(Hình: Buổi công bố chỉ số PAPI 2018 tại khách sạn Melia Hà Nội)
Sáng ngày 2/4, tại khách sạn Melia Hà Nội, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2018 đã được công bố.
Báo cáo PAPI 2018 đánh dấu 10 năm kể từ khi chương trình nghiên cứu xây dựng chỉ số này được khởi xướng.
Ba mục đích chính của báo cáo là (1) trình bày kết quả khảo sát tổng hợp năm 2018 ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, (2) xác định những điểm mạnh và điểm yếu trong thực thi chính sách, (3) gợi mở một số biện pháp khả thi nhằm duy trì và cải thiện trong thời gian tới.[1]
Báo cáo PAPI 2018 bao gồm 8 chỉ số nội dung, trong đó có 6 chỉ số gốc và 2 chỉ số mới là quản trị môi trường và quản trị điện từ. Cả 8 chỉ số được đánh giá trên thang điểm 1-10.
Báo cáo là kết quả khảo sát ý kiến của 14.304 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành trên cả nước.
Kết quả cho thấy xu thế biến đổi theo chiều hướng cải thiện ở các chỉ số PAPI gốc.
Chỉ số 'Công khai minh bạch trong ra quyết định' có sự cải thiện nhỏ sau 8 năm, kể từ 2011. Một điều kém khả quan đáng lưu ý về nội dung này là tìm và hỏi cán bộ "quen" vẫn là kênh thông tin chính sách chủ yếu (với hơn 38% số người trả lời).
Chỉ số 'Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công' tiếp tục đà cải thiện của năm 2017, được giải thích là do người dân lạc quan hơn với tình hình kinh tế hộ gia đình và cảm thấy mức độ tham nhũng ở cấp cơ sở có xu hướng giảm.
Hai chỉ số có điểm trung bình toàn quốc đạt mức trung bình cao là 'Thủ tục hành chính công' và 'Cung ứng dịch vụ công', trong đó, các tỉnh/thành trong nhóm đạt điểm cao nhất phân bố khá đều trên cả nước. Về dịch vụ công, có sự cải thiện qua các năm ở các dịch vụ y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản, an ninh và trật tự khu dân cư song có sự yếu đi của dịch vụ giáo dục tiểu học công lập.
Hai chỉ số gốc còn lại là 'Tham gia của người dân ở cấp cơ sở' và 'Trách nhiệm giải trình với người dân' ở mức thấp (dao động lần lượt từ 4,41 đến 6,16 và từ 4,31 đến 5,6) cho thấy 2 mảng quản trị này còn yếu và cần phải được cải thiện nhiều.
Hai chỉ số mới được thêm vào để đáp ứng nhu cầu quản trị đang thay đổi và phức tạp hơn: Môi trường ngày càng trở thành mối bận tâm của công chúng, trong khi quản trị điện tử là đòi hỏi tất yếu của nền quản trị và hành chính công mới.
Điểm chỉ số 'Quản trị môi trường' đạt mức dưới trung bình, dao động từ 3,54 đến 6,74. Trả lời khảo sát, đa số người dân lựa chọn các dự án đầu tư thân thiện với môi trường thay vì dự án có thể tạo ra nhiều việc làm hoặc đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Một điểm tích cực khác là đa số ủng hộ mạnh mẽ năng lượng sạch.
Điểm chỉ số 'Quản trị điện từ' đạt mức rất thấp, dao động từ 1,93 đến 4,24. Mặc dù số người tiếp cận tin tức qua Internet và số người có Internet tại nhà đã tăng tương ứng 10% và 15% so với năm 2017, song số người sử dụng cổng thông tin điện tử của chinh quyền để làm thủ tục hành chính chỉ tăng nhẹ. Điều này có một phần nguyên nhân là dịch vụ chính quyền điện tử còn rất hạn chế.
Chỉ số tổng hợp PAPI cao nhất thuộc về Bến Tre, với 47,06/80 điểm. Nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất. Trong khi đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất.[2]
Từ kết quả khảo sát PAPI 2018, nhiều kết luận quan trọng đã được rút ra. Như TS. Đặng Hoàng Giang trình bày trong buổi công bố, các cấp chính quyền còn rất nhiều việc phải làm để người dân hài lòng hơn với nền quản trị và hành chính công, đặc biệt là về quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Ở một mặt khác, theo người viết, các lực lượng thúc đẩy xã hội từ bên dưới như các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động cần có nhiều biện pháp và cách thức thiết thực và gần gũi hơn trong việc đẩy mạnh sự tham gia của người dân trong việc quản lý nhà nước và xã hội.
Chú thích:
[1] Báo cáo PAPI 2018
http://papi.org.vn/uploads/PAPI_VN_upweb.pdf
[2] Bài trình bày công bố PAPI 2018
http://papi.org.vn/uploads/06_PAPI_2018_Launch_Presentation_VIE_FINAL.pdf
Bài bình luận gần đây