bất thường
Một trong những ngươì ký tên vào bản kiến nghị vừa nói, tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên, từ Australia cho biết lý do ông tham gia kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ:
 
"Chúng tôi làm khoa học, không dính dáng gì về chính trị. Chúng tôi theo dõi vấn đề khi nhóm điều hành Trang Bauxite do nhóm cuả giáo sư Nguyễn Huệ Chi khởi xướng. Như lần trước khi làm kiến nghị về vấn đề khai thác mỏ bauxite tại Việt Nam, lần này nhóm kiến nghị trả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ.
 
Chúng tôi theo dõi báo chí trong nước cũng như trên thế giới, cũng như từ  khi ông Cù Huy hà Vũ bị bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm giác thấy có sự bất thường.Điểm bất thường thứ nhất, ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại nhà nghỉ, và báo chí trong nước đưa tin nghi ngờ ông này sử dụng ma tuý và có hai bao cao su đã qua sử dụng nên nghi ngờ quan hệ với gái mãi dâm.
 
Tiếp theo báo chí đưa lên bức hình ông Cù Huy Hà Vũ trong tư thế không  mặc áo với một người phụ nữ khác. Nhưng rồi chỉ một vài ngày sau những thông tin vừa nói lại được chuyển sang tội danh khác; như thế đó là sự bất thường.

TS Cù Huy Hà Vũ trước toà Hà Nội.

 

Làm những điều ‘tiền hậu bất nhất’, không theo đúng tiêu chí cuả quan toà thì tình trạng cuả người công dân không được yên ổn, chúng tôi cảm thấy rất bất an cho người dân.
TS Nguyễn Đình Nguyên

Chính vì sự bất thường đó buộc chúng tôi phải theo dõi vấn đề ra làm sao! Đỉnh điểm là phiên toà  vào ngày 4 tháng tư vừa qua.
 
Thực tế chúng ta không biết sự việc ra sao, mà chính những luật sư bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ ‘trực diện’ trong phiên toà đã bước ra ngoài cho biết thông tin. Những thông tin đó cho thấy phiên toà không bình thường trong một qui trình xử án.
 
Ông Cù Huy Hà Vũ là tiến sĩ luật nên ông cũng có hiểu biết về phát luật. Bốn luật sư baò chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ cũng là những ngươì am hiểu luật. Tất cả những người đó còn bị đối xử trong tình trạng như thế, vậy quyền lợi cuả những người công dân Việt Nam thuộc tầng lớp ‘thấp’ hơn nữa thì sao?
 
Tại Việt Nam, những vị quan toà đại diện thi hành luật pháp, cầm cân nảy mực, mà làm những điều ‘tiền hậu bất nhất’, không theo đúng tiêu chí cuả quan toà thì chúng tôi thấy tình trạng cuả người công dân không được yên ổn, chúng tôi cảm thấy rất bất an cho người dân sống trong hoàn cảnh với những xử sự như vậy. Chính vì lý đo đó, chúng tôi phải lên tiếng".
 
Không trọng luật
Phiá chính quyền Hà Nội lâu nay luôn cho rằng những ngươì như ông Cù Huy Hà Vũ đã tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt Nam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền và những ngươì vi phạm phải bị xử theo luật cuả Việt Nam.
 
Trước luận điểm đó, ông Mai Thái Lĩnh, từ Đà Lạt có ý kiến:

"Theo tôi việc tôn trọng luật pháp là điều kiện đầu tiên. Bây giờ, Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng sẽ sửa đổi hiến pháp, cải cách hành chính, mở rộng dân chủ…; nhưng việc tôn trọng luật pháp không làm thì tất cả những điều kia không có giá trị.Với tư cách người dân, tôi cần phải lên tiếng.

Tôi nghĩ nhiều ngươì, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, cũng có vị trí trong xã hội tạo nên ‘tiếng nói’ quan trọng. Lý do đó là ‘cảnh báo’ đối với những người đang nắm giữ quyền lực chính trị tại Việt Nam."

 
 
Và Tiến sĩ Nguyễn Đình Nguyên từ Australia cũng có nhận định:
 
"Đúng hay sai theo thời điểm và có tính cách lịch sử nhiều hơn. Ví dụ, mới đây có kỷ niệm 86 năm ngày Cụ Phan Bội Châu ra toà; một thể chế chính trị mang tính chất tạm thời như ông bà chúng ta nói ‘quan nhất thời, dân vạn đại’; tức sai- đúng mang tính tạm thời, tuỳ hệ qui chiếu nào được sử dụng.
 

Phiên tòa hình sự, nếu không giải quyết được có thể kéo dài cả mấy tháng; chứ một phiên xử chính trị mà chỉ có mấy tiếng đồng hồ thì phải đặt lại vấn đề.
TS Nguyễn Đình Nguyên

Công an không cho dân dự phiên xử TS Cù Huy Hà Vũ

Chuyện Việt Nam nói làm theo những qui ước quốc tế; vậy hãy đặt ngược lại: chúng tôi được nghe phiên xử ông Cù Huy Hà Vũ là phiên xử tự do, nhưng sao ngươì đến dự không được vào?

Rồi một phiên toà chính trị mà chỉ xử gói gọn trong sáu tiếng đồng hồ, kể cả đọc bản cáo trạng.

Tại Australia, chúng tôi đi dự rất nhiều phiên toà. Kể cả những phiên toà hình sự bình thường phải mất một hai ngày. Nếu không giải quyết được có thể kéo dài cả mấy tháng; chứ một phiên xử chính trị mà chỉ có mấy tiếng đồng hồ phải đặt lại vấn đề."

Lý giải về thái độ mà ông Mai Thái Lĩnh cho là ‘thụ động’ lâu nay cuả nhiều ngươì tại Việt Nam, nhất là giới trí thức trước những vấn đề chính trị ‘nhạy cảm’ trong nước thì ông Mai Thái Lĩnh cho biết:

"Tôi đã có trình bày trong những bài nói hay phỏng vấn: do ở Việt Nam qua một thời gian rất lâu, những quyền cơ bản cuả con ngươì không có, không được thực hiện; lâu ngày tạo ra thói quen ‘thụ động’ khiến cho những người cầm quyền cảm thấy không có gì hạn chế quyền lực cuả họ và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.

Do vậy việc vi phạm luật pháp kéo daì nhiều năm.  Tuy nhiên gần đây tôi thấy những người ưu tư với tình hình đất nước còn nhiều, chứ không phải ít."

Đối với vụ xử và bản án mà Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên cho ông Cù Huy Hà Vũ, những ý kiến đồng thuận dường như chỉ xuất hiện trên truyền thông trong nước; còn rất nhiều ý kiến phản đối tiếp tục được đưa ra trên những trang nhật ký cá nhân, cũng như truyền thông ở nước ngoài.
Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/petition-to-free-havu-04122011152...