Maciej Tomaszewski – Lê Diễn Đức dịch (*)
Liên quân quốc tế dội bom xuống Libya đã được hơn một tuần và có rất ít bằng chứng cho thấy các cuộc không kích sẽ dẫn đến chiến thắng của quân nổi dậy trước Muammar Gaddafi. Gaddafi, như những người tham gia trong liên minh chống lại ông ta, xác định, ông ta phải ra đi. Nhưng nếu ông ta không chịu ra đi thì sao?
Sau hàng trăm giờ không kích của Liên quân và nhiều tuần chiến đấu vũ trang của quân nổi dậy ở phía đông, tình hình của Libya đang cách xa sự rõ ràng.
Quân nổi dậy đã chiếm được các thành phố phía đông của đất nước, đến tận Ben Jawad (mặc dù họ nhanh chóng đánh mất). Họ cũng đã đi tới Sirte, nhưng bị đẩy lùi bởi các lực lượng trung thành với Gaddafi. Còn Gaddafi thì đang kiểm soát gần như toàn bộ phía tây, trừ một phần của Zintan và Misrata, nhưng có vẻ như việc giành được chỉ còn là vấn đề thời gian.
Liên minh các quốc gia tham gia vào chiến dịch “Dawn Odyssey” hiện chưa có ý định trang bị vũ khí cho quân nổi dậy (mặc dù người Anh và người Mỹ dường như hỗ trợ ý tưởng này), có nghĩa là, không có vũ khí hạng nặng và hiện đại, quân nổi dậy sẽ không thể đi xa hơn về phía tây và đối mặt với binh lính của Gaddafi trong các thành phố. Các cuộc không kích của Liên quân quốc tế không thể tiêu diệt hết tiềm năng của Gaddafi trên mặt đất. [Trong ngày 30 tháng 3, phản đối ý tưởng về cung cấp vũ khí cho phiến quân, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo của Quốc hội Hoa Kỳ Mike Rogers nói “vào thời điểm này đây là một ý tưởng không hay” – ND].
Điều này có nghĩa là, liệu trong ván cờ tại Libya sẽ có màn chiếu tướng, đất nước sẽ bị phân chia thành phía đông của phiến quân và phía tây của Gaddafi? Trước việc Liên quân không muốn có một cuộc đổ bộ của lục quân, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra.
Còn dầu, còn một cơ hội tồn tại
Sự phân chia đất nước dọc theo chiến tuyến có vẻ thuận lợi hơn cho quân nổi dậy. Bởi vì họ đang kiểm soát (mặc dù cuộc phản công của Gaddafi đang tăng tốc) hầu hết các mỏ dầu của Libya, và trước hết đang nắm quyền quản lý cảng lớn nhất, mà từ đây dầu được xuất đi, cảng Ras al-Nuf.
Các mỏ dầu ở phía đông được khai thác chủ yếu bởi các quốc gia nằm trong liên minh chống lại Gaddafi, do đó, họ sẽ không gặp trở ngại gì trong vấn đề kéo dài giấy phép khai thác. Lo lắng chỉ với người Ý, cũng có các nguốn dầu ở phía đông, nhưng sự tham chiến của Ý chống lại Gaddafi dường như khá hạn chế. Roma lo ngại tình trạng mà trong đó nguồn dầu của mình (tập đoàn ENI) sau khi kết thúc chiến sự có thể rơi vào người Anh và người Pháp.
Ủng hộ lớn nhất cho cuộc can thiệp quân sự ở Libya, nếu đất nước bị phân chia, người Pháp không những chỉ giành được lợi ích từ dầu, mà còn tiền bạc từ các hợp đồng bán vũ khí, trong đó người ký không phải là Gaddafi, mà là ai đó ở Benghazi. Một quốc gia trẻ “de facto” [mặc dù rất có thể nó sẽ không được xem là “de jure” (hợp pháp –ND)] sẽ cần vũ khí trong trường hợp xung đột với Gaddafi, và các đồng minh mới cũng sẽ sẵn sàng cung cấp vũ khí.
Danh tính không rõ ràng, hệ tư tưởng không chắc chắn
Điều duy nhất có thể ngăn cản các nước trong liên quân, và những gì bây giờ thực sự đang ngăn cản việc cung cấp vũ khí cho các phiến quân, là danh tính và ý thức hệ tư tưởng không rõ ràng của lực lượng nổi dậy. Cung cấp vũ khí cho các phiến quân, phương Tây lo ngại có thể lặp lại sai lầm của người Mỹ khi chuyển giao công nghệ cao cho quân Hồi giáo ở Afghanistan chiến đấu chống lại Liên Xô.
Kịch bản Afghanistan hoàn toàn có thể lặp lại, nếu như nói đến tình hình nội bộ của lực lượng nổi dậy. Số phận của quân nổi dậy ở Afghanistan đã chỉ ra rằng, sự thù địch bên trong lực lượng chiến thắng có thể dễ dàng dẫn đến việc nắm quyền bởi những kẻ cực đoan tôn giáo. Một tình hình tương tự thực sự cũng có thể xảy ra cả trong trường hợp quân nổi dậy thắng lợi hoàn toàn tại Libya.
Trong trường hợp phe nổi dậy quá cực đoan, không loại trừ khả năng họ sẽ tham gia vào cuộc xung đột với nước láng giềng Ai Cập, một quốc gia không cho phép sinh sôi bên cạnh những chiến binh cực đoan đe dọa nhà nước thế tục của Ai Cập. Cairo chắc chắn sẽ cố gắng khuyến khích các phe phái ôn hoà trong lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, do hận thù lịch sử Libya-Ai Cập, điều này có thể trở nên tia lửa xung đột giữa các phiến quân. Ngoài ra, các nước Ả Rập khác sẽ không hài lòng với sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ai sẽ mua dầu?
Địa bàn xoay xở của Gaddafi sẽ như thế nào nếu đất nước bị phân chia? Chắc chắn, quay lại, ông ta sẽ trở thành kẻ đứng ngoài lề quốc tế, mà hầu hết các nước phương Tây và Ả Rập sẽ xem như một con hủi.
Gaddafi, tuy nhiên, có thể duy trì ảnh hưởng tại một số nước châu Phi, mà cho đến nay đã được ông ta trợ cấp hào phóng trong khuôn khổ Liên minh châu Phi. Chắc chắn ông ta cũng không gặp khó khăn với nguồn lính đánh thuê hỗ trợ chế độ. Ít nhất cho đến khi ông ta còn các khoản quỹ có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Giữ được quyền lực, mặc dù mất đi một nửa nước, chế độ Gaddafi vẫn còn khá nhiều, nhưng sẽ gặp vấn đề. Ông ta sẽ gặp khó khăn tìm người mua dầu trước sự tẩy chay quốc tế. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn còn có thể bị cám dỗ bởi vàng đen của Gaddafi. Trung Quốc đã không dưới một lần cho thấy khi theo đuổi các nguồn năng lượng đã sẵn sàng đầu tư vào quốc gia có danh tiếng không mấy tốt đẹp, chẳng hạn như Sudan. Nhưng liệu Bắc Kinh có sẵn sàng đầu tư vào các mỏ dầu trước đó thuộc các công ty phương Tây?
Khủng bố là cơ hội của Gaddafi
Mặc dù nhà nước của Gaddafi sẽ nằm trong kịch bản bị phong toả bởi vành đai của phương Tây, nó tiếp tục là mối nguy hiểm đối với phương Tây. Tất cả qua chiến lược phản kháng mà Tripoli đã kiểm nghiệm bằng hành động trong những năm 80 của thế kỷ XX. Lúc bây giờ, Gaddafi cũng bị gạt ra lề, nhưng ông ta đã đạt được vài cú đấm nghiêm trọng. Nhờ khủng bố.
Ngay cả bây giờ, sau thất bại và đất nước bị chia cắt, Gaddafi có thể cắn phương Tây bằng tổ chức các cuộc tấn công khủng bố ở châu Âu, Trung Đông, và thậm chí có thể ngay cả ở Hoa Kỳ.
Vụ khủng bố đánh bom máy bay trên thị trấn Lockerbie, hay đặt bom tại vũ trường ở Berlin, cho thấy Gaddafi đã không ngần ngại áp dụng chủ nghĩa khủng bố. Trong quá khứ, nhiều tổ chức khủng bố độc lập đã dựa vào tài trợ của Libya trong cuộc chiến chống lại phương Tây và các chế độ Ả Rập. Lần này có thể cũng tương tự.
Nhiệm vụ khó khăn của liên quân
Đứng trước một liên quân từ chối sử dụng các lực lượng tham chiến trên mặt đất, là nhiệm vụ khó khăn cho việc kết thúc cuộc chiến ở Libya. Một phần giải pháp, như được biểu thị bằng ví dụ Iraq sau chiến dịch “Bão táp sa mạc” (Desert Storm), không sớm thì muộn phải dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiếp theo, sau vài năm hoặc thậm chí sớm hơn.
Phương Tây và các đồng minh Ả Rập do đó phải quyết định không chỉ, làm thế nào để loại bỏ Gaddafi ra khỏi Tripoli, mà còn ngăn chặn sự phân chia đất nước. Bỏ rơi quân nổi dậy và cho phép nhà độc tài Libya phản công hiệu quả, sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến thắng cuối cùng, có lẽ không nằm trong cuộc chơi này. Với cơ hội giành chiến thắng của Gaddafi, Phương Tây sẽ đánh mất quá nhiều. Không chỉ việc cung cấp dầu, mà phần còn lại của uy tín quốc tế.
Tuy nhiên, Gaddafi luôn luôn cho thấy ông ta vẫn còn nguy hiểm và có thể gây bất ngờ khó chịu cho quân nổi dậy. Ông ta đã chứng minh rằng ông ta có thể đuổi quân nổi dậy ra khỏi các thị trấn đã bị mất. Nếu tình hình trở nên nguy kịch với quân nổi dậy, thậm chí cả việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy cũng không giúp được, phương Tây sẽ phải đối mặt với câu hỏi bi kịch về sự can thiệp trên bộ. ■
*Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan, đăng trên trang website của đài truyền hình tin tức Ba Lan TVN24 ngày 30 tháng 3 năm 2011. Tựa đề của người dịch.
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
--------------------------------------------------------------------------
* Đây là Blog của cá nhân Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
Bài bình luận gần đây